ClockThứ Ba, 06/09/2022 07:00

Khi bỏ khung giá đất

TTH - Hiện nay, người dân quan tâm trong dự thảo Luật Đất đai mới có nội dung bỏ khung giá đất (KGĐ) sẽ được trình Quốc hội vào tháng 10 đến. Đây là vấn đề hầu hết các địa phương trên cả nước mong muốn vì góp phần tháo gỡ những bất cập trong bồi thường, thu hồi đất xây dựng các công trình, dự án (DA).

Mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệpThị trường bất động sản: Thực - ảo lẫn lộn - Bài 2: Đất nền vẫn ở giá trị thựcThị trường bất động sản: Thực - ảo lẫn lộn - Bài 1: Âm ỉ sốt đất

Nghẽn trong khâu giải phóng mặt bằng do giá bồi thường thấp, DA đường Phú Mỹ - Thuận An bị chậm tiến độ

Lợi ích kép

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, Chính phủ ban hành KGĐ định kỳ 5 năm/lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện KGĐ mà giá đất trên thị trường tăng hoặc giảm từ 20% trở lên so với KGĐ thì Chính phủ điều chỉnh KGĐ cho phù hợp. Trên cơ sở đó, các tỉnh, thành căn cứ KGĐ của Chính phủ để xây dựng bảng giá đất định kỳ 5 năm/lần và mỗi năm sẽ ban hành thêm hệ số giá đất. Bảng giá đất được sử dụng làm căn cứ tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân; tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tính thuế sử dụng đất; tính tiền phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai...

Thực tế, KGĐ do Chính phủ quy định có độ “cứng” cao và khó điều chỉnh linh hoạt theo biến động thị trường cũng như đặc thù từng địa phương nên thời gian qua cũng còn những khó khăn, vướng mắc.

Ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, Phú Lộc chia sẻ, ở địa phương nằm trong phạm vị Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô nhiều năm qua đã giao không ít quỹ đất cho các công trình, DA phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy vậy, có nhiều công trình, DA triển khai chậm vì  "nghẽn" trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). Có nhiều  DA hơn 10 năm nay chưa GPMB xong vì giá bồi thường thấp so với thực tế. Đơn cử như DA xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng - sân Golf do Công ty CP Đầu tư phát triển Phong Phú Lăng Cô đầu tư hơn 250ha.

Dự án đường Phong Điền - Điền Lộc xây dựng chậm tiến độ do một trong những nguyên nhân nghẽn trong công tác giải phóng mặt bằng

Theo Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, do đất đai ở mỗi vùng, mỗi khu vực có giá khác nhau, tùy vào thời điểm và chịu tác động của nhiều yếu tố. Do đó việc quản lý bằng KGĐ sẽ không phù hợp với điều kiện thực tế. "Khi bỏ KGĐ sẽ tạo thuận lợi cho các địa phương trong việc triển khai các DA phải thu hồi đất" - ông Minh nói.

Lãnh đạo Ban Quản lý DA Đầu tư xây dựng khu vực TP. Huế cho rằng, hiện trên địa bàn TP. Huế đang triển khai nhiều công trình, DA nhưng công tác GPMB, khâu bồi thường, thu hồi đất gặp nhiều khó khăn. Nếu bỏ KGĐ, thông qua sàn giao dịch xác định giá đất sẽ sát với giá thị trường. Người dân bị thu hồi đất khi thấy giá bồi thường gần với giá thị trường sẽ đồng thuận và giao đất nhanh, DA có mặt bằng thi công đúng tiến độ, đưa vào khai thác sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tiến độ DA sẽ đúng hẹn

Thời gian qua, Thừa Thiên Huế triển khai nhiều DA cấp quốc gia, vùng, tỉnh, huyện. Nhìn lại bức tranh này không ít công trình, DA chậm tiến độ do đền bù, GPMB chủ yếu do giá đền bù thấp, thấp hơn nhiều so với giá đất thị trường. Đơn cử, như DA đường Phú Mỹ - Thuận An, đường Phong Điền - Điền Lộc; DA nâng cấp mở rộng đường Hà Nội - TP. Huế... vì ban, ngành chức năng địa phương xây dựng khung giá dựa trên khung giá của Chính phủ đưa ra nên khá thấp, chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 so với giá thị trường.

 Nhiều hộ dân có đất bị thu hồi để thực hiện DA đều khẳng định, họ ủng hộ việc triển khai các DA và sẵn sàng giao đất khi giá bồi thường không quá thấp so với giá thị trường.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nhận định, bỏ KGĐ là thích hợp vì khi Nhà nước thu hồi đất sẽ căn cứ vào giá thị trường để bồi thường cho người dân và người dân sẽ bớt thắc mắc và khiếu nại. Các DA bồi thường nhanh, có mặt bằng để thi công sẽ sớm hoàn thành đưa vào khai thác. Đồng thời, các địa phương hạn chế được tình trạng khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến đất đai.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT, trong các khiếu nại của người dân trên địa bàn tỉnh liên quan đến đất đai thời gian qua thì có khoảng 60% liên quan đến giá bồi thường. "Điểm nghẽn" trên được tháo gỡ, tình trạng khiếu nại về đất đai sẽ giảm nhiều, người dân sẽ đồng thuận và giao đất cho chủ đầu tư DA nhanh hơn.

Theo các chuyên gia kinh tế, bỏ KGĐ sẽ trao quyền chủ động cho các địa phương, bảng giá đất sẽ phù hợp với thực tế mỗi nơi và biến động thị trường. Khi đó mức đền bù cho người dân bị thu hồi đất sát với giá thị trường. Vốn đầu tư các DA có thể tăng lên, nhưng người dân sẽ đồng thuận, giúp GPMB nhanh, từ đó thúc đẩy tiến độ các DA lớn, không bị đội vốn.

Tuy nhiên, thách thức đặt ra là khi bỏ khung giá của Chính phủ, các tỉnh, thành sẽ quyết định bảng giá đất, trong khi đây cũng là cơ quan quyết định đền bù khi thu hồi đất. Vì vậy, cần có cơ chế định giá đất độc lập và Chính phủ cần quy định chặt chẽ, phản ánh đúng giá trị thực của đất đai theo quy luật thị trường.

Ngày 21/7/2022, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian qua, việc xác định giá đất còn nhiều hạn chế, vướng mắc, xảy ra nhiều sai phạm. Do đó, Trung ương đã thảo luận, thống nhất bỏ KGĐ và xây dựng cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Trong Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022, quy định bỏ KGĐ nhưng HĐND tỉnh phải quyết định bảng giá đất, đây là điểm đột phá tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

        Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới
Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Góp phần xây dựng cổng trường an toàn

Hình ảnh nhiều phụ nữ, đoàn viên thanh niên, cựu chiến binh tổ chức kẻ vẽ nơi đậu xe cho phụ huynh trước các cổng trường được nhiều người tấm tắc khen. Dù chỉ là những việc làm nhỏ, nhưng góp phần làm cho cổng trường thực sự là nơi an toàn đối với học sinh.

Góp phần xây dựng cổng trường an toàn

TIN MỚI

  • Cách mua bán bds từ chuyên gia
Return to top