ClockThứ Ba, 24/09/2019 05:45
TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI TRẺ KHI THAM GIA MẠNG XÃ HỘI

Khai thác cái tốt, đẩy lùi cái xấu

TTH - “Khai thác tốt hơn nữa mạng xã hội để đẩy lùi cái xấu, xây dựng lớp thanh niên sống đẹp là một trong những mục đích hướng đến của Tỉnh đoàn”- chị Hoàng Thị Phương Hiền, Phó Bí thư Tỉnh đoàn khẳng định.

Mạng xã hội biến đổi giáo dụcBáo chí và mạng xã hội: Cần sự nhìn nhận tích cực…

Chị Hoàng Thị Phương Hiền, Phó Bí thư Tỉnh đoàn

Mạng xã hội đang được giới trẻ sử dụng rất phổ biến, nhìn nhận của chị về những mặt được và chưa được?

Với đặc điểm nổi trội là tính kết nối nhanh, chia sẻ rộng, chỉ cần một chiếc điện thoại hay một máy tính kết nối internet, chúng ta có thể truy cập và tham gia vào rất nhiều trang mạng như: Facebook, Zalo, Youtube, Twitter… Các trang mạng xã hội nếu biết khai thác, sử dụng hợp lý thì mang lại hiệu quả rất lớn cả trong học tập, công tác, sinh hoạt và đời sống xã hội cho thanh niên.

Tuy vậy, mạng xã hội cũng tiềm ẩn những rủi ro. Đôi khi những “mảng tối” của cuộc sống lại kích thích sự tò mò, hấp dẫn con người, nhất là giới trẻ.

Với chị, vấn đề đáng lo nhất hiện nay từ mạng xã hội là gì?

Với tính năng dễ tiếp cận và nhanh chóng, các trang mạng xã hội rất dễ làm cho người tham gia bị sa đà vào “biển thông tin”, đắm chìm vào thế giới ảo, sao nhãng chuyện học hành. Khi cái xấu được cộng đồng cổ xúy thì dễ ngấm dần vào hành vi và nhận thức của giới trẻ.

Đoàn Thanh niên các cấp trong tỉnh đã thành lập website, facebook fanpage… Chị cho biết hệ thống các trang này hoạt động như thế nào?

Hiện Tỉnh đoàn có 1 trang website, 1 trang fanpage với tên gọi “Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế” và một số ban, bộ phận đã có một trang fanpage riêng theo chức năng nhiệm vụ. Ngoài ra, các đơn vị đoàn cơ sở cũng đã xây dựng fanpage, facebook để giới thiệu về những thông tin hoạt động của Đoàn, của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và Đội Thiếu niên tiền phong.

Hiện chưa có thống kê cụ thể, song qua thực tế, trên 90% tổ chức đoàn cơ sở có ít nhất một trang trên mạng xã hội để tương tác với đoàn viên thanh niên. Trong đó, nhiều đơn vị đoàn đã biết xây dựng những sản phẩm truyền thông như bộ ảnh, video clip đăng tải trên các trang mạng xã hội của mình.

Đây là kênh thông tin hữu hiệu để có thể lan tỏa được rất nhiều thông tin về đoàn đến với giới trẻ và qua một hình thức rất gần gũi… Các bạn cảm nhận và đến với tổ chức Đoàn một cách tự nhiên.

Chị vừa nhắc đến tính lan tỏa, vậy đã lan tỏa được như thế nào?

Khi một đơn vị, tổ chức đoàn đăng hoạt động làm túi giấy thay thế túi nhựa để hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh, thì các đơn vị đoàn khác cũng học hỏi áp dụng, thậm chí sáng tạo thêm những cách làm hay khác.

Hay việc tận dụng các lốp xe cũ để làm các bồn hoa chẳng hạn. Từ một vài đơn vị đoàn ở Huế, nay đã lan rộng ra ở rất nhiều các đơn vị đoàn khác. Có nơi lại sáng tạo thành các thiết bị vui chơi cho các em nhỏ rất ý nghĩa.

Nhiều bạn trẻ chưa từng tham gia các phong trào tình nguyện, nhưng qua mạng xã hội thấy được ý nghĩa từ các phong trào hoạt động nên tự nguyện tham gia.

Tỷ lệ tương tác qua trang fanpage của Tỉnh đoàn hình như còn thấp?Phải chăng do các trang fanpage, facebook của Tỉnh đoàn chưa đủ hấp dẫn?

Mặc dù đã mang lại những hiệu quả nhất định như đã nói, song một số trang fanpage của Tỉnh đoàn như trang fanpage “Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế” vẫn chưa thu hút được nhiều đoàn viên thanh niên, lượt truy cập và chia sẻ còn ít.

Phải thẳng thắn thừa nhận, các nội dung chưa phong phú, hấp dẫn nên chưa tạo được tính liên kết và chia sẻ thông tin trong thanh niên. Trước một số thông tin, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên mạng xã hội, Đoàn chưa định hướng kịp thời... 

Vậy để phát huy hiệu quả hơn nữa việc tuyên truyền trên không gian mạng, những việc làm sắp tới của Tỉnh đoàn là gì?

