ClockThứ Bảy, 22/09/2018 10:44

Khi giáo viên phụ trách trung tâm học tập cộng đồng

TTH - Biệt phái giáo viên phụ trách trung tâm học tập cộng đồng đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình này tại huyện Phong Điền.

Hỗ trợ trẻ em lao động đường phốSẽ tăng cường công tác quản lý với các trung tâm học tập cộng đồng

Với 72 cơ sở giáo dục công lập phục vụ cho giáo dục phổ thông, giáo dục thương xuyên, nhưng huyện Phong Điền vẫn còn thiếu nơi sinh hoạt, học tập, học nghề của phần lớn người dân. Đó là lý do UBND huyện Phong Điền thành lập 16 trung tâm học tập cộng đồng tại 16 xã và thị trấn trong huyện.

Buổi đầu mọi việc không suôn sẻ. Tuy được thành lập nhưng việc quản lý, duy trì trung tâm hoạt động hiệu quả và thu hút được Nhân dân tham gia học tập rất khó khăn. Nhận thức được vấn đề, Hội Khuyến học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Điền chủ động tham mưu với UBND huyện về việc biệt phái giáo viên sang trung tâm học tập cộng đồng công tác nhằm giúp đỡ đơn vị hoạt động đúng quy chế, có hiệu quả và giảm tải việc thừa định biên giáo viên cho ngành giáo dục trên địa bàn huyện.

Năm học 2013 - 2014, UBND huyện Phong Điền đồng ý cho biệt phái 