ClockThứ Tư, 16/06/2021 14:55

Khát vọng Chân Mây

TTH - Nằm giữa khúc ruột miền Trung, Chân Mây với nhiều tiềm năng bên cửa ngõ hướng ra biển đông, cạnh núi Hải Vân hùng vĩ. Với tầm nhìn chiến lược của quốc gia, Chân Mây đã như “con tàu” mang nhiều khát vọng gần hai thập niên qua.

Bến số 3 cảng Chân Mây sẽ đi vào hoạt động giữa tháng 6/2021Cảng Chân Mây: Siết chặt phòng dịch, ổn định sản xuấtĐưa Chân Mây - Lăng Cô trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư

Nhiều tập đoàn Quốc tế tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển kinh tế tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Tầm nhìn trăm năm

Cuối năm 1994, Chân Mây được nhóm chuyên gia nghiên cứu thuộc Phân viện Vật lý TP. Hồ Chí Minh do TS.Trương Đình Hiển, quê ở TP. Hội An đề xuất trên cơ sở kết quả tiến hành khảo sát trước đó. Các chuyên gia này nhận định, lợi thế rất lớn của Chân Mây ít nơi nào có được, không những có điều kiện lý tưởng về địa lý mà còn thuận lợi giao thông vì gần QL1A, đường sắt xuyên Việt; tiếp cận với đường hàng hải quốc tế và nội địa; cách các sân bay Quốc tế Phú Bài, Đà Nẵng trên dưới 40 km; cách Đường 9 khoảng 100km, thuận lợi thông thương hàng hóa qua Lào, Thái Lan...

Dịp này, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết tâm cộng tác với các nhà khoa học để hoàn thiện công trình nghiên cứu, lập dự án tiền khả thi xây dựng quy hoạch chung cảng biển và khu công nghiệp-thương mại quốc tế Chân Mây, báo cáo Trung ương.

Từ nghiên cứu, báo cáo của TS.Trương Đình Hiển, mùa xuân năm 1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã về Chân Mây thị sát khu vực cảng biển nước sâu. Mấy tháng sau, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 966/TTg phê duyệt định hướng quy hoạch đô thị Chân Mây; trong đó cảng Chân Mây là công trình mang tính đột phá gắn với hình thành khu kinh tế tổng hợp và phát triển đô thị thuận lợi cho hành lang kinh tế đông- tây.

Năm 2001, cảng Chân Mây khởi công xây dựng bến số 1, năm 2003 hoàn thành đã tiếp nhận tàu biển trong nước và quốc tế trọng tải đến 30.000 DWT, mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng phát triển kinh tế - xã hội ở Thừa Thiên Huế.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, nguyên Giám đốc cảng Chân Mây, người đã gắn bó với cảng Chân Mây trong những năm đầu tiên chia sẻ, Chân Mây được chọn lựa ghi tên vào hệ thống cảng biển không có gì bất ngờ. Bởi vị trí tiềm năng của Chân Mây được các chuyên gia chỉ ra không chỉ mở hành trình cho Thừa Thiên Huế thông ra đại dương, làm giàu từ đại dương hôm nay mà cả hàng trăm năm sau.

Các doanh nghiệp, nhà máy ở khu kinh tế CM-LC vẫn duy trì hoạt động trong thời điểm COVID-19 diễn biến phức tạp

Đại nghiệp ở Chân Mây

Khi Chân Mây được lựa chọn để xây dựng cảng biển, nhiều đoàn chuyên gia nước ngoài được mời đến làm việc đã nhận định: “Chân Mây chính là nơi để miền Trung cất cánh trong thế kỷ XXI”. Nhận định của các chuyên gia quả không sai. Và để có Chân Mây như hôm nay là một quyết tâm rất lớn của các bộ, ngành Trung ương, địa phương.

Trong dịp lễ kỷ niệm 10 năm cảng Chân Mây ra đời, nhiều ý kiến cho rằng, để có Chân Mây hôm nay là quá trình "nâng lên đặt xuống" hàng trăm tập hồ sơ ở Trung ương; thậm chí khi Chân Mây được đưa lên bàn nghị sự quốc gia vẫn có người "nói ra". Với tầm nhìn chiến lược của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cùng trình độ, kiến thức uyên thâm của nhà khoa học tài ba, TS.Trương Đình Hiển đã khai phá ra Chân Mây, biến vùng đất hoang vắng trở thành một đại công trường, trở thành một trong những điểm hẹn giao thương hàng hóa qua đường biển lớn nhất ở khu vực miền Trung.

