ClockThứ Sáu, 26/01/2018 10:13

Khách trọ

TTH - Khách trọ đến ở đã được một tuần, đã quen với căn phòng mới và quen cả việc mỗi ngày nhảy qua tường sang nhà chủ xách nước hai lần. Khách trọ tên Huyền, bà chủ vẫn gọi Huyền đen, Huyền tuyền, âu yếm, ngọt ngào như cái cách bà gọi con misa cưng của bà. Huyền chẳng bao giờ thèm giận, vẫn sáng một lần, chiều một lần xách hẳn cái can to đoành sang đựng nước. Nhà bà chủ không giàu, có hai cái phòng cấp bốn, hai mẹ con bà ở một phòng với vài ba thứ đồ linh tinh không đáng giá, còn một phòng bà cho Huyền thuê trọ với giá ưu đãi. Từ đó nhà bỗng có ba người.

Nhà chủ rộng rãi, thật hiếm có một nhà nào ở giữa trung tâm thành phố lại đặc sệt tính nhà quê như thế. Ngoài vườn trồng vài ba bụi chuối, nuôi hẳn một đàn gà mười con, con nào con ấy vàng ươm. Ban ngày gà mái cục con ầm vườn, ban đêm thì gà trống gáy cả ngõ phố tỉnh giấc. Vài bụi mía tím vẫn còn trắng phấn, vài gốc cam bị sâu đục vàng, cây mít đã đến mùa ra quả. Tất cả đều gợi cho khách trọ cảm giác thân thuộc như quê mình. Đôi khi, giữa đêm tỉnh dậy vì tiếng gà gáy mà khách trọ cứ ngỡ mình đang nằm ngủ giữa quê nhà.

Đất nhà bà chủ đắt lắm, bao nhiêu người đến hỏi mua nhưng bà đều lắc đầu cười. Có hôm buột miệt khách trọ hỏi:

- Nhà thì ít người sao bác không bán bớt đất để làm gì rộng thênh thang thế này?

Bà bảo:

 - Để cho thằng Hùng lấy vợ, sinh con, con lại sinh ra cháu. Đất bao nhiêu cũng chưa đủ chứ thế này đã ăn nhằm là gì. Ở rộng rãi cho nó thoải mái, chen nhau chật chội thì chỉ có mà tổn thọ thôi.

Đôi khi khách trọ nghĩ bà chủ thật dại, bao nhiêu người bán đất để có nhà lầu, xe hơi mà bà thì chỉ thích sống đạm bạc. Thế mà ai nói gì bà cũng chỉ cười cho qua chuyện. Cuộc sống của hai mẹ con bà không giàu có nhưng cũng tạm đủ. Bà trước kia bà mở quán cắt tóc nho nhỏ ở vỉa hè, sau này vừa là có tuổi, lại làm ăn không thuận lợi nên bà không làm nữa. Suốt ngày quanh quẩn chăm mấy con gà và cơm cháo chờ anh con trai đi làm về. Anh Hùng học xong đại học, xin luôn vào một công ty điện tử, lương tháng vài triệu, lúc nào cũng thấy anh vui vẻ, tính y hệt bà chủ. Người ngoài bảo “được cả mẹ lẫn con”, khách trọ thì nghĩ thầm họ như người ở nông thôn lạc xuống phố không bằng. Người đâu mà chân chất, thật thà đến lạ.

