ClockThứ Sáu, 09/12/2022 07:02

Khế mùa mưa

Mấy hôm nay trời mưa nhu trút. Ruộng lúa sũng nước, cánh đồng sũng nước. Trong màn mưa giăng, những gốc sa-pô-chê, mãng cầu, chuối trong vườn nhà tôi bị quăng quật tơi tả bởi gió, mưa. Chỉ có cội khế chua bên bể nước là vững chãi, trổ những chùm hoa tim tím dưới cái lạnh và màn mưa dày đặc.

Cội khế bên bể nước xấp xỉ tuổi của tôi. Khi tôi còn nhỏ, cả gia đình ở trong ngôi nhà cũ giữa làng, cây khế vốn được nâng niu trong chiếc chậu xi măng 3 chân do ba tôi tự đúc. Sau này, do nhiều biến cố, cả gia đình được chuyển sang nơi ở mới, cây khế cùng những chậu cây bonsai theo chân ba tôi rời chốn cũ để ra cồn cát trắng ở rìa làng.

Cồn cát trắng bong này vốn là đất nhà tôi thuê để trồng dưa hấu. Mùa hè nắng bỏng chân, mùa mưa gió thổi ù ù. Ngay khi căn nhà vừa được xây xong, chẳng hiểu vì sao, ba tôi đã bứng ngay cây khế này để trồng nơi bể nước.

Khác với chậu khế bonsai chẳng bao giờ chịu lớn, khi được ra khỏi chiếc chậu ngột ngạt, cây khế bung hết sức, hút dưỡng chất từ mạch nước mát lành nơi cồn cát, vùn vụt lớn lên. Chỉ vài ba năm sau khi ra nhà mới, bóng khế đã xanh um, từng tán, từng cành nhánh rậm rạp lá và hoa, quanh năm đều đặn kết quả.

Dưới bóng khế, tuổi thơ của tôi đã trải qua nhiều ký ức. Từ những trò chơi trẻ con như đuổi bắt, năm mười đến cả ồn ã thanh âm líu lo, rộn ràng vào mùa hè của lũ chim chuyền cành. Đó là những tiếng lích chích vui tươi của đôi vợ chồng chim sâu, chim sẻ hay là tiếng đói ăn, háu mồi khó ưa của lũ chim gọi vịt non. Và cả những ngày đông vất vả nữa, khi gia đình tôi tập trung bên bể nước để vừa lọc bột sắn dây, vừa rét run cầm cập vì mưa và giá lạnh.

Chẳng nề hà cái nắng chói chang hay mùa đông mưa dầm dề, năm nào cây khế nhà tôi cũng sai trái. Thú vị nhất là dù đã lủng lẳng bao nhiêu chùm quả, hầu như lúc nào khế cũng trổ hoa. Có chùm hoa tim tím rung rinh ngay đầu nhánh, đầu cành, lại có chùm hoa cứng đầu cứng cổ, cứ nhè gần gốc khế, nơi chẳng có chút cành lá nào mà rộ nở.

Mùa này, đám hoa khế ướt đẫm nước mưa. Mỗi khi cơn gió ẩm lạnh quét qua, những chiếc chuông màu tím bé xíu ấy lại thi nhau rụng lả tả. Nhưng may mắn thay, vì đám hoa này rụng đã có đám hoa khác thi gan với mưa, với gió. Để chỉ sau vài ba ngày, trong màu tím rập rờn của hoa khế đã lấp ló những chấm xanh của mớ khế non tơ.

Chẳng ai hỏi cũng biết mạ tôi quý cây khế lắm. Cứ mỗi lúc rộ mùa, khi tôi và đứa em út trong nhà trổ hết tài khéo léo để dùng cù nèo khoèo khế, mạ lại nhẹ nhàng nâng từng chùm khế trên tay, cho vào rổ, vào giỏ. Nhặt nhạnh trong vườn thêm mấy bó rau ngót, vài ba liễn trầu, chùm cau, từng rổ khế xanh bóng, to bằng cả nắm tay theo nhịp gánh của mạ tòn ten ra chợ.

Tiền bán khế chẳng bao nhiêu, nhưng chừng ấy cũng đủ để mạ tôi vun vén cho bữa cơm nhà thơm ngon, đủ chất. Những hôm mưa gió như thế này, khi lũ con nít chúng tôi ho, sổ mũi sụt sịt, bà thường nấu nồi xáo bò (nhưng thực chất lại dùng thịt lợn) thơm lừng mùi khế, sả và nghệ tươi. Cầm bát xáo nóng hôi hổi trên tay, húp ngụm nước béo thơm, lâu lâu nhai trúng miếng khế chua thanh, anh em chúng tôi hít hà, xuýt xoa vì nóng, và vì cả vị ngon khó cưỡng.

Mai Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đêm mùa hạ

Những ngày nắng chói chang của mùa hạ, ban ngày bầu trời ngan ngát xanh.

Đêm mùa hạ
Vàng ươm mùa thị

Những ngày này, cứ tang tảng sáng là cổng chợ quê tôi đã thơm lừng mùi thị chín.

Vàng ươm mùa thị
Không gian cho hoàng mai

Tết năm nay, Huế được mùa hoàng mai. Người chơi mai ngày càng nhiều nên sắc vàng của mai hầu như rải khắp mọi nơi...

Không gian cho hoàng mai
Hơi ấm mùa đông

Cây cối được tắm đẫm nước mưa, tâm hồn tôi cũng được tưới tẩm bởi bao nhiêu ký ức ngày thơ bé.

Hơi ấm mùa đông
Sáng tạo với phù điêu

Từ những hoa văn, họa tiết thường dùng với ý nghĩa tâm linh, những bức tranh phù điêu được biến tấu, thay đổi kiểu cách để làm đẹp thêm cho những mảng tường khô khan. Không chỉ tươi mới, lạ mắt, phù điêu đắp nổi đã mang lại thu nhập ổn định cho các bạn trẻ xứ Huế.

Sáng tạo với phù điêu

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top