ClockThứ Năm, 03/12/2015 07:32

Khan hiếm bác sĩ tuyến cơ sở

TTH - Đến nay, hệ thống y tế ở Thừa Thiên Huế đã được đầu tư khang trang về cơ sở vật chất nhưng điều băn khoăn là khan thiếu đội ngũ bác sĩ, nhất là tuyến cơ sở.

Các bệnh viện tuyến huyện cần có bác sĩ giàu chuyên môn để sử dụng trang thiết bị hiện đại và triển khai các dịch vụ KCB mới

“Làm hụt hơi”

Sau khi được đầu tư nâng cấp năm 2010, đến nay Bệnh viện Phong Điền có quy mô 80 giường bệnh, đầy đủ các ban phòng chức năng khám chữa bệnh (KCB). Để đáp ứng nhu cầu khám, điều trị mỗi ngày với hàng trăm bệnh nhân ở khu vực phía bắc tỉnh, bệnh viện đang thiếu khoảng 5 bác sĩ. Bác sĩ CKII Nguyễn Đức Lợi, Giám đốc Bệnh viện Phong Điền cho rằng, gần 10 năm nay, đơn vị luôn trong tình trạng thiếu bác sĩ, đặc biệt bác sĩ làm việc ở khoa lây, nội và cấp cứu nhưng không tuyển được. Khắc phục khó khăn này, đơn vị sắp xếp công việc, tạo điều kiện cho các y sĩ, dược sĩ làm việc lâu năm theo học các lớp nâng chuẩn lên bác sĩ để phục vụ KCB cho người dân.

Mới đây, qua trao đổi với bác sĩ CK II Nguyễn Văn Vỹ, Giám đốc Bệnh viện thị xã Hương Thủy, một địa chỉ y tế có thương hiệu vừa nâng cấp xây mới với quy mô 100 giường bệnh, đưa vào hoạt động từ năm 2010 nhưng cũng rơi vào cảnh thiếu bác sĩ như ở Bệnh viện huyện Phong Điền. Bác sĩ Vỹ cho biết, từ nhiều năm nay đơn vị có nhu cầu tuyển 4-5 bác sĩ có chuyên môn nhưng “bói” không ra. Bác sĩ chính quy ra trường không mặn mà về huyện. Nhiều lần, bằng mối quan hệ, ban giám đốc Bệnh viện “lôi kéo” được một, hai “người” về công tác nhưng rồi họ cũng không trụ được lâu. Điều đó cũng thông cảm, vì bệnh viện chưa có chính sách ưu đãi ngoài lương để thu hút nguồn lực “chất xám” nên nơi nào làm việc tốt, lương bổng cao hơn, các em sẽ lựa chọn. Theo bác sĩ Vỹ, hiện tại theo định suất biên chế đơn vị đã cơ bản tuyển đủ, nhưng trong năm đến, nhiều cán bộ về hưu, bệnh viện lại thiếu bác sĩ đáp ứng nhu cầu khám điều trị cho người dân. “Nguyện vọng của chúng tôi là cần có những bác sĩ chính quy, nhiều kinh nghiệm để góp phần giảm tải trong khám, điều trị và triển khai các dịch vụ kỹ thuật cao. Hiện nay, chúng tôi vừa làm quản lý vừa khám, điều trị, nhiều lúc hụt hơi” - bác sĩ Vỹ nói.

Không chỉ các bệnh viện huyện, thị xã gặp khó mà những bệnh viện tuyến tỉnh, như: Đa khoa Chân Mây, Bình Điền, Tâm thần, Lao phổi... đều thiếu 4-5 bác sĩ mới đáp ứng nhu cầu tối thiếu để KCB. Theo bác sĩ CKII Võ Đại Tự Nhiên, Giám đốc Bệnh viện Lao - phổi tỉnh, bệnh viện có quy mô 100 giường bệnh, nhưng chỉ hoạt động 50 giường bệnh, với tổng số cán bộ y, bác sĩ hiện trong biên chế là 46 người, trong đó có 12 bác sĩ, thiếu 4 bác sĩ và vị trí tương đương. Bác sĩ Nhiên nói: “Chúng tôi cần có đủ nguồn bác sĩ tối thiểu để bệnh viện hoạt động hiệu quả, sử dụng hết công suất giường bệnh hiện nay và tránh việc khám, điều trị theo phương thức lồng ghép giữa các khoa phòng như thời gian qua”.

