ClockThứ Năm, 16/12/2021 13:45

Khắc phục sau mưa lũ sớm ổn định sản xuất

TTH - Các trận mưa, bão lụt liên tiếp cuối năm 2021 gây thiệt hại khoảng 85,3 tỷ đồng, trong khi nguồn lực của tỉnh đang khó khăn. UBND tỉnh đang đề xuất Bộ NN&PTNT trình Chính phủ hỗ trợ kinh phí khắc phục hạ tầng, thủy lợi, khôi phục sản xuất cho nhiều địa phương.

Sớm khắc phục các công trình hư hỏng sau mưa lũ

Hệ thống dẫn nước tưới tiêu ở xã Quảng Nhâm (A Lưới) bị thiệt hại, ảnh hưởng sản xuất

Thủy lợi thiệt hại nặng

Chỉ trong những tháng cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh liên tiếp hứng chịu 5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, gây hư hỏng nặng hạ tầng giao thông, thủy lợi, cơ sở sản xuất; trong đó, thiệt hại thủy lợi nặng nề với hơn 50 tỷ đồng. Tại nhiều địa phương, dù công tác khắc phục thủy lợi tạm thời đã được triển khai, tuy nhiên về lâu dài, để đáp ứng nhu cầu sản xuất, ổn định đời sống người dân, cần nguồn vốn triển khai khắc phục các công trình.

Tại huyện A Lưới, nhiều năm nay, khoảng 70% công trình thủy lợi xuống cấp, hoặc đã được xây dựng nhiều năm, cần nguồn vốn duy tu bảo dưỡng hoặc xây mới. Các trận mưa lũ từ cuối tháng 9/2021 đến nay đã làm hư hỏng nhiều công trình, nguy cơ ảnh hưởng sản xuất vụ đông xuân tới.

Ông Hồ Trọng Chăn, Chủ tịch UBND xã Quảng Nhâm (A Lưới) thông tin, trận mưa lớn từ cuối tháng 10/2021 đã làm xói lở đất gây đổ gãy trụ cầu máng kênh dẫn nước của trạm bơm Hồng Quảng trên chiều dài 30m. Do nằm ở vùng có khe suối nên tình trạng sạt lở nguy cơ kéo dài thêm 50m làm sập một đoạn dài tuyến kênh dẫn nước.

Công tác khắc phục tạm thời sạt lở biển, ổn định đời sống người dân cần triển khai

Công trình trạm bơm Hồng Quảng đã xây dựng khá lâu, phục vụ tưới tiêu cho khoảng 5ha lúa tại địa phương. Hiện tại địa phương đã khắc phục tạm thời công trình, về lâu dài cần nguồn vốn đầu tư gia cố nhằm đảm bảo nhu cầu phục vụ sản xuất vụ đông xuân tới.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, trận mưa lũ, bão lụt vừa qua đã làm nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh bị ngập sâu, hư hỏng xuống cấp. Trong đó, hệ thống kênh mương, đê nội đồng bị hư hại nặng với chiều dài hơn 50km; hơn 60 trạm bơm, đập dâng bị bồi lấp bể hút, bể xả và hư hỏng, tập trung ở các huyện miền núi Nam Đông, A Lưới và hơn 15km hệ thống đê biển bị xuống cấp, sạt trượt.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, trong năm 2021, đường bờ biển trên địa bàn tỉnh sạt lở diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Hiện nay còn 12,4km bờ biển sạt lở qua các địa phương với tốc độ xói lở bình quân hàng năm từ 3-5m, có nơi 5-7m đe dọa tính mạng, tài sản khoảng 1.500 hộ dân sống trực tiếp gần bờ và một số nơi có nguy cơ mở cửa biển mới. Đơn vị đã phối hợp với các đồn biên phòng ven biển, chính quyền địa phương huy động vật tư, nhân lực để xử lý tạm thời các điểm sạt lở nặng nhằm đảm bảo an toàn.

Cần hỗ trợ

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, đến nay, bằng nhiều nguồn vốn trên địa bàn tỉnh đã đầu tư được khoảng hơn 1.100km kênh mương nội đồng, ước kinh phí thực hiện khoảng 600 tỷ đồng. Việc đầu tư kiên cố hóa các tuyến kênh đã giúp chủ động được nguồn nước tưới tiêu, tiết kiệm nguồn nước tưới, giảm chi phí trong quá trình vận hành khai thác.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều tuyến kênh thủy lợi đã đầu tư trong thời gian trước năm 2000 nay đã xuống cấp nhiều nơi, nhất là sau các trận mưa lũ. Hàng năm, bằng nguồn kinh phí của tỉnh và của các địa phương chỉ đầu tư sửa chữa nhỏ một số đoạn cấp bách. Vì vậy trong thời gian tới cần xem xét, bố trí kinh phí để sửa chữa các tuyến kênh đã xuống cấp, theo thống kê, kinh phí nâng cấp sửa chữa ước khoảng 100 tỷ đồng.

Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trước tình hình thiệt hại do mưa lũ vừa qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, các ngành tích cực khắc phục hậu quả nhằm sớm ổn định đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân. Trong đó, sử dụng ngân sách tỉnh để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả về sản xuất nông nghiệp và sửa chữa các công trình phục vụ dân sinh, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của địa phương.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thiên tai, tỉnh đã thực hiện cắt giảm chi tiêu và sử dụng nguồn vốn dự phòng, các nguồn vốn huy động để phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ người dân gặp khó khăn, dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn để thực hiện khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra.

UBND tỉnh đã đề nghị Bộ NN&PTNT trình Chính phủ, các bộ ngành, đưa vào chương trình hỗ trợ cho tỉnh kinh phí khắc phục các công trình hạ tầng, dân sinh. Cụ thể, kinh phí sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, nước sạch, đê điều và sạt lở bờ sông, biển với tổng kinh phí hơn 490 tỷ đồng. Trong đó, sửa chữa công tình thủy lợi, nước sạch hơn 52 tỷ đồng; kè sạt lở bờ biển 322 tỷ đồng; kè sạt lở bờ sông 116 tỷ đồng. Trước mắt, để xử lý khẩn cấp các đoạn xung yếu sạt lở bờ biển tại thôn Tân An (Phú Thuận, Phú Vang) cần kinh phí khoảng 100 tỷ đồng.

Chuẩn bị cho vụ đông xuân

Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương tập trung khắc phục thiệt hại, chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân. Triển khai chăm sóc cây ăn quả, rau màu, vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Khôi phục chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thu hoạch sớm diện tích thủy sản để giảm mật độ tránh rủi ro thiệt hại. Trong đó ưu tiên chăn nuôi gia cầm đảm bảo phục vụ thực phẩm dịp Tết Nguyên đán.

Bài, ảnh: Nguyễn Khánh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cải cách thể chế, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm

Ngày 17/4, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức công bố Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2023. Sau hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đã dành cho phóng viên TTXVN cuộc phỏng vấn nhanh về các kết quả này, cũng như những tồn tại, hạn chế và các vấn đề đặt ra trong thời gian tới.

Cải cách thể chế, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm
Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng phát triển của nền nông nghiệp nói chung và ngành nông nghiệp tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, với chi phí đầu vào đắt đỏ và đầu ra vẫn còn chưa phổ dụng thì cần có chính sách kích cầu cho doanh nghiệp, cá nhân tham gia.

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp huyện Phú Lộc đang từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên người dân yên tâm.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

TIN MỚI

Return to top