Dạo này nhà có ba người nên mỗi sáng đi chợ bà dặn mình mua nhiều hơn một chút. Bình thường chỉ nửa cân hến là hai mẹ con nấu canh ăn đủ, bây giờ bà mua cả cân mà vẫn lo sẽ thiếu. Bình thường bà chẳng bao giờ ăn được mướp đắng, nhưng từ khi biết khách trọ thích ăn thì tuần nào bà cũng ghé hàng rau mua mướp đắng ít nhất một lần, rồi tạt qua hàng trứng mua về xào lên cho khách trọ. Mặc dù hai phòng ăn riêng, nhưng cứ đến bữa ăn là bà lại bê một bát thức ăn đứng bên bờ rào bằng bê tông gọi khách trọ ra dúi vào tay rồi lặng lẽ đi vào. Đôi khi mua hoa thắp hương mồng một, lại nghĩ phòng con gái cần phải có lọ hoa mới ra dáng thế là bà cũng đi mua hoa, mua bình về dúi cho khách trọ. Con trai bảo đùa:

 - Mẹ chiều khách trọ hơn cả chiều con.

 Bà chủ mắng yêu:

- Bố anh! Anh thì đã có mẹ lo cho từng miếng ăn, còn người ta một thân một mình sống giữa thành phố này, đói lo không ai biết. Lúc ốm đau không ai chăm, cũng là người thì phải biết thương người ta chứ.

Con trai chỉ cười, rồi tặc lưỡi bảo:

- Sao mà mẹ lại thương người hơn cả bản thân mình thế không biết được. Chưa nói dứt câu đã thấy bà ra bờ rào hỏi khách trọ:

- Cháu có gội đầu với bồ kết không? Bác đun luôn cho nhé!

Khách trọ sờ mái tóc rối bù của mình sau một ngày đạp xe đi làm thêm rồi vâng khe khẽ. 

Khách trọ đẹp. Cái vẻ đẹp thùy mị, dịu dàng của người con gái thôn quê. Lên thành phố ăn học đã được ba năm nhưng nhìn khách trọ không thay đổi nhiều so với buổi đầu mới đến đây thuê nhà. Vẫn mái tóc đen dài, vẫn mặc những bộ quần áo kín đáo mà tươm tất, vẫn nụ cười dễ làm mê đắm trái tim người khác. Khách trọ hiền, ít nói nhưng rất biết an ủi và giúp đỡ người khác. Những hôm trời hanh nắng, thấy bà chủ ra hiên nhà ngồi buồn thiu, để mấy con gà vào tận nhà quấy mà bà không buồn đuổi. Biết bà buồn, khách trọ lân la nhổ tóc sâu, chuyện trò hoặc chỉ ngồi im lặng nghe bà chủ thở dài từng tiếng. Những hôm mưa triền miên ngày đêm, trời đất, khi con trai đã đi làm, bà chủ lại ra hiên ngồi, nhìn mông lung ra màn mưa. Khách trọ ở bên này cũng ra hiên ngồi, tự nhiên không hiểu sao thấy buồn vu vơ, một nỗi buồn xa lắc...

* * *

Ngày nhỏ, khách trọ cũng có những ngày ngồi ngóng vọng trong trời mưa như thế. Khi người mẹ hiền mất đi, khi bố phải theo những chuyến tàu lên biên giới làm ăn. Nhà chỉ còn mình bà nội với Huyền, mái lá cọ không tránh nổi những cơn mưa ồ ạt, không che kín những cơn gió buốt rét mùa đông, không giấu nổi nỗi buồn đìu hiu, se sắt khi mùa thu đến. Mẹ mất vì bệnh ung thư vú, để lại trong trí óc Huyền mãi mãi là đôi mắt mẹ lúc nào cũng ầng ậc nước, giọng nói buồn như mưa, và đôi bàn tay những lúc ôm Huyền vào lòng mỏng manh như gió. Từ ngày mẹ mất, ngày nào Huyền cũng ra hiên ngóng, dù đã mấy lần nội bảo “mẹ con mất rồi, về một thế giới khác rồi và sẽ không bao giờ quay trở lại nữa đâu”. Huyền biết điều ấy, nhưng vẫn không thôi ngóng đợi. Ngày ấy Huyền còn tin vào cổ tích.