Cần chính sách thu hút, đãi ngộ

Qua tìm hiểu, việc thiếu hụt đội ngũ bác sĩ dẫn đến chất lượng KCB ở tuyến huyện không cao. Đây cũng là một nguyên nhân làm cho bệnh viện tuyến trên quá tải. Trao đổi về vấn đề này, một cán bộ công tác tại Sở Y tế lâu năm cho rằng, đây là thực trạng kéo dài trong thời gian qua ở Thừa Thiên Huế. Lý giải điều này, là do chính quyền địa phương chưa có chính sách đãi ngộ, thu hút. Trong khi đó, môi trường làm việc tại các bệnh viện tuyến huyện chưa hấp dẫn để bác sĩ gắn bó lâu dài, mức lương không đủ trang trải cuộc sống. Một thực tế, với bác sĩ khi tích lũy được kinh nghiệm, vững về chuyên môn chắc rằng họ sẽ lựa chọn môi trường làm việc năng động, thu nhập cao hơn.

Hiện nay, toàn tỉnh có 627 bác sĩ; trong đó tuyến tỉnh có 242 bác sĩ, tuyến huyện 221 bác sĩ; tuyến xã có 158 bác sĩ. Con số này chỉ mới đáp ứng nhu cầu tối thiểu của các cơ sở y tế trong KCB.

Theo bác sĩ CKII Nguyễn Đắc Ngọc, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế, trước thực trạng thiếu hụt nguồn bác sĩ làm việc trong hệ thống y tế địa phương, tỉnh đã thực hiện phương án hỗ trợ học phí đào tạo sinh viên đại học y, dược chính quy theo địa chỉ sử dụng. Đối tượng được đào tạo là những học sinh ở địa phương dự thi vào Trường đại học Y Dược Huế nhưng thiếu 0,5 hoặc 1 điểm. Các học sinh cam kết sau khi ra trường sẽ về công tác tại các cơ sở y tế trực thuộc. Bác sĩ Ngọc cho biết, với phương án trên, năm 2015, Sở Y tế đã bổ nhiệm được 11 bác sĩ đa khoa, 1 bác sĩ y học dự phòng, 2 đại học dược sĩ, 3 cử nhân kỹ thuật y học. Trong năm đến sẽ tiếp tục phân bổ thêm 20 bác sĩ để lấp nguồn khan hiếm bác sĩ hiện nay ở các cơ sở y tế.

Nhiều người cho rằng, phương án trên hết sức nhân văn, bước đầu đã thành công với sự cam kết ràng buộc chặt chẽ đôi bên. Tuy nhiên nhiều ý kiến nhận định, một khi nguồn chất xám đã có sự ràng buộc, áp đặt chắc rằng sự cống hiến của các bác sĩ với công việc không được lâu dài, bền vững. Phương án này cũng không còn mới mà nhiều tỉnh, thành khác đã triển khai và bài học để lại là nhiều trường hợp từ chối về nhận công tác, hoặc sẵn sàng đền bù kinh phí đào tạo khi nhận thấy môi trường làm việc không mấy thuận lợi. Nên chăng, tỉnh cần có chính sách thu hút, đãi ngộ nguồn chất xám để bác sĩ hào hứng, gắn bó lâu dài với cơ sở...

Bài, ảnh: Minh Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện

Ngày 24/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế tổ chức lễ ra viện cho bệnh nhân (BN) Phạm Q.T.. Đây là trường hợp ghép tim thứ 11 và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 10 tại đơn vị.

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện
Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

Sáng 20/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin đang tiếp nhận điều trị một nam bệnh nhân bị sốt rét tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Đây là trường hợp sốt rét ngoại lai thứ hai tại địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

TIN MỚI

Return to top