ClockChủ Nhật, 18/07/2021 11:53

Khi cán bộ học online

TTH - Tắt mic (micro) đi anh ơi, ồn ào quá không nghe được; tắt cam (camera) đi, vừa nhai nhồm nhoàm vừa học làm cả lớp đói bụng; ơ răng ai cũng không vào được ri hè; cô ơi đồng ý cho em vào với… là những tình huống bi hài mà tôi đã không ít lần bắt gặp ở lớp học online dành cho cán bộ thời COVID-19.

Giữ kỷ cương trên lớp học online

Cần có những quy chế, quy định để đưa việc học online vào nề nếp

Khai giảng… không chờ đợi

Có chút lo lắng về thời gian do phải bắt đầu từ 18h các ngày trong tuần, song tôi vẫn tự an ủi nếu hôm nào bận trực xuất bản chưa về nhà kịp thì mở điện thoại học ở cơ quan. Cùng lắm thì bật 4G vừa chạy xe, vừa học để không gián đoạn quá trình lên lớp, phải xin cô “vào lại” rất bất tiện. Thế nhưng, những lo lắng đó của tôi có phần thừa.

Ngày đầu khai giảng đúng thứ 7. Ban đầu, lịch là 7h30, tôi ăn sáng vội rồi mở laptop ra ngồi đợi. Vài phút sau, cô phụ trách thông báo lịch khai giảng bắt đầu từ 8h. Tôi và nhiều anh chị khác cũng kiên nhẫn chờ đợi. Khi cô gửi đường link để vào lớp học ở nhóm zalo của lớp, những thành viên lần lượt click chuột vào. Phía màn hình điện thoại/laptop hiện lên dòng chữ “bạn sẽ tham gia họp khi ai đó đồng ý”. Tôi nhấp chuột và chờ đợi.

5 phút, 10 phút rồi 20 phút trôi qua vẫn không vào được, trên màn hình laptop là một vòng tròn đang xoay vòng vòng, chờ xử lý. Trong khi đó, ở nhóm zalo, gần 70 thành viên lớp học lao nhao: Sao không vô được cô ơi. Có ai vô được không…? Đáp lại tất cả đều trả lời không. Nhiều người trong số đó có tôi chụp màn hình về sự cố gửi lên nhóm lớp để thấy rằng mình rất nghiêm túc tham gia khai giảng nhưng không được đồng ý.

Một lúc sau, có một thành viên khác vào được và hướng dẫn tải App Meet trên điện thoại rồi kết nối vào khai giảng. Tôi làm theo và vào được. Lúc này, cô Hiệu trưởng Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh - Nguyễn Thị Châu đang phát biểu khai giảng. Có vẻ như lễ khai giảng đã đi được một nửa. Lúc đó tầm 9h kém 25p. Cũng may cho tôi là vẫn kịp nghe những dặn dò của cô Giang - phụ trách lớp ở Phòng Đào tạo và thầy Hồ Văn Minh - chủ nhiệm lớp thông báo những kế hoạch chi tiết cho khóa học. Tầm hơn một tiếng sau, lễ khai giảng kết thúc. Vì có nhiều học viên chưa kết nối để khai giảng online nên thầy chủ nhiệm thông báo sáng mai lớp học tập trung một buổi ở trường để nộp các thủ tục cần thiết và nghe phổ biến các quy định…

Tôi tắt cam, chào thầy chủ nhiệm. Vừa định rời zalo thì thấy tin nhắn liên tục nhảy trên màn hình điện thoại. Anh Trần Văn T., một thành viên của lớp liên tục hỏi sao không vào được vậy. “Cô Giang ơi, đồng ý cho em vào”… Những icon mặt cười hiện lên. Ai đó còm: “Khai giảng xong rồi”. Như không thể thất vọng hơn anh này nhắn: “Trời ơi là trời. Tui loay hoay từ khi 8h kém tới chừ. Chưa vào được mà đã xong khai giảng”. Cả lớp lại được tràn cười icon trên zalo.

Con khóc, chó sủa, vợ chồng cãi nhau…

Những tình huống hài hước đó có lẽ chỉ có ở lớp học online. Bởi khi học ở nhà, nếu quên tắt mic, tắt cam thì những sinh hoạt hàng ngày của ai đó đều có thể là những thước phim hài hước cho những khán giả bất đắc dĩ là giáo viên và học viên.

Chỉ sau khai giảng một hôm, lớp học vào buổi tối, đến khoảng 19h thì thầy cho nghỉ giải lao. Tôi vội xuống uống ly nước, vừa mở cửa tủ lạnh lại nghe tiếng ai đó nói ở laptop, vội vàng chạy lên vì tưởng thầy đổi ý bắt học luôn. Hóa ra là tiếng của một học viên trong lớp xen lẫn tiếng phụ nữ. Nhìn vào cam thì thấy chị vợ xoay lưng vào tường, anh chồng đi tới đi lui. Hai người cãi nhau chuyện gì đó nhưng có vẻ rất căng thẳng. Có lẽ một vài thành viên khác cũng như tôi nhầm là thầy dạy tiếp nên vào xem, khi thấy “chuyện nhà người ta” bèn bật mic nhắn đương sự tắt cam, tắt mic. Chắc do bên kia đang hăng nên chẳng nghe cả lớp í a í ới, vẫn tiếp tục “đấu võ mồm”. Vậy là cả lớp được bữa cười nghiêng ngả. Chỉ đến khi thầy vào dạy lại, “cuộc chiến” mới tạm dừng. Không biết đương sự có “tẽn tò” hay không mà từ đó về sau không thấy sáng mic, sáng cam nữa.

