ClockThứ Tư, 06/04/2016 09:55
http://admin.baothuathienhue.vn/news/index?lang=vi

Khách hàng chưa quen chuyển khoản

TTH - Sau khi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện nước, viễn thông thực hiện chủ trương không thu tiền tại nhà, ngoài các quầy thu, các ngân hàng có thêm dịch vụ mới là thu hộ. Thế nhưng, theo đánh giá của người dân, chỉ có nhà cung cấp dịch vụ và ngân hàng hưởng lợi.

Để giảm áp lực cho quầy thu Tây Lộc trong ngày đầu triển khai mô hình thu tiền tại quầy, HueWACO lập thêm điểm thu di động

Đa số khách hàng nộp tiền mặt

Bình quân mỗi tháng, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) Chi nhánh tỉnh thu hộ khoảng 3.000 hóa đơn tiền nước, trong đó, hơn 95% hóa đơn do người dân đến nộp tiền mặt tại các phòng giao dịch và địa điểm nộp tiền do ABBank lập tại một số phường xa trung tâm TP. Huế, với tổng số thu khoảng trên 1 tỷ đồng/tháng.

Tương tự, tại gần 200 quầy thu của Công ty TNHH NNMTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO), gần 225.000 khách hàng đang sử dụng nước sạch do HueWACO cung cấp, chỉ có khoảng hơn 1.000 khách hàng sử dụng hình thức thanh toán khác, như qua kênh thanh toán Payoo, EMS Banking, chuyển khoản…

Khách hàng của Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế cũng tương tự.

Viễn thông Thừa Thiên Huế triển khai hình thức thu tiền cước mới đầu tháng 3/2016. Song, theo dự đoán của những người làm công tác thu hộ tại một số ngân hàng, khả năng cũng không khác hơn so với các doanh nghiệp cung cấp điện, nước.

Lý do dẫn đến tình trạng trên là bởi đa phần người dân chưa có thói quen sử dụng các hình thức thanh toán khác. Hàng tháng, khi nhân viên điện, nước đưa thông báo nộp tiền, hầu hết đều đến các điểm thu do các doanh nghiệp đầu tư, lập, tổ chức hoặc ngân hàng để nộp tiền mặt.

Một người có thể nộp thay cho nhiều người, là cách mà khá nhiều người dân lựa chọn và phổ biến ở các quầy thu, khi chúng tôi quan sát trong những ngày cao điểm thu tiền điện, nước hàng tháng. Có người, khi đến nộp tiền điện, nước tại ABBank cầm theo cả xấp giấy thông báo lẫn hóa đơn thu tiền của các tháng trước.

Thay đổi hình thức nộp tiền

Bà Nguyễn Thị Thu Tâm, ở phường Hương Long (Huế) cho hay, ngày cao điểm, có hôm phải đợi cả buổi sáng mới nộp được tiền điện. Điều này cũng được Giám đốc ABBank Chi nhánh tỉnh Đinh Quang Hưng, ngân hàng có bố trí điểm thu tiền điện ở phường Hương Long xác nhận.

Chính theo ông Hưng, những ngày từ 18-20 hàng tháng luôn quá tải người nộp tiền điện. Do thế, mới xảy ra tình trạng chen lấn, chờ đợi. Tại các phòng giao dịch và chi nhánh của ABBank cũng tương tự trong những ngày đó.

Cũng theo ông Hưng, giải pháp chỉ có thể là vận động người dân thay đổi hình thức nộp tiền. Thay vì nộp tiền mặt tại các điểm thu thì chuyển khoản hoặc các hình thức thanh toán khác. Song, điều này khá khó, khi chúng tôi khảo sát một số khách hàng, họ cho rằng chưa có thói quen này. Kể cả CB-CC, người lao động hưởng lương qua tài khoản cũng rất ít người đăng ký trừ tiền điện, nước qua ATM hàng tháng.

Giải pháp này cũng được rất nhiều ngân hàng trên địa bàn đề xuất, như Vietcombank, Vietinbank. Trong một lần trao đổi với chúng tôi, bà Phan Thị Diệu Cầm, Phó Giám đốc Vietcombank Huế cho hay, để thực hiện chủ trương hạn chế dùng tiền mặt trong thanh toán, Vietcombank có quy định buộc nhân viên phải thanh toán tiền điện nước qua tài khoản, không nộp tiền mặt. Đây cũng là cách ABBank áp dụng với nhân viên của mình.

Thế nhưng, khi chúng tôi đề cập đến việc áp dụng biện pháp này, ít nhất với những người đang hưởng lương từ ngân sách, đại diện Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh cho rằng, hiện vẫn chưa có quy định bắt buộc nên không thể buộc CB-CC trả tiền sử dụng dịch vụ qua tài khoản hoặc các hình thức khác mà không phải là đến nộp tại quầy.

Chúng tôi cũng đề cập đến giải pháp tăng cường quầy thu, nhân viên thu…, khi người dân chưa hình thành thói quen thanh toán qua tài khoản, thì đại diện một số ngân hàng cho hay, thu không đủ bù chi. “Muốn lập điểm thu hộ tiền, phải có cả ê kíp mới thực hiện được, gồm cả nhân viên thu ngân, bảo vệ, xe chuyên dụng, công an… Trong khi đó, mức phí thu được không đủ để bù chi. Chúng tôi làm dịch vụ thu hộ, chỉ nhằm mục đích bán các dịch vụ khác của ngân hàng. Một trăm khách hàng đến nộp tiền điện, nước, ít nhất cũng có vài khách hàng sử dụng dịch vụ của chúng tôi”, giám đốc một chi nhánh ngân hàng TMCP trên địa bàn chia sẻ.

Trong khi đó, phía khách hàng lại cho rằng, chủ trương thu tiền điện, nước, viễn thông tại quầy chỉ có doanh nghiệp cung cấp là được lợi, khi vừa bán được sản phẩm, lại không phải tốn công thu tiền, còn người dân vừa tốn công, vừa tốn phí.

Bài, ảnh: Tâm Huệ

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điều chỉnh giá bán lẻ điện từ hôm nay (9/11)

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có Quyết định số 1416/QĐ-EVN ngày 08/11/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân là 2006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 09 tháng 11 năm 2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Điều chỉnh giá bán lẻ điện từ hôm nay 9 11
Return to top