Huyền lên lớp bảy thì nội mất. Đúng vào những ngày mưa tầm tã như thế này. Nội đi rất nhẹ nhàng, khi hai bà cháu đang ngồi ngoài hiên thì nội kêu mệt vào giường nằm, một lúc sau nội gọi Huyền vào, nội ôm Huyền trong tay rồi hai bà cháu chìm vào giấc ngủ. Khi tỉnh dậy, Huyền kể chuyện về giấc mơ gặp mẹ ở một nơi rất đẹp với thật nhiều hoa bướm, chim muông. Huyền nằm im trong vòng tay bà, nói mãi, nói mãi vẫn không thấy bà lên tiếng, Huyền giật mình lay gọi mới biết nội đã đi rồi. Đôi môi nội buồn thiu, nhưng vòng tay ôm Huyền vào lòng thì vẫn chắc và rất ấm đến lạ. Bố đi làm xa, lúc đó nhà chỉ còn mình Huyền, nhìn ra màn mưa trắng trời mà thấy sao mình nhỏ bé, đơn độc thế...

Từ đó bố thôi không đi lên biên giới làm ăn nữa mà ở hẳn nhà chăm nom Huyền. Hàng ngày bố đi làm đồng, rảnh rỗi thì đi làm thuê bất cứ việc gì miễn là để có tiền cho Huyền ăn học. Dù bố đã cố gắng yêu thương để bù đắp những thiếu thốn tình cảm cho Huyền, nhưng cô không thôi nguôi ngoai nhớ mẹ. Nỗi nhớ như từng mạch máu cứ chảy rần rật trong da thịt, nỗi nhớ như cơn mưa, như từng đợt gió táp vào lạnh buốt. Huyền nhớ những buổi chiều hai mẹ con ra đồng tát tép, mặt Huyền lấm lem vì nghịch nước, mẹ âu yếm dùng bàn tay vẫn còn tanh mùi bùn, quệt vội vào chiếc áo mồi của mẹ rồi dịu dàng lau má cho Huyền. Mùa đông, nhà nghèo nên Huyền chỉ có độc chiếc áo khoác hoa đã vá nhiều chỗ. Những hôm mưa, áo bị ướt, mẹ phải ngồi suốt canh thâu hơ áo để ngày mai Huyền có áo mặc đến trường. Lúc khoác chiếc áo vào người hơi ấm của than lửa, của tình yêu thương bao la từ mẹ khiến Huyền thêm ấm áp, chỉ có đôi mắt mẹ là trũng sâu vì thiếu ngủ. Những đêm mùa hè, cả vùng nông thôn đều chưa có điện, cả nhà nằm ngủ ngoài hiên, mẹ ngồi quạt cho mọi người đến lúc ngồi ngủ gật lúc nào không biết. Từ khi mẹ không còn trên cuộc đời này nữa, thì đối với Huyền nó là một thiếu hụt không gì có thể bù đắp được.

Từ ngày xuống thành phố học, lúc còn ở trong ký túc xá, hàng ngày thấy những bà mẹ khác xuống thăm con bằng sự lo lắng, những cử chỉ yêu thương, những vỗ về hiền hậu Huyền lại thấy chạnh lòng. Nhiều đêm nằm nghe đứa bạn gọi điện về cho mẹ khóc vì nhớ nhà. Nhiều đêm trùm kín đầu trong chăn khóc khi thấy đứa bạn nhận được thư của mẹ với những nét chữ của người không quen cầm bút, nhưng dòng chữ nào cũng ướt nhòe nước mắt. Dần dần sự thiếu hụt tình cảm của người mẹ khiến Huyền sống khép mình trong nỗi cô đơn và nhiều khi là cả sự mặc cảm và đố kị. Để tự giải thoát mình, Huyền xin ra khỏi ký túc xá và đi tìm nhà trọ.