Buổi khác, trong lúc thảo luận, cô giáo nhìn thấy một học viên bật cam nên gọi trả lời, nêu ý kiến khi tinh thần xung phong không ai hưởng ứng. “Anh L. ơi, mời anh phát biểu”. Một hai giây trôi qua, không thấy người được gọi trả lời, cô lặp lại. Một lần, hai lần, ba lần. “À, anh này để màn hình vậy, dù vẫn ngồi trên màn hình mà mặt hướng đi đâu, không nghe cô gọi, không tương tác. Buổi này, cô đánh vắng nhé”. Anh L. vẫn bình thản vừa ăn, vừa nói chuyện với ai đó mà quên mất là đang học online.

Buổi khác nữa thì lớp học nghe tiếng con khóc, chó sủa át cả tiếng thầy cô giảng bài khi có học viên nào đó quên tắt mic. Lần khác thì tiếng chuyện trò khách khứa, tiếng còi xe, tiếng chiên xào, nấu nướng… cũng xen lẫn tiếng thầy cô.

Một đồng nghiệp của tôi kể, lớp cao cấp chính trị của chị có tình huống bi hài lắm. Hôm đó có chị trong lớp học online, khi cô mời trả lời câu hỏi nên phải bật cam và mic, trả lời xong tắt mic mà quên tắt cam. Vậy là chị ấy vô tư thay áo… làm cả lớp được phen đỏ mặt. Thế nhưng, chuyện đó cũng chưa là gì so với vụ lộ clip sex ở lớp học online của một sinh viên đại học ở TP. Hồ Chí Minh. Rồi chuyện học viên nói xấu người nọ, người kia…

Lợi thì có lợi, nhưng...

Có vẻ như những lớp học online không chỉ dành cho cán bộ mà kể cả với học sinh, sinh viên cũng còn rất nhiều bất cập. Dễ thấy nhất vẫn là ở sự tương tác giữa người dạy với người học. Rõ ràng, so với học trực tiếp thì tỷ lệ tương tác cao hơn, dù không phải lúc nào người học cũng tập trung nghe giảng. Thứ nữa, ở lớp học online, nếu tắt cam thì ai muốn làm gì thì làm. Có người vừa học vừa ăn, có người vừa xem tivi, điện thoại và cũng có không ít người chỉ online cho thiết bị, còn bản thân thì “ve sầu thoát xác”. Bởi vậy mới có tình trạng, nick (tên ở mạng zalo) sáng đèn nhưng cô thầy gọi mãi chẳng có ai trả lời. Có người còn “cao chiêu” hơn, dán cả hình động trước màn hình để giáo viên tin rằng mình vẫn luôn ở đó. Tình trạng này có vẻ như khá phổ biến ở nhiều lớp học online. Vậy mới nói, mô hình học online, dù rất tiện ích nhưng vẫn còn nhiều bất cập.

Mà bất cập cũng phải, bởi mô hình này mới chỉ triển khai một hai năm trở lại đây khi xảy ra dịch COVID-19. Vì mới nên người ta chưa quen, chưa dễ tiếp cận. Cũng vì thế mà các quy định, quy chế cũng chưa bắt kịp được mô hình này.

Song, không phải vì thế mà học online không có những mặt tích cực. So với học trực tiếp, học online giúp người học thuận lợi hơn trong việc đi lại, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang phức tạp như hiện nay. Bên cạnh đó, người học, nhất là cán bộ, những người có gia đình vẫn có thể vừa học, vừa trông con và có khi còn tranh thủ giúp vợ/chồng làm chút việc gia đình miễn là vẫn nghe giảng bài, vẫn tiếp thu tốt…

Thế nhưng, có lẽ cũng đến lúc cần có những quy chế, những ràng buộc bằng văn bản để đưa việc học online vào nề nếp. Bởi xu thế này không chỉ là nhất thời, mà nó còn cho thấy một xu hướng mới trong kỷ nguyên số như hiện nay. Nếu không bắt kịp xu hướng của thời đại, thì không chỉ ngành giáo dục, mà cho dù là ngành nào cũng sẽ cho thấy sự lạc hậu. Và, đến lúc nào đó nếu mô hình/cách làm đó không còn phù hợp nữa thì nó sẽ tự đào thải. Đó là điều tất yếu.

Bài: HỒNG TÂM - Ảnh: HỒNG TÂM - MC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top