Hiện nay cảng Chân Mây đã trở thành Công ty CP Cảng Chân Mây, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, nằm trong khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (CM - LC) theo quyết định phê duyệt của Chính phủ từ năm 2006. Cảng Chân Mây từ ngày ra đời đến nay luôn có tốc độ tăng trưởng khá. Việc tiếp nhận tàu và khai thác bốc xếp hàng hóa năm sau cao hơn năm trước đã góp phần giúp bức tranh kinh tế ở Thừa Thiên Huế đổi thay đáng kể.

Trở lại thăm Khu kinh tế CM-LC gần đây mới thấy vùng cát phía đông ngày nào đã chuyển mình với hệ thống đường sá ngang dọc, hàng trăm nhà máy, xí nghiệp lớn nhỏ hiện hữu. Hàng nghìn lao động từ các vùng miền, kể cả các chuyên gia nước ngoài đã, đang nghiên cứu để xây dựng CM-LC vươn lên tầm cao mới.

Những ngày qua, dù ảnh hưởng đại dịch COVID-19 nhưng ở khu kinh tế CM-LC vẫn nhộn nhịp người xe ra vào. Tại cảng Chân Mây, hàng chục cẩu trục, thiết bị cơ giới và những con tàu hàng chục nghìn tấn ngày đêm ra vào bốc dỡ hàng hóa. Từ đầu năm 2021 đến nay, tổng lượng hàng qua cảng đạt 1,4 triệu tấn, doanh thu đạt 78 tỷ đồng, đạt kế hoạch và tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV cảng Chân Mây chia sẻ, nhằm nâng cao năng lực cho hệ thống cảng đang quá tải, dự án mở rộng, nâng cấp giai đoạn I và giai đoạn II bến số 2 với kinh phí hơn 460 tỷ đồng do đơn vị làm chủ đầu tư đang gấp rút hoàn thiện để đưa vào hoạt động trong tháng 7 tới. Bên cạnh đó là bến cảng số 3 do Công ty TNHH Hào Hưng Huế đầu tư quy mô diện tích hơn 13ha với kinh phí 846 tỷ đồng cũng chuẩn bị vào hoạt động. Với hạ tầng kỹ thuật hiện có của các bến, cảng Chân Mây sẽ đáp ứng  việc tiếp nhận cỡ tàu trọng tải đến 70.000 DWT... tiếp tục mở ra nhiều cơ hội mới trong tương lai.

Cảng Chân Mây giờ đây đã quen thuộc trên bản đồ hàng hải quốc tế. Do vậy nó không chỉ là “chiếc đòn gánh” trong chuỗi liên kết vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, mà còn là "thanh nam châm" có sức hút lớn của khu kinh tế CM-LC, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là thời cơ cần chớp lấy để biến Chân Mây trở thành đại nghiệp”                                  - ông Huỳnh Văn Toàn, Giám đốc Tổng Công ty CP Cảng Chân Mây nhận định.

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khát vọng Thái Hòa

Trong thế giới quan Á Đông, mối quan hệ giữa Trời - Người - Đất được kết nối qua thế giới động, thực vật, với vô vàn quan niệm nhân sinh thiêng liêng để trừ tà, cầu an cho con người và vạn vật. Trong đó, Tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng) khởi đầu từ Rồng là một biểu trưng của tạo hóa trong khát vọng cầu mùa mãnh liệt của cư dân nông nghiệp gắn liền với nắng, mưa... trong tín ngưỡng phồn thực, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, xua tan ôn dịch.

Khát vọng Thái Hòa
Chìm tàu hàng trên biển, 2 thuyền viên mất tích

Sáng 17/12, ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, đang tích cực phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh cùng các cơ quan chức năng tổ chức tiếp nhận bàn giao 7 thuyền viên và tìm kiếm 2 thuyền viên đang còn mất tích trên tàu Gia Bảo 19.

Chìm tàu hàng trên biển, 2 thuyền viên mất tích
Return to top