ClockThứ Ba, 02/05/2017 12:23

Khám phá văn hóa Asuka

TTH - Asuka là một thời kỳ trong phân kỳ lịch sử Nhật Bản, trải dài từ năm 538 đến năm 710, đồng thời cũng là tên của vùng đất ở cách Cố đô Nara hiện nay khoảng 25 km về phía nam. Asuka từng được vương triều Yamato xây dựng thành trung tâm quyền lực của xứ Phù Tang trong các thế kỷ VI - VII, trước khi Nữ hoàng Genmei cho dời đô về Heijo-kyo (Nara ngày nay) vào năm 710.

Nguyên bản tượng Phật nổi tiếng ở chùa Asuka-dera do nghệ nhân bậc thầy Kuratsukuri-no-Tori đúc năm 609

Thời kỳ Asuka đánh dấu những thay đổi quan trọng về chính trị - xã hội, nghệ thuật và tôn giáo trong lịch sử Nhật Bản. Đây là thời kỳ Phật giáo du nhập vào Nhật Bản, các giai cấp trong xã hội chính thức phân định, bản hiến pháp đầu tiên xuất hiện và tên nước Nhật Bản ra đời thay thế cho tên cũ là Oa quốc.

Vào cuối thời kỳ Kofun (250 - 538), vương triều Yamato hình thành và đất nước theo thể chế “trung ương tập quyền”. Nhưng trong nội bộ triều đình thì có hai thế lực chống đối nhau là họ Soga và họ Momonobe. Sau cùng, họ Soga thắng thế với sự ủng hộ của những người nhập cư đến từ Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên. Họ Soga đã liên kết với Thái tử Shōtoku kiểm soát triều chính, tiếp thu Phật giáo vào Asuka và xây dựng nơi đây thành trung tâm Phật giáo đầu tiên của Nhật Bản. Vì thế, văn hóa Asuka chính là nền văn hóa Phật giáo nguyên thủy, đặt nền móng cho sự cực thịnh của Phật giáo Nhật Bản vào thời kỳ Nara (710 - 794) sau này. Nền văn hóa Phật giáo này còn lưu lại nhiều dấu vết, cả di tích lẫn di vật, cả vật thể lẫn tinh thần nơi vùng đất Asuka ngày nay.

Học sinh tiểu học Nhật Bản tham quan mộ cổ Ishibutai-kofun

Tôi biết đến văn hóa Asuka từ tháng 8/1997, khi trải qua một tháng tu nghiệp ở Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Quốc gia Nara. Những đồng nghiệp ở Nabunken đã đưa tôi đi tham quan và nghiên cứu ở nhiều chùa chiền, kiến trúc, di chỉ khảo cổ học và bảo tàng trong vùng Asuka-Fujiwara, nơi mật tập nhiều di sản văn hóa của cả hai thời kỳ Kofun và Asuka.

Tháng 3/2013, tôi trở lại Asuka cùng với nhóm nghiên cứu đến từ Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á (Hà Nội). Chúng tôi làm một tour du lịch khám phá văn hóa Asuka trong một ngày, bắt đầu từ ngôi chùa mang tên Asuka-dera và kết thúc ở làng Asuka-mura, nơi có ngôi mộ cổ nổi tiếng Ishibutai-kofun.