Đây là vấn đề đang được chúng tôi quan tâm. Tỉnh đoàn sẽ phối hợp với Báo Thừa Thiên Huế tổ chức diễn đàn với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ trên không gian mạng” vào ngày 24/9 tới cho gần 400 cán bộ, đoàn viên thanh niên. Chúng tôi kỳ vọng, qua diễn đàn các đơn vị đoàn chưa biết tận dụng thế mạnh của mạng xã hội sẽ chủ động, sáng tạo để phát huy trong thời gian tới. Đồng thời, thay đổi nhận thức của đoàn viên thanh niên, để phát huy vai trò của họ khi tham gia mạng xã hội.

Chúng tôi sẽ tạo các nhóm sự kiện, thành lập facebook cho từng nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, thanh niên nông thôn, thanh niên công nhân…để chuyển tải các nội dung phù hợp. Thông tin sẽ được cô đọng ngắn gọn, dễ tiếp thu. Mặt khác, sẽ phát động các cuộc thi tìm hiểu kiến thức, các clip hoạt động chuyên đề hay trên trang facebook; đẩy mạnh hoạt động trên zalo thông qua việc kết nối thành lập từng nhóm hoạt động, theo từng khu vực để chia sẻ, nắm bắt thông tin đến tận cơ sở Đoàn.

Ngoài ra, những sân chơi bổ ích, mô hình kinh tế của thanh niên, gương cán bộ, đoàn viên thanh niên ĐVTN tiêu biểu tiếp tục được giới thiệu trên các trang mạng xã hội của tổ chức Đoàn, nhằm hướng bạn trẻ đến mục đích và lý tưởng sống tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn.

Những động thái của Tỉnh đoàn để giúp giới trẻ nhận thức tốt, không vi phạm Luật An ninh mạng?

Chúng tôi không chỉ tuyên truyền phổ biến ở thời điểm luật vừa ban hành và có hiệu lực, mà hiện nay vẫn lồng ghép tuyên truyền trong các lớp tập huấn để nhắc nhở, cảnh tỉnh khi môi trường mạng xã hội vẫn đầy rẫy cạm bẫy.

Chị có thể cho biết thêm những giải pháp để huy động giới trẻ có ý thức, trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội ?

Theo tôi, sự vào cuộc của nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục văn hóa ứng xử cũng như cần có định hướng cho thế hệ trẻ không mãi mê sống ảo trong mạng xã hội là rất quan trọng.

Trên trang fanpage của Tỉnh đoàn và các trang fanpage hay facebook của các đơn vị đoàn cơ sở thường xuyên đăng tải chuyên mục "Mỗi ngày một tin tốt", "Mỗi tuần một câu chuyện đẹp" để hướng giới trẻ tôn trọng các giá trị cao đẹp, sống có ích, có trách nhiệm với bản thân. Chúng tôi khuyến khích các bạn trẻ sản xuất những phim ngắn, những clip về những cảnh đẹp, địa danh du lịch, văn hóa ẩm thực Huế để lan tỏa giá trị văn hóa; đồng thời khỏa lấp những tư tưởng suy nghĩ lệch lạc của giới trẻ.

Chị có lời khuyên gì cho giới trẻ khi sử dụng internet và các trang mạng xã hội?

Các bạn cần biết "gạn đục khơi trong", nhận thức rõ tính hai mặt của mạng xã hội, nhất là mặt tiêu cực; tránh tình trạng vô tình tiếp tay cho các hoạt động chống phá, thậm chí có các hành vi tiêu cực, phản cảm, thiếu văn hóa trên mạng xã hội. Trước những vấn đề nổi cộm nào đó của xã hội, các bạn hãy tìm vào những trang mạng xã hội có độ tin cậy cao của các tổ chức Đoàn, các cơ quan báo chí chính thống để tìm hiểu và có tương tác đúng đắn. Không chia sẻ thông tin không chính thống để tránh hậu quả đáng tiếc, dễ vi phạm Luật An ninh mạng.

Hải Thuận (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trách nhiệm vì cộng đồng

Tuổi trẻ công an toàn tỉnh đã có những hành động, việc làm ý nghĩa hướng về cộng đồng.

Trách nhiệm vì cộng đồng
Lan tỏa tinh thần, trách nhiệm tuổi trẻ

Tuổi trẻ bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh trên hai tuyến biên giới phát huy vai trò xung kích, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, tích cực tham gia có hiệu quả thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), củng cố quốc phòng - an ninh ở khu vực biên giới, góp phần quan trọng xây dựng biên giới giàu đẹp.

Lan tỏa tinh thần, trách nhiệm tuổi trẻ
Mạng xã hội tác động đến xu hướng du lịch của giới trẻ

Theo các nghiên cứu xu hướng du lịch năm 2024 của các nền tảng và công ty du lịch, mạng xã hội (MXH) ngày càng trở thành nguồn cảm hứng quan trọng, tác động vào sự thay đổi xu hướng du lịch trong tương lai, đặc biệt là với thế hệ Z và thế hệ Millennials (sinh từ 1981 đến 1996).

Mạng xã hội tác động đến xu hướng du lịch của giới trẻ
Trách nhiệm của người trẻ với an toàn giao thông

Công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho thanh, thiếu niên được tuổi trẻ Thừa Thiên Huế triển khai với đa dạng hình thức, góp phần nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên và mỗi người dân về việc chấp hành pháp luật giao thông.

Trách nhiệm của người trẻ với an toàn giao thông
Return to top