ClockThứ Sáu, 05/04/2019 09:14

Khánh kiệt gia đình có 3 người con mắc bệnh máu không đông

TTH - Chị Lê Thị Ngọc Tuyết ở tổ dân phố 10, phường Thủy Dương, TX Hương Thủy, sinh được ba người con đều mắc bệnh máu không đông (bệnh Hemophilia).

Em Dương mong được điều trị bệnh để đến trườngCha con anh Bling Thiều vẫn rất khó khăn

Chị Tuyết ngồi bên cháu Nam Quyền và Chí Thiện

Nỗi đau chồng nỗi đau

20 năm trước, chị Tuyết, ở phường Phú Cát, TP. Huế nên duyên với anh Ngô Viết Toản, phường Thủy Dương, TX Hương Thủy. Cả hai đều xuất thân trong gia đình nghèo. Với bản tính chịu thương chịu khó, sau 1 thời gian chí thú với việc đồng áng, chị Tuyết dựng được căn nhà nhỏ bên góc vườn quê nội. Năm 2002, chị sinh một bé trai kháu khỉnh đặt tên là Ngô Lê Nam Anh. Từ khi có tiếng con trẻ, căn nhà đơn sơ của vợ chồng chị lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Năm 2004, anh chị đón thêm một thành viên mới đặt tên là Ngô Lê Nam Quyền khiến cả nội ngoại vô cùng mãn nguyện. Không ngờ, lúc cháu Nam Anh tròn hai tuổi, trong lần đi nhà trẻ ở xóm bên không may bị xốc chiếc muỗng vào miệng làm máu ở chân răng ri rỉ chảy miết. Nghi có hiện tượng lạ, chị ôm con đi viện thì bác sĩ bảo cháu mắc bệnh máu không đông (bệnh Hemophilia A). Để duy trì sự sống cho con, tháng nào vợ chồng chị Tuyết cũng phải bồng cháu vào Bệnh viện Trung ương Huế điều trị thuốc và truyền máu.

Nỗi buồn giữa cuộc sống đang chất chồng lo âu thì cháu thứ hai là Nam Quyền lúc tròn 1 tuổi lại phát hiện bệnh như người anh sau một lần té ngã trước hiên nhà, máu tươm ra nhiều. Kể từ đó, Nam Anh và Nam Quyền thay phiên nhau vào viện điều trị. Có nhiều tháng, thời gian nằm viện của hai cháu dài hơn ở nhà.

Năm 2014, chị Tuyết sinh thêm cháu thứ 3 và đặt tên Ngô Lê Chí Thiện. Khi Thiện còn trong bào thai, vợ chồng chị hy vọng tạo hóa sẽ bù đắp những thiệt thòi mà anh chị phải chịu. Thiện ra đời cũng kháu khỉnh, khôi ngô, nhưng chưa đầy 5 tháng tuổi, cháu biếng ăn, da mặt xanh xao. Dù chuẩn bị tinh thần, vậy nhưng khi cầm giấy báo kết quả xét nghiệm máu của cháu Thiện tại BV Trung ương Huế, chị đã ngất lịm trước phòng trực bác sĩ.

Chị Tuyết chia sẻ, sau khi biết cháu Thiện mắc bệnh như hai người anh, bao đêm chị khóc cạn nước mắt và nghĩ đến cái chết. Nhưng rồi lại nghĩ, chị không thể bỏ các con. Dù cùng cực đến đâu, vợ chồng chị phải chịu đựng và cố gắng duy trì sự sống cho những “núm ruột” của mình.

Sống chung với bệnh tật

Từ ngày cháu thứ hai phát bệnh, vợ chồng chị Tuyết đã rơi vào cảnh khốn khó bởi cháu bé phải truyền máu liên tục. Khi cháu thứ 3 sinh ra rồi phát bệnh thì gia đình chị lại khốn khổ hơn. Không khổ sao được khi bản thân anh Toản làm "thợ đụng", tiền bạc ngày có, ngày không. Còn chị mấy năm nay xin làm công nhân ở KCN Phú Bài, lương tiền cũng thấp, phải tằn tiện để lo viện phí cho các con. Bình quân, mỗi đợt điều trị cho một cháu phải chi trả không dưới 10 triệu đồng. Có nhiều đợt bệnh của Nam Anh, Nam Quyền bị xuất huyết đường ruột, gây biến chứng khiến việc điều trị hao tổn nhiều tiền bạc.

Có những tháng cả ba cháu đều vào BV Trung ương Huế điều trị, truyền máu chi phí hơn 100 triệu đồng, chị phải đồng chi trả với BHYT 20-30 triệu đồng. Mới đây, cháu Nam Quyền bị xuất huyết dạ dày vào điều trị chi hết gần 20 triệu đồng. Để có tiền chi trả viện phí, đến giờ mọi tài sản của chị dành dụm bao năm qua đều "đội nón" ra đi. Ngoài căn nhà nhỏ đã cầm cố, chị còn vay mượn người thân gần 100 triệu đồng không biết lúc nào trả được.

Kể chuyện với chúng tôi, chị Tuyết không kìm được nước mắt. Chị nói cháu Nam Thiện còn dại chưa biết gì, nhưng hai cháu lớn đã biết bệnh tình nên chúng buồn lắm. Chuyện học hành của hai cháu ngày càng giảm sút. Riêng cháu đầu Nam Anh trong học kỳ II này đã rơi vào trạng thái trầm cảm, xa lánh bạn bè, dù trước đây cháu là học sinh khá giỏi của Trường THCS Thủy Dương. Với cháu Nam Anh, bây giờ mỗi khi thời tiết thay đổi, cháu sưng tấy các khớp chân, loang lổ những vết bần tím nhưng cố chịu đau, không muốn đi viện vì thấy mẹ đã cạn tiền bạc.

Chị Nguyễn Thị Xuân, cán bộ chính sách xã hội, phường Thủy Dương cho biết, mới đây, phường chứng nhận đưa ba cháu con chị Tuyết vào diện tàn tật để được hỗ trợ các chế độ chính sách Nhà nước, giúp gia đình đỡ khó khăn hơn. Chị Xuân mong sẽ có nhiều tấm lòng của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân sẻ chia, giúp đỡ để chị Tuyết có điều kiện chữa trị cho các con.

Mọi sự giúp đỡ xin chuyển về địa chỉ: Chị Lê Thị Ngọc Tuyết: TDP 10, phường Thủy Dương, TX. Hương Thủy. SĐT: 0379934916 hoặc Quỹ Sen Xanh - Báo Thừa Thiên Huế, 61Trần Thúc Nhẫn, TP. Huế; SĐT: 0914078282; số tài khoản: 4011201000840 tại Ngân hàng NN&PTNT Thừa Thiên Huế, Chi nhánh Trường An (ghi hỗ trợ cho gia đình chị Lê Thị Ngọc Tuyết).

Bài, ảnh: KHÁNH QUAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng

TIN MỚI

Return to top