Chùa Asuka-dera do Soga-no-Umako, một nhân vật có thế lực thuộc họ Soga lập nên vào đầu thế kỷ VII. Chùa được coi là biểu tượng của nền văn hóa Asuka, đồng thời mở ra trào lưu các hào tộc đua nhau xây cất chùa riêng cho dòng họ mình ở Nhật Bản thời kỳ này. Nơi đây từng tồn tại một quần thể kiến trúc gồm ba tòa kim đường, một tòa bảo tháp và hàng chục kiến trúc bổ trợ. Quần thể kiến trúc này do những người thợ đến từ vương quốc Paekche (Bách Tế) trên bán đảo Triều Tiên xây cất. Trong chùa hiện tôn trí pho tượng Phật có tên là Asuka Daibutsu, do Kuratsuki-no-tori, nghệ nhân bậc thầy về điêu khắc Phật giáo, con trai của một người Paekche nhập cư, đúc vào năm 609. Pho tượng này được ghi nhận là tượng Phật nguyên bản cổ nhất của Nhật Bản và được vinh danh là bảo vật quốc gia. Cùng với pho tượng này là hàng chục hiện vật thuộc hàng “Phật bảo”, “Pháp bảo” có niên đại từ thời Asuka đến thời Nara đang được tôn trí và bảo quản trong chùa.

Asukadera, ngôi chùa tiêu biểu của thời kỳ Asuka

Trải bao thăng trầm, chùa Asuka-dera đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng những dấu tích ban đầu và dấu hiệu đặc trưng của chùa Asuka-dera nguyên thủy vẫn được giữ gìn. Chùa trở thành Phật tích đón khách hành hương đến viếng hàng ngày, đồng thời cũng là nơi tham quan, nghiên cứu của các thế hệ học sinh Nhật Bản mỗi khi các em muốn tìm hiểu về “cái nôi văn hóa” mang tên Asuka.

Rời Asuka-dera, chúng tôi đi thăm phế tích cung điện Asuka, nơi từng tồn tại một quần thể kiến trúc được xây dựng và đầu thế kỷ VI, là nơi ở của Thiên hoàng Kenzō và Thiên hoàng Senka, trước khi Nữ hoàng Suiko cho dời cung điện này về Toyura-no-miya trong vùng Fujiwara gần Cố đô Nara. Các nhà khảo cổ học Nhật Bản đã khai quật phế tích cung điện này, phát hiện nhiều dấu vết kiến trúc ảnh hưởng bởi kiến trúc Trung Hoa thời nhà Tùy (581 - 619), với những lớp móng bằng đá và những hàng cột gỗ đồ sộ và hàng trăm di vật bằng vàng, đồng, gốm sứ…, đưa về trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử Asuka.

Bảo tàng này là nơi tôi đã từng đến “học nghề” bảo tàng học vào tháng 8/1997. Đây là nơi trưng bày phần lớn những hiện vật khảo cổ và dấu tích kiến trúc thuộc văn hóa Asuka, được khai quật trong vùng Asuka-Fujiwara. Ngoài đồ gốm, gạch ngói kiến trúc, tượng Phật và hộ pháp bằng đồng… biểu tượng cho văn hóa Asuka, bảo tàng này còn nổi tiếng bởi sưu tập những hiện vật bằng đá có kích thước khổng lồ, trong đó đáng chú ý là pho tượng Ishigami (cao 1,7m) và pho tượng Shumisen-seki (cao 2,3m), đều có niên đại vào thế kỷ XVII.

Asuka không chỉ là một nền văn hóa Phật giáo mà còn là một nền “văn hóa cự thạch”, bắt nguồn từ thời kỳ Kofun trước đó. Nơi những phế tích lịch sử nằm rải rác trong vùng Asuka-Fujiwara còn tồn tại hàng trăm tượng đá lớn, chạm khắc hình người, thần linh, bồ tát…, vừa mang dấu ấn của tôn giáo bản địa, vừa ảnh hưởng bởi Phật giáo. Đây là những minh chứng cho thời kỳ dung hợp giữa tôn giáo bản địa với Phật giáo mới du nhập từ bên ngoài vào Nhật Bản. Còn với du khách thì sự xuất hiện của những pho tượng kỳ bí và khổng lồ trên hành trình băng đồng và xuyên rừng khám phá văn hóa Asuka đã cho họ những bất ngờ thú vị.

