ClockThứ Hai, 13/04/2020 14:05

Khi chiếc máy “ATM gạo”… hụt hẫng

TTH - Khi chiếc máy “ATM” gạo được lắp đặt hoàn thiện, chưa kịp hoạt động thì người nghèo chờ được nhận gạo lẫn người tạo ra chiếc máy và những tấm lòng thiện nguyện ủng hộ gạo đều rơi vào tâm trạng hụt hẫng.

Tạm hoãn “ATM gạo” vì người dân tụ tập quá đông, sẽ chuyển tận nhà3 “ATM gạo” sẽ hoạt động cùng lúc vào sáng 14/4

Người dân tụ tập đông đúc, không đúng giãn cách ở khu vực đặt máy “ATM gạo”

Chiếc máy “ATM gạo” được những người trẻ sáng chế và nhận được sự hỗ trợ bởi những tấn gạo từ nhiều tấm lòng ở Huế góp lại. Thông tin này được chia sẻ trên mạng xã hội vào ngày cuối tuần, nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều người.

Người dân nghèo, chủ yếu lao động tay chân, người nhặt ve chai, bán vé số, đạp xe thồ… tìm đến với mong muốn nhận được sự hỗ trợ. Niềm vui chưa được hưởng thì mọi thứ rơi vào tình cảnh hỗn loạn, chen chúc nhau để nhận dù những người làm thiện nguyện đã hướng dẫn, yêu cầu mọi người trật tự, đứng giãn cách… Máy “ATM gạo” được lắp đặt hoàn thiện ở một góc nhỏ bên trong khuôn viên Đại học Phú Xuân (28 Nguyễn Tri Phương, TP. Huế).

Trước tình cảnh đó, sau những trao đổi nhanh với chính quyền, công an phường sở tại, nhóm thiện nguyện đi đến quyết định, phát giấy để người dân ghi lại thông tin, tên tuổi, địa chỉ và sẽ phát gạo đến tận nhà.

Trong số những người tìm đến nhận gạo, có rất nhiều người lặng lẽ, xếp hàng một cách trật tự với tâm niệm “nghèo cho sạch, rách cho thơm” và tin rằng rồi ai cũng có phần. Nhưng phần đông thì ngược lại, ồn ào, lộn xộn, chen chúc, không chịu xếp hàng, lắng nghe theo chỉ dẫn của những người làm từ thiện vì lo sợ… mất phần.

Trước đó không lâu, khi có lệnh giãn cách xã hội, một hộ kinh doanh quyết định hỗ trợ 500 phần quà gồm gạo, mì tôm cho những hoàn cảnh nghèo khó, ưu tiên người già neo đơn, đạp xe thồ, bán vé số... Để đảm bảo an toàn trong thời gian cách ly xã hội, người này đã đăng thông tin lên facebook, cung cấp số điện thoại và đề nghị “ai đâu ở yên đó”, chỉ cần gọi sẽ có người chở đến tận nhà.

Vậy mà, không lâu sau khi những dòng thông báo ấy được đăng, rất đông người dân tìm đến tận nơi, “vây” quanh ngôi nhà làm từ thiện trước sự thất vọng, dở khóc dở cười của gia chủ. Đến khi có sự can thiệp của cơ quan chức năng, người dân mới chịu ra về.

Trở lại câu chuyện chiếc máy “ATM gạo”, nhóm thiện nguyện cũng không ngờ có quá đông người tìm đến để mong chờ nhận được sự hỗ trợ. Mọi việc chưa được trọn vẹn vì không thể định lượng được tình hình khi người dân nghèo truyền tai nhau tìm đến quá đông, ngoài tầm kiểm soát.

“Chúng tôi suy nghĩ chiếc máy này ra đời để hỗ trợ cho những hoàn cảnh thật sự khó khăn. Chứ không ngờ, có rất nhiều người, từ nhiều nơi tìm đến… Và dù thế, lượng gạo vẫn đảm bảo. Chỉ cần mọi người trật tự, đứng giãn cách an toàn như khuyến cáo của ngành y tế”, đại diện nhóm thiện nguyện chia sẻ.

Thực tế trên cho thấy, các hoạt động thiện nguyện hỗ trợ người dân qua khó khăn do dịch bệnh là rất cần vào thời điểm này. Tuy nhiên, cần phải tính toán một cách kỹ lưỡng, có sự phối hợp đồng bộ và cần sự hỗ trợ của nhiều đơn vị khác. Nhưng trên hết, người dân hãy thể hiện trách nhiệm xã hội trong công tác phòng dịch. Đó là giữ trật tự, nhẹ nhàng, văn minh, chấp hành quy định về phòng dịch như giãn cách, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, không tụ tập một lúc đông người...

Từ kinh nghiệm được đúc rút, nhóm thiện nguyện dự tính, sẽ liên kết với một vài nhóm từ thiện khác lắp đặt máy “ATM gạo” ở nhiều vị trí, có không gian rộng hơn để phân luồng người dân đến nhận, đảm bảo được trật tự và giãn cách an toàn.

Từ câu chuyện “vỡ trận” ở chiếc máy “ATM gạo”, việc làm thiện nguyện như thế nào để người dân vừa nhận được hàng cứu trợ, vừa đảm bảo an toàn là vấn đề đặt ra.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sáng tạo để đối phó, sống chung với đại dịch

Mặc dù đại dịch COVID-19 đã đóng sập cánh cửa đối với mọi người trên toàn cầu, đồng thời nỗi sợ hãi về đại dịch vẫn còn rất lớn, tuy nhiên, năm qua cũng đã chứng kiến nhiều đối mới đáng kinh ngạc.

Sáng tạo để đối phó, sống chung với đại dịch
Khởi động ATM gạo hỗ trợ người lao động khó khăn

Sáng 31/8, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Huế ra mắt cây ATM gạo hỗ trợ đoàn viên, người lao động khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID - 19 tại số 13 Lý Thường Kiệt, phường Phú Nhuận (TP. Huế).

Khởi động ATM gạo hỗ trợ người lao động khó khăn
ATM gạo - PR?

Kể từ khi xuất hiện đại dịch COVID-19, lần đầu tiên tôi thấy ở Huế mình xuất hiện làn sóng thiện nguyện, một việc làm thường chỉ có các doanh nghiệp hay doanh nhân, các vị mạnh thường quân… nhưng nay đã và đang lan tỏa đánh thức sự tử tế của cả cộng đồng, trong đó có tầng lớp thu nhập chỉ ở mức “đủ ăn” như hàng ngũ giáo chức, văn nghệ sĩ nhưng đã “xắn tay” vào cuộc.

ATM gạo - PR
“ATM gạo” hoạt động, chia sẻ khó khăn với người nghèo

Hàng ngàn người dân có hoàn cảnh nghèo khó trật tự xếp hàng để nhận gạo miễn phí tại 3 điểm đặt máy “ATM gạo” vào sáng 14/4: Trung tâm Thể thao tỉnh (đường Hà Huy Tập), Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (70 Nguyễn Huệ) và Trường đại học Phú Xuân (28 Nguyễn Tri Phương, TP. Huế).

“ATM gạo” hoạt động, chia sẻ khó khăn với người nghèo

TIN MỚI

Return to top