ClockThứ Tư, 21/06/2017 06:16

Khan hiếm tài nguyên, nhìn từ thị trường

TTH - Theo quy luật cung cầu, hàng hóa, dịch vụ gì nhiều (vượt cầu) thì giá rẻ, và ngược lại. Đây là một trong những “hòn đá tảng” của lý thuyết kinh tế.

Nếu chiếu theo lý thuyết này, sẽ thấy nhiều loại tài nguyên của chúng ta ngày càng khan hiếm, bởi giá cả nhiều mặt hàng trở nên đắt đỏ và có những thứ quá đắt.

Khai thác quá mức khiến tài nguyên thiên nhiên nhanh chóng cạn kiệt

Câu chuyện cát lên giá vùn vụt tại TP Hồ Chí Minh mà báo chí loan tin trong thời gian qua cho thấy điều đó. Có thể nói, cát là mặt hàng rất rẻ chừng khoảng 20 năm trước đây. Muốn xây dựng một ngôi nhà bình thường cho một gia đình nhỏ sinh sống, cát chỉ chiếm một tỷ lệ thấp trong giá thành. Nay thì không còn thời “vàng son” ấy nữa.

Nghiệm lại trong đời sống, nhiều thứ tài nguyên thiên nhiên mất nhanh đến độ chúng ta ít hình dung ra được, chỉ trải qua vài mươi năm khai thác đã trở nên khan hiếm. Ví dụ như đất sét phục vụ cho nhu cầu sản xuất vật liệu xây dựng. Chỉ mới tập trung khai thác chừng vài mươi năm qua khi kinh tế và nhu cầu xây dựng phát triển, vậy mà nay không dễ gì tìm ra mỏ đất sét cho việc nung gạch ngói. Còn những chuyện như gỗ trắc khi bán được tính bằng cân thì đúng là quá ư khan hiếm.

Việc khai thác quá mức khiến tài nguyên thiên nhiên nhanh chóng cạn kiệt. Tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt đã đẩy giá nhiều loại lên cao làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân nói chung. Nó ảnh hưởng đến “túi tiền” thì thấy được ngay, nhưng có những thứ khó lượng hóa được là sự  hủy hoại môi trường sống, thì hiểm họa còn khó lường hơn. Rừng tự nhiên mất nhiều thì cường độ lũ lụt, hạn hán diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Nguồn titan ven biển khai thác hết thì  gây ra hiện tượng “cát bay, cát nhảy” ngày càng nghiêm trọng… Cát ở các lòng sông, cửa biển khai thác quá mức đã gây ra hiện tượng sạt lở ngày càng nghiêm trọng mà chúng ta đang thấy xảy ra ở nhiều nơi.

Trong những hoàn cảnh như vậy, việc quản lý tài nguyên thiên nhiên một cách chặt chẽ được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Bởi tác hại là khó đo đếm. Có nhiều khi phát triển kinh tế không bù đắp được chi phí bỏ ra để khắc phục môi trường sống.

Trong một cuốn sách viết về kinh tế, tác giả Ngọc Trung cho biết, cách đây chừng hơn 10 năm, chính phủ Trung Quốc đã từng đề cập đến một khái niệm là “GDP xanh”, nghĩa là đã tính cả chi phí khắc phục những ảnh hưởng đến môi trường trong phát triển kinh tế. Ông viết: “Ngay sau khi họ tính toán và trừ đi chi phí khắc phục việc các dòng sông bị ô nhiễm, bầu trời đầy khói bụi, hệ sinh thái bị phá vỡ… thì con số tăng trưởng giảm đáng kể, ở vài tỉnh đã giảm gần bằng không, ý kiến đề xuất đó nhanh chóng bị gạt bỏ”.

Nói thì nói vậy chứ “hy sinh” tăng trưởng để đổi lấy môi trường sống tốt hơn chưa bao giờ là một câu chuyện dễ dàng. Lại càng khó đồng thuận trong mỗi người dân và ở mỗi quốc gia. Có vô vàn dẫn chứng cho điều này.

May thay, còn có những điều để lấy làm mừng trong việc ứng xử với tài nguyên thiên nhiên càng ngày càng cạn kiệt, và với môi trường sống của chính mình. Ở mặt tích cực, thường trong cái khó, thì cũng chính là lúc cả nhà quản lý, các nhà khoa học và cả người dân tìm cách thích ứng. Đó chính là bối cảnh để các chủ trương, chính sách tích cực để các phát minh, sáng kiến ra đời. Và những điều đó đã tác động tích cực thay đổi nhận thức và cách nhìn nhận của con người. Ví như quy định của nhà nước là các công trình xây dựng buộc phải thay thế một phần gạch không nung để đến một thời điểm nào đó thì chấm dứt việc sử dụng gạch nung. Phức tạp hơn, tốn kém hơn là những phát minh và ứng dụng các loại năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường để thay thế năng lượng hóa thạch… Trong thời điểm khan hiếm và giá cả đắt đỏ của cát xây dựng ở TP. Hồ Chí Minh hiện nay, thấy xuất hiện nhiều ý kiến của nhiều nhà đầu tư và cả nhà quản lý là đang thay đổi một số loại vật liệu để giảm sử dụng cát. Đó là sự thay đổi hành vi và tìm cách thích ứng rất tích cực.

Tính hai mặt của vấn đề là vậy. Tuy nhiên, đối với môi trường sống, nếu nhận biết sớm những tác động bất lợi để ứng xử tốt, gìn giữ và tạo ra môi trường sống ngày càng tốt hơn một cách chủ động thì vẫn hơn rất nhiều khi phải “miễn cưỡng thay đổi”.

Bài: LÊ PHƯƠNG - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thị trường trái phiếu bền vững tăng trưởng mạnh mẽ ở các nền kinh tế ASEAN+3

Thị trường trái phiếu bền vững của các nền kinh tế thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã mở rộng 29,3% trong năm ngoái, vượt xa mức tăng trưởng 21% của thị trường trái phiếu bền vững toàn cầu và khu vực đồng euro, báo cáo mới vừa công bố ngày 21/3 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết.

Thị trường trái phiếu bền vững tăng trưởng mạnh mẽ ở các nền kinh tế ASEAN+3
Trung Quốc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho đầu tư nước ngoài

Theo kế hoạch hành động vừa được Nội các Trung Quốc công bố, Trung Quốc sẽ tiếp tục rút ngắn danh sách cấm đối với đầu tư nước ngoài và thực hiện các chương trình thí điểm nhằm tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn cho các công ty toàn cầu trong lĩnh vực đổi mới khoa học và công nghệ.

Trung Quốc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho đầu tư nước ngoài
Khai thác thị trường xuất khẩu rau, quả khu vực châu Á

Thị trường châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á và Trung Đông còn rất nhiều dư địa cho xuất khẩu rau, quả Việt Nam. Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt cần chủ động tìm hiểu nhu cầu, tiêu chuẩn của các thị trường và đảm bảo nguồn cung chất lượng.

Khai thác thị trường xuất khẩu rau, quả khu vực châu Á
Return to top