Chúng tôi dành chặng cuối hành trình để viếng thăm mộ cổ Ishibutai-kofun ở Asuka-mura. Ngôi mộ cổ nằm trên quả đồi thấp, với những tảng đá lớn xếp chồng lên nhau để làm trần ngôi mộ. Bao bọc quanh ngôi mộ cổ này là những triền đồi rợp bóng hoa đào (momo) và những tán anh đào (sakura) đang chúm chím nụ hồng.

Ishibutai-kofun là ngôi mộ cổ quan trọng nhất trong quần thể hơn chục mộ cổ được phát hiện, bảo quản và tôn tạo trong vùng Kawachi-Asuka. Trong số đó có những mộ cổ trứ danh như Maruyama-kofun, nơi chôn cất Thiên hoàng Tenmu và Nữ hoàng Jitō; hay mộ cổ Takamatsuzuka, nơi có những bức họa vẽ “tứ linh” ở trên bốn bức tường của hầm mộ, được công nhận là tài sản văn hóa quan trọng của Nhật Bản. 

Tảng đá lớn nhất dùng làm trần của hầm mộ nặng khoảng 75 tấn được đặt trên những phiến đá khổng lồ xếp chồng lên nhau tạo thành hầm mộ hình chữ nhật. Các nhà khảo cổ học Nhật Bản cho rằng đây là hầm mộ của Soga-no-Umako, nhân vật có thế lực nhất trong vương triều Yamato hồi thế kỷ VI-VII và là người đã cho phép Phật giáo du nhập vào Nhật Bản. Những hiện vật khảo cổ quan trọng khai quật được trong hầm mộ Ishibutai-kofun đã được đưa về trưng bày và bảo quản ở Bảo tàng Lịch sử Asuka, nhưng ngôi mộ cổ được công nhận là Di tích lịch sử đặc biệt này vẫn nườm nượp du khách tham quan hàng ngày, nhiều nhất là học sinh Nhật Bản.

Chúng tôi ra khỏi hầm mộ Ishibutai-kofun, người nhìn ngọn đồi án ngữ trước mặt, thấy rợp sắc hồng của hoa đào và sắc vàng của hoa cải đang kỳ mãn khai. Vài du khách đang thư thả đọc sách dưới bóng hoa, vài người khác đang vai kề vai ngắm nhìn bóng nắng đổ xuống trên những cánh rừng đào trên sườn núi. Hoàng hôn đang về nơi làng Asuka-mura tràn ngập sắc xuân, trong một không gian thấm đẫm mùi hương hoa anh đào.

Bài, ảnh: TRẦN ĐỨC ANH SƠN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Khám phá chương trình tour Măng Đen thú vị tại Latour Măng Đen

Măng Đen (Kon Tum) gần đây nổi tiếng là điểm đến mới đầy hứa hẹn cho những ai yêu thích du lịch sinh thái và khám phá. Nơi đây được mệnh danh là "Đà Lạt thứ hai" bởi khí hậu mát mẻ quanh năm, khung cảnh thiên nhiên hoang sơ. Latour Măng Đen sẽ mang đến trải nghiệm khó quên khi tham quan những địa điểm nổi tiếng, thưởng thức món ăn đặc sản núi rừng và tận hưởng không khí trong lành của vùng đất Tây Nguyên.

Khám phá chương trình tour Măng Đen thú vị tại Latour Măng Đen
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Khám phá show Ký Ức Hội An và trải nghiệm tour Bà Nà Hills cùng Traveloka

Hội An lung linh huyền ảo trong ký ức và Bà Nà Hills mộng mơ như chốn bồng lai tiên cảnh là hai điểm đến đang "gây sốt" cộng đồng du lịch. Traveloka, với sứ mệnh đồng hành cùng mọi hành trình, hân hạnh mang đến cho bạn cơ hội trải nghiệm hai địa danh này một cách trọn vẹn nhất.

Khám phá show Ký Ức Hội An và trải nghiệm tour Bà Nà Hills cùng Traveloka

TIN MỚI

Return to top