ClockThứ Hai, 18/10/2021 05:53

Khi giáo dục nghề nghiệp hợp cùng giáo dục thường xuyên

TTH - Thực hiện Quyết định số 1601/QĐ-UBND ngày 11/7/2016 của UBND tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nam Đông được thành lập từ việc sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm dạy nghề huyện. Thực tế cho thấy, đó là hướng đi đúng.

Trao 33 giải tại Hội giảng Giáo dục nghề nghiệp33 nhà giáo tham gia Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tỉnh năm 2021Biểu dương các mô hình văn hoá ứng xử trong trường học

Học viên ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nam Đông

Phát huy nội lực

Thầy giáo Tô Chỉnh là tổ trưởng Tổ xóa mù - Phổ cập tiểu học cũng đồng thời là một giáo viên xóa mù. Ban ngày xử lý công việc ở cơ quan, đêm về lo đứng lớp xóa mù ở cách nhà khá xa. Việc nào thầy Chỉnh cũng hoàn thành tốt, Giám đốc Trần Văn Phúc tự hào về cán bộ của mình và nói thêm, ở trung tâm này ai cũng một công đôi việc cả. Ngay cả các thành viên trong ban giám đốc cũng phải kiêm luôn nhiệm vụ lên lớp.

Sau khi thành lập, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Nam Đông thực hiện đồng bộ 3 công việc: đào tạo nhân lực sản xuất, kinh doanh ở trình độ sơ cấp, đào tạo nghề dưới 3 tháng; tổ chức chương trình giáo dục thường xuyên; tư vấn hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông cho học sinh khối 8, khối 11 trên địa bàn huyện. Công việc nhiều nhưng trung tâm lại gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất thiếu thốn và lỗi thời trong khi việc đầu tư thiếu đồng bộ. Ông Phúc còn chia sẻ, công tác tư vấn hướng nghiệp khó do thiếu giáo viên chuyên môn; giải quyết việc làm sau khi đào tạo nghề cũng trở ngại do toàn huyện chỉ có 1 cơ sở may công nghiệp. Do đó, trung tâm phải phát huy tối đa nội lực.

Cùng với việc mỗi cán bộ, giáo viên phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, trung tâm đẩy mạnh hoạt động phối hợp với các đơn vị có chức năng thực hiện nhiệm vụ được giao. Đáng kể gần đây là việc liên kết với Trường đại học Phú Xuân, Trường cao đẳng Nghề, Trường cao đẳng Du lịch Thừa Thiên Huế, Trường cao đẳng Âu Lạc, Trường trung cấp Nghề số 10 thuộc LĐLĐ tỉnh để mở lớp đào tạo, rèn luyện kỹ năng nghề.

Cả 3 cùng tiến

Trong điều kiện dịch COVID-19 phức tạp, năm học 2020 - 2021 là năm học có nhiều thành công của trung tâm khi có 40 học viên hoàn thành chương trình mức độ I xóa mù chữ, 12 học viên hoàn thành chương trình mức độ II (giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ). Trung tâm đang mở và duy trì 7 lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ với 71 học viên. Không chỉ đảm bảo cơ sở vật chất và cung cấp kịp thời tài liệu học tập, đưa công nghệ thông tin đến các lớp học, trung tâm còn phối hợp với các địa phương hỗ trợ áo mưa, kính, đèn pin, giày dép… để học viên tự tin đến lớp.

Bên cạnh các lớp giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở tổ chức theo nhóm và tự học có hướng dẫn, năm học này, trung tâm đầu tư mở được 5 lớp giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông với 88 học viên (gấp đôi so với trước đó). Học viên được động viên và tạo điều kiện để “chính quy hóa”, vượt qua mặc cảm là học viên… giáo dục thường xuyên. Trung tâm còn tiến hành cải tạo khu tập thể dành cho học viên; miễn giảm học phí và huy động đóng góp từ thiện để hỗ trợ xe đạp, sách vở, phương tiện học trực tuyến…

Thực hiện nhiệm vụ dạy nghề, trung tâm mở 4 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với 140 học viên, trong đó có 2 lớp nghề nông nghiệp tại Thượng Long và Hương Sơn; 2 lớp nghề may công nghiệp tại Hương Hữu và Thượng Quảng; dạy nghề phù hợp cho học sinh khối lớp 11 Trường trung học phổ thông Nam Đông. Ngoài ra, mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng sử dụng an toàn thông tin mạng, bồi dưỡng tiếng dân tộc Cơ Tu cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ công an trong huyện.

Năm 2020, trung tâm có 100% học viên tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, trong đó có 87,5%  học viên đủ điểm đỗ vào đại học; 1 học viên giỏi lớp 12 cấp tỉnh đạt giải khuyến khích môn địa lý; 2 sản phẩm tham dự cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng cấp huyện, có 1 sản phẩm đạt giải khuyến khích. Tỷ lệ tốt nghiệp nghề phổ thông khối trung học cơ sở đạt 99,12% và khối trung học phổ thông đạt 99,5%. Nhiều học viên sau khi hoàn thành các lớp đào nghề được nhận vào làm việc tại các cơ sở sản xuất trong huyện (Công ty Kimmosa).

Vươn lên đáp ứng yêu cầu mới

Khó khăn nổi lên trong giáo dục đào tạo nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên ở Nam Đông là vấn đề đầu vào của học viên còn thấp và nhu cầu việc làm có tay nghề trên địa bàn ít nên công tác chiêu sinh, liên kết mở lớp gặp khó khăn. Bên cạnh đó, chưa có sự phối hợp tích cực của một số địa phương và ý thức học tập chưa cao của nhiều học viên.

Bàn về phát huy vai trò và chức năng của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nói: “Ông giám đốc và toàn bộ thành viên phải thật năng động, hãy kiếm việc làm đi, đến tận địa phương tìm hiểu nhu cầu. Nhiều khi họ không biết nhu cầu, mình đến nói chuyện, khêu gợi thì sẽ ra nhu cầu”.

Ông Trần Văn Phúc cho biết, trung tâm đã và đang quán triệt tinh thần năng động và tự chủ đó trong việc tìm kiếm nhu cầu đào tạo để thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ được giao. Cụ thể, trung tâm xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể về những bước đi trong thời gian tới, đặc biệt chủ động trong việc tìm hiểu nhu cầu học nghề của người lao động nông thôn, tích cực đổi mới phương pháp đào tạo, mở rộng chương trình liên kết, hợp tác với các đơn vị và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để liên kết đào tạo, giải quyết việc làm cho người lao động; chú trọng nâng cao công tác quản lý, chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu dạy và học để thu hút ngày càng nhiều học viên.

Bài, ảnh: Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

​Giám sát, hỗ trợ công tác dinh dưỡng học đường tại các xã nghèo

Từ ngày 5/3 đến 15/3 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện A Lưới, Phú Lộc, Phong Điền, Phú Vang kiểm tra, giám sát, hỗ trợ công tác dinh dưỡng học đường tại các trường học có bán trú thuộc 25 xã nghèo.

​Giám sát, hỗ trợ công tác dinh dưỡng học đường tại các xã nghèo
Giáo dục văn hóa địa phương cho học sinh

Tết cổ truyền là dịp để mọi người tìm về với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây cũng là dịp các trường học tổ chức những hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm để giáo dục văn hóa địa phương cho học sinh.

Giáo dục văn hóa địa phương cho học sinh
Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn

Để tăng cơ hội cho trẻ em ở vùng khó khăn được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch này vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện.

Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top