Huyền làm khách trọ nhà mẹ con bà Cẩm đã được ba năm. Ở đây Huyền ít bị tổn thương, trừ những hôm bà Cẩm lôi cậu con trai đã lớn tướng ra giữa sân để bà vừa cắt tóc vừa cằn nhằn:

- Tóc tai để rậm rịt thế này mà cũng dám thò mặt ra đường, mà cũng dám mơ tưởng đến con gái người ta hả?

Là thể nào Hùng cũng nhăn nhó:

- Mẹ đừng cắt cho con quả đầu giống những năm 90 là được. Mà thôi, mẹ cứ để con ra quán cắt cho xong.

- Ngồi im đấy cho mẹ. Cứ cạo trọc không còn cái tóc nào là được đúng không? Đợi con mò ra quán thì có khi thành vượn.

Huyền ngồi bên này ngó sang, miệng thì cười mà tim sao nhoi nhói.

                               * * *

Nhà bà chủ hóa ra cũng có con gái nhưng đã mất vì tai nạn lâu lắm rồi. Nhiều lúc buồn buồn bà chủ bảo:

- Nó mà còn sống cũng sẽ xinh đẹp như cháu vậy. Da nó trắng hồng, tóc đen mượt vì chiều nào bác cũng đun bồ kết cho nó gội. Hôm ấy con bé xin phép sang nhà bạn hỏi mấy bài tập khó, lúc dắt xe ra cổng nó còn quay vào bảo chỉ đi chốc lát rồi về ăn cơm. Thế mà bác ngồi ở hiên này đợi mãi, đợi cho đến tận bây giờ vẫn không thấy nó về...

Khách trọ có lúc buột mồm lại hỏi về bác trai. Bà chủ cười, hất tay chỉ vu vơ ra ngoài đường bảo:

- Ông ấy bỏ mẹ con bác đi lâu rồi. Bây giờ có vợ con trong Sài Gòn.

Mắt bà chủ rưng rưng. Khách trọ ngồi buồn so. Hùng đi làm về thấy vậy là cằn nhằn:

- Mẹ đi vào nhà ngồi đi, chứ cứ ngồi ngoài này mưa tạt vào ốm thì sao, con nhắc mẹ bao nhiêu lần rồi. Lạnh lắm!

Khách trọ ra trường, ở thêm được hai năm nữa thì phải lòng con bà chủ. Sau mấy lần bà Cẩm bảo con trai chịu khó đưa khách trọ về quê thăm bố. Sau mấy lần khách trọ gặp phải dịch sốt, nằm li bì ở nhà được Hùng hỏi han ân cần, tự tay bà Cầm bón cho từng thìa cháo nhỏ tận tình như một người mẹ. Và sau cả rất nhiều buổi chiều nhìn bà Cầm ngồi ra hiên ngóng vu vơ đứa con gái nhỏ, tự nhiên khách trọ thấy yêu những con người trong ngôi nhà này như một phần thân thuộc. Hùng đã bàn với khách trọ đón bố xuống ở cùng nhà cho vui. Bà Cầm đã bàn chuyện phá bỏ bức tường rào, đập bỏ hai phòng cấp bốn rồi xây một cái nhà cho tử tế. Hai phòng giờ đã ăn chung nhau, bà chủ coi khách trọ là con cái trong nhà, giục hai đứa nhanh đưa nhau đi mua nhẫn cưới, thuê váy áo còn chụp ảnh cho kịp không lại hết mùa xuân.

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển nghề và làm “bà chủ”

Muốn tạo việc làm cho bản thân và cho lao động trong xã sau khi sự cố môi trường biển xảy ra, chị Nguyễn Thị Gái (56 tuổi) ở thôn Phương Diên, xã Phú Diên (huyện Phú Vang) đã mạnh dạn đầu tư mở xưởng may. Hiện xưởng may của chị đang tạo việc làm ổn định cho gần 20 lao động với mức lương bình quân từ 3- 4,5 triệu đồng/tháng

Chuyển nghề và làm “bà chủ”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top