ClockThứ Ba, 16/09/2014 04:10

Khi cột mốc "biết chạy"

TTH - Doanh nghiệp được cấp mỏ khai thác cát sạn vi phạm giờ giấc khai thác, có dấu hiệu lấn mốc giới mở rộng diện tích mỏ và khai thác vượt quá chiều sâu cho phép; tình trạng khai thác cát sạn trái phép không thuyên giảm làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến dòng chảy và đời sống sinh hoạt của người dân là thực trạng đang diễn ra ở thượng nguồn sông Hương.

Bất lực với khai thác trộm

Một ngày đầu tháng 9-2014, chúng tôi theo đò máy ngược lên thượng nguồn sông Hương. Khi đến khu vực khai thác, đoạn qua thôn Vĩ Dạ (xã Thủy Bằng, TX Hương Thủy) chúng tôi thấy 2 đò cùng với máy móc và nhiều người đang hút cát sạn dưới lòng sông. Theo anh Đỗ Văn Duy, cán bộ địa chính xã thì các đò trên đã vi phạm lộ giới khai thác, gây ảnh hưởng đến dòng chảy. Thấy chúng tôi đưa máy ảnh lên, một người cảnh giới phát hiện hô lớn: “Tắt máy! Di chuyển đi chỗ khác”. Ngay lập tức chiếc máy này ngừng hoạt động, 2 chiếc đò khai thác cát sạn trái phép kéo ống hút lên tháo chạy.
Khai thác ồ ạt trong khu vực mỏ gây ô nhiễm nguồn nước thượng nguồn sông Hương
Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng - ông Nguyễn Thái cho biết, để đẩy đuổi các đò khai thác trái phép cát sạn khu vực thượng nguồn sông Hương, xã thành lập lực lượng liên ngành tổ chức nhiều lần truy quét, bắt giữ và xử lý hành chính hàng chục vụ vi phạm nhưng hết triển khai thì đâu lại vào đó. Có những lúc cao điểm, trên một đoạn sông, chục thuyền dàn hàng ngang thay nhau “rút ruột” lòng sông. “Xã đã họp rất nhiều lần, phối hợp xử lý và tốn nhiều tiền của, công sức nhưng vẫn không chấm dứt được tình trạng khai thác cát sạn trái phép. Nếu chỉ giao cho xã quản lý thì chúng tôi đã làm hết trách nhiệm, nhưng lực bất tòng tâm” - ông Thái khẳng định. Theo ông Thái, cần có chế tài đủ mạnh để người vi phạm không tái phạm chứ chỉ xử lý mấy trăm ngàn đồng rồi trả đò, trả máy lại thì hôm sau họ lại tiếp tục khai thác trộm.  
 Doanh nghiệp được cấp mỏ cũng vi phạm
Nhiều bãi tập kết cát sạn trái phép
Mặc dầu UBND tỉnh quy định hai bờ sông Hương từ khu vực cầu Tuần về đến cầu chợ Dinh không được lập bãi tập kết cát sạn dưới mọi hình thức và lực lượng chức năng đã tiến hành giải tỏa các bến bãi tập kết cát sạn khu vực này, nhưng vẫn tồn tại nhiều bãi trái phép. Nhiều chủ bãi tận dụng đất trống ven sông Hương để lập bãi tập kết; có chủ bãi thuê hẳn vườn nhà dân để tập kết. Điển hình là 4 bãi tập kết xung quanh cầu Bối (khu vực giáp ranh giữa xã Thủy Bằng với TP Huế) vẫn ngày ngày tấp nập đò cát vào tập kết và được xe tải đến chở.
 Thái Sơn
Vào khu vực mỏ khai thác của Doanh nghiệp Tuyết Liêm (được UBND tỉnh cấp mỏ khai thác), mặc dầu trời gần trưa, nắng nóng nhưng chúng tôi chứng kiến khoảng 10 đò đang khai thác cát sạn. Ở đây như một đại công trường với tiếng máy nổ đinh tai nhức óc, những đống đất đá không sử dụng được chất lên thành núi, nước sông đục ngầu. Tuy nhiên, một số đò vẫn khai thác sạn vi phạm lộ giới đã được UBND tỉnh cấp mỏ. Thấy vậy, ông Trương Thế Pháp, Trưởng thôn Vĩ Dạ bức xúc hét lớn: “Mấy ông khai thác vi phạm lộ giới rồi, kéo đò vô trong khu vực mỏ mà khai thác. Làm ăn thế này thì chẳng mấy chốc lòng sông rỗng ruột...”. Mấy người đang khai thác sạn lập tức dời neo đẩy đò vô chừng... 10m lại tiếp tục khai thác. Theo ông Pháp, những người này đã khai thác vi phạm hơn 20m. Một lúc sau, có thanh niên ở trần chạy đến tự giới thiệu tên Trần Đích - là người được cử đến đây thu tiền các đò ở ngoài vào khai thác trong mỏ của doanh nghiệp Tuyết Liêm. Người này cho biết, mỗi khối cát lấy 10.000 đồng, mỗi khối sạn thì lấy 25.000 đồng. Tuy nhiên, nhiều người cho biết con số đó thấp hơn nhiều với thực tế. Theo những người đang khai thác thì họ chỉ làm công kiếm ngày vài ba trăm ngàn đồng, chấp nhận đóng tiền cao để được khai thác trong mỏ.
Theo chính quyền địa phương và những người dân sống gần khu vực này, mặc dầu doanh nghiệp Tuyết Liêm được cấp mỏ khai thác với diện tích gần 5ha, có cắm mốc hẳn hoi nhưng thường xuyên vi phạm lộ giới. Do không có mốc cố định dưới nước nên việc cột mốc “biết chạy” nhằm mở rộng diện tích khải thác xảy ra như cơm bữa. Thậm chí, mốc cố định được cắm trên bờ cũng có lúc “chạy” cả chục mét theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Anh Đỗ Văn Duy thông tin, mặc dầu UBND tỉnh cấp phép cho phép khai thác độ sâu tối đa 5m nhưng qua kiểm tra, hầu hết ở khu vực mỏ đều bị khai thác sâu quá mức cho phép rất nhiều. Ông Trương Thế Pháp cho biết thêm, mặc dầu có quy định giờ giấc khai thác, nhưng các đò thường làm thông tầm trưa và đến tối hoặc sáng sớm ảnh hưởng đến đời sống người dân, bởi tiếng động cơ ầm ĩ. Trước đây, hơn 1.100 người dân 3 thôn khu vực này sử dụng chủ yếu nguồn nước dưới sông, nhưng hiện nay không thể vì nước bị đục ngầu, ô nhiễm bởi cường độ khai thác cát sạn quá cao. Tương tự, một doanh nghiệp khác được cấp mỏ 3ha ở gần đó cũng làm ăn lem nhem như vậy.
Sớm chấn chỉnh
Ông Nguyễn Thái, Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng cho biết, chính quyền xã nhận được phản ảnh của người dân về tình trạng vi phạm giờ giấc, khai thác ồ ạt gây ô nhiễm dòng sông gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Qua giám sát UBND cũng đã làm đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị xem xét lại các nội dung như diện tích và mốc các mỏ được cấp cho doanh nghiệp; doanh nghiệp vi phạm giờ giấc, khai thác quá độ sâu, quá ranh giới; ô nhiễm môi trường... Khi phóng viên liên hệ với chủ DNTN Tuyết Liêm để tìm hiểu, sau khi bắt máy nhưng nghe giới thiệu nhà báo thì tắt máy và nhắn lại: “Đang họp, có gì điện lại” và sau đó phóng viên liên lạc nhiều lần không được.
Qua kiến nghị của UBND xã Thủy Bằng, ngày 6-9, Đoàn kiểm tra thực địa do ông Nguyễn Hữu Quyết, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm Trưởng đoàn, cùng đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Hương Trà, lãnh đạo xã Thủy Bằng và đại diện 2 doanh nghiệp được cấp mỏ là Tuyết Liêm và Phú Vĩnh. Theo ông Nguyễn Hữu Quyết, việc có một số mốc mỏ của DNTN Tuyết Liêm và DNTN Phú Vĩnh dịch chuyển khỏi vị trí ban đầu, sở sẽ yêu cầu 2 đơn vị có trách nhiệm mời đơn vị tư vấn chuyên ngành và các cơ quan liên quan kiểm tra lại các mốc mỏ theo giấy phép của UBND tỉnh cấp; nếu có sai lệch phải chôn lại mốc tại thực địa có sự chứng kiến của đại diện liên quan; thực hiện nghiêm túc theo đề án khai thác...         
Để xử lý triệt để việc khai thác cát sạn trái phép, mới đây UBND tỉnh đã yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo quyết liệt lực lượng Cảnh sát Đường thủy, Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường và công an các địa phương phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép. Đối với các trường hợp vi phạm kéo dài, xử lý kiên quyết theo quy định của pháp luật với hình thức cao nhất.
Bài, ảnh: Thái Bình
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cung để hạ nhiệt giá vàng

3.400 lượng vàng đã trúng thầu trong phiên đấu thầu vàng đầu tiên sau 11 năm tạm ngừng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ghi nhận trên thị trường, giá vàng đã giảm khá mạnh do ảnh hưởng từ thị trường thế giới cũng như thông tin về đấu thầu vàng miếng thành công.

Tăng cung để hạ nhiệt giá vàng
Chương trình Phát triển các đô thị loại II: Nhiều gói thầu “gặp khó” mặt bằng

Nhiều hạng mục công trình thuộc các gói thầu của Dự án Chương trình Phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - DA thành phần Thừa Thiên Huế (gọi tắt DA đô thị xanh) bị “đứng hình” do bế tắc hoặc gặp khó trong công tác giải phòng mặt bằng (GPMB), dẫn đến công trình chậm tiến độ kéo dài.

Chương trình Phát triển các đô thị loại II Nhiều gói thầu “gặp khó” mặt bằng
Return to top