ClockThứ Tư, 08/08/2018 13:00

Khi cán bộ học tiếng Cơ tu

TTH - Đã có 2 lớp học tiếng Cơ tu được mở ra ở Nam Đông và có gần 100 học viên, một con số đáng mơ ước.

Người dân chưa tin tưởng vào bệnh viện huyện, trạm y tế xãKhó đóng bảo hiểm xã hội cho lao động thời vụ

Họ là những cán bộ, giáo viên người Kinh đang công tác tại đây. Trẻ nhất là 27 tuổi và người lớn tuổi nhất lên đến 55 tuổi.

Nhiều giáo viên tranh thủ đến lớp học chữ Cơ tu

Học để “ba cùng”

Ông Võ Văn Phú, cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đông, học viên khóa 2, chia sẻ: “Trước đây, tôi gặp khó khăn khi tiếp xúc với phụ huynh và học sinh khi không biết ngôn ngữ của họ. Bây giờ, biết được tiếng Cơ tu, tôi đã vận động được phụ huynh cho con em bỏ học giữa chừng, quay trở lại trường. Riêng những em có bố mẹ hay lên nương, lên rẫy, chúng tôi trò chuyện, bàn kế hoạch để giáo viên ở khu vực lân cận đến chở các em đi học”.

Như tìm được người bạn tâm giao, ông Phú hào hứng: Biết tiếng Cơ tu, am hiểu nền văn hóa của đồng bào, mình mới thuyết phục họ được và mỗi khi thấy có lý họ mới làm theo. Mình là người dưới xuôi lên nên muốn hiểu dân, gần dân thì trước hết phải “ba cùng” với đồng bào, nhưng khó nhất vẫn là rào cản về ngôn ngữ. Vậy là, cứ tối đến sau khi xong việc cơ quan, ông Phú lại đến lớp để học tiếng Cơ tu.

Tôi nhớ mãi hai tiếng “ba cùng” được nhấn mạnh của ông Phú. Nó gợi lại trong tôi hình ảnh người cán bộ cách mạng ở miền xuôi lên miền ngược thời chiến tranh. Không như ngày xưa, buổi tối ở Nam Đông bây giờ ngập tràn ánh điện. Lớp học dành cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, tuy nhiên, số lượng cán bộ quản lý, giáo viên các trường học lại chiếm phần đa số. Tôi đã tận mắt nhìn thấy nhiều học viên đem theo con đến lớp. Mẹ cặm cụi rèn chữ, các con kiên nhẫn ngồi chờ. Có người đem theo hộp cơm đến lớp học khi hoàn tất công việc cơ quan trong chiều muộn. Gạt qua những khó khăn thường nhật, nhiều người quyết tâm học ngôn ngữ mà họ đã chọn làm quê hương thứ hai của mình. Lớp học bắt đầu vào lúc 19 giờ nhưng thời gian kết thúc thì không kể, có hôm 22 giờ 30, tiếng học bài vẫn còn vang lên...

Cũng không dễ để họ có thể đọc thông, viết thạo tiếng Cơ tu với thời gian nửa năm khi phải vừa học, vừa làm. Một lịch trình quen thuộc, sau giờ hành chính, các học viên bắt đầu học chữ cái rồi ghép vần, học khó hơn là câu đơn, câu ghép… sau đó mới tập đọc. Lúc đầu ai cũng đọc lớ lớ do cách phát âm của mỗi địa phương khác nhau. Họ phải luyện từ thật nhiều mới có thể giao tiếp bình thường. Trò chuyện với nhiều người, tôi được biết trong khóa học, học viên được làm quen khoảng trên dưới 1.000 từ Cơ tu, gồm nhiều đề tài, nội dung khác nhau; tiếp cận ban đầu về cách cấu tạo ngữ pháp câu và hệ thống từ ngữ. Học viên cũng được nghe đối thoại qua hệ thống nghe nhìn để làm quen với kiến thức thi cấp chứng chỉ. Mặc dù, họ có thời gian dài làm quen với ngôn ngữ Cơ tu, biết một số câu từ, nói hoặc nghe hiểu được song để có tính hệ thống đòi hỏi từng người phải khổ công học tập.

Tiếng Cơ tu của đồng bào hay và đẹp

Là người dân tộc Cơ Tu, ông Hồ Hùng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hương Sơn (Nam Đông), giáo viên đứng lớp, rất tâm huyết với công việc mà mình đang làm. Gặp tôi ông bảo, học tiếng Cơ tu đòi hỏi sự đam mê và nỗ lực, nó như một môn ngoại ngữ thứ hai giúp cán bộ tận tâm hoàn thành tốt công việc hằng ngày. Tiếng Cơ tu của đồng bào hay và đẹp lắm, người học sẽ hiểu hơn về truyền thống văn hóa của đồng bào. Nhận xét về những học viên của mình, ông Hùng bảo, quỹ thời gian không nhiều, trình độ tiếp thu khác nhau nhưng họ học rất say sưa, ít khi nghỉ học nên những lớp học như thế này rất ít có đơn xin phép.

Nội dung giảng dạy cơ bản nhất là hướng dẫn các học viên nắm bắt được cách viết, đọc và phát âm ngôn ngữ tiếng Cơ tu. Học viên thích thú khi phong tục, tập quán của đồng bào được đưa vào chương trình. Cái hay của việc tổ chức dạy tiếng Cơ tu cho cán bộ, giáo viên ở Nam Đông là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nam Đông đã cho học viên đi tham quan thực tế để mọi người đối thoại trực tiếp, trau dồi thêm kỹ năng nghe - nói. Nhiều cô giáo trẻ đã không dứt câu chuyện ra được khi nghe các già làng kể về kho tàng văn hóa của dân tộc Cơ tu. Quá thích thú, không ít giáo viên tranh thủ tìm hiểu các điệu múa của đồng bào để xây dựng thành một chương trình cho hoạt động ngoài giờ lên lớp. Từ những chuyến đi thực tế, nhiều chị đã biết hát ru con bằng tiếng dân tộc Cơ tu, làm phong phú đời sống tinh thần con trẻ.

Học sinh say sưa học tiếng Cơ tu khi các em tiếp thu bài nhanh được ông Tô Chỉnh, giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Nam Đông lý giải bằng chính trải nghiệm của mình. Ông Chỉnh tâm sự, nhiều năm công tác ở miền núi, hằng ngày dạy học sinh dân tộc chưa biết tiếng Kinh nhiều, bản thân lại chưa am hiểu tiếng bản địa nên gặp nhiều khó khăn. Sau khi học xong chữ Cơ tu, tôi tự tin giao tiếp với phụ huynh và học sinh, vừa có thể giảng dạy bằng tiếng Cơ tu và tiếng Việt. Tôi lồng tiếng Cơ tu trong giao tiếp với đồng bào khiến họ thích thú. Chỉ cần 30% tiếng Cơ tu trong câu chuyện họ đã xem mình như người nhà. Chỉ cần nói tiếng Cơ tu, các ông chồng yên tâm cho vợ đến lớp học xóa mù vào ban đêm, điều mà trước đây chúng tôi chưa làm được.

Không dừng lại việc dạy học, cái lợi của cán bộ biết tiếng Cơ tu là có thể trò chuyện, giải thích với bà con trên nhiều lĩnh vực. Những người làm ở các hội đoàn thể thuận tiện hơn khi làm công tác dân vận, từ chuyện mở đường, chuyện đưa trẻ đến trường, đau ốm phải vào bệnh viện đến xóa bỏ các tập quán sinh hoạt, sản xuất lạc hậu...

Chị Nguyễn Thị Lý, cán bộ hội phụ nữ, học viên của lớp học khóa 1 kể rằng, chị từng “bỏ cuộc” khi đến vận động nhiều gia đình từ bỏ những tập tục cưới xin, ma chay lạc hậu. Chỉ cần thấy bóng dáng chị, họ nổi nóng, không tiếp. Còn bây giờ, chị được xem là người thân khi tự tin nói chuyện với đồng bào bằng ngôn ngữ của họ. Có nải chuối ngon, quả thơm chín họ cũng để dành cho chị. Nghe phong phanh có tình trạng tảo hôn trong thôn, nhiều người không ngần ngại báo cho chị biết. Giao tiếp với đồng bào mỗi ngày, chị Lý là học viên nói tiếng Cơ tu khá lưu loát khi được chính họ chỉnh sửa cách phát âm mỗi khi chị nói chưa đúng.

Còn những người như ông Phú, ông Chỉnh từ khi được học bồi dưỡng tiếng Cơ tu đã gần như cởi được “nút thắt” về rào cản ngôn ngữ, nỗi lo lắng của mỗi một cán bộ, giáo viên vùng đồng bằng khi lên vùng đồng bào dân tộc dạy học. Họ tự tin và yên tâm gắn bó dài lâu với vùng cao Nam Đông, nơi có đến 90% dân tộc Cơ tu sinh sống.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cán bộ cấp chiến lược là tầng lớp "tinh hoa" của đất nước

Tại Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ngày 13/3/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo với chủ đề: "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng".

Cán bộ cấp chiến lược là tầng lớp tinh hoa của đất nước
Tết của người lính xa nhà

Những ngày này, không khí đón tết ở các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nhộn nhịp và ấm áp hơn với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng được tổ chức. Những người lính thường ngày chỉ quen với thao trường, súng đạn nay bỗng trở thành các nghệ nhân, đầu bếp... Mỗi người một việc, nhưng đều có chung mong muốn được đón cái tết trong quân ngũ thật ý nghĩa.

Tết của người lính xa nhà
Lãnh đạo tỉnh gặp mặt lão thành cách mạng, nhân sĩ, trí thức

Sáng 29/1, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức buổi gặp mặt các lão thành cách mạng, tướng lĩnh, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, cán bộ lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ cùng gần 1.700 nhân sĩ, trí thức nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024.

Lãnh đạo tỉnh gặp mặt lão thành cách mạng, nhân sĩ, trí thức
Cùng nhau “tròn cả hai vai”

Không những giỏi chuyên môn, hoàn thành tốt công việc được giao, những cán bộ, hội viên phụ nữ Công an tỉnh còn là những tấm gương sáng trong các hoạt động vì cộng đồng.

Cùng nhau “tròn cả hai vai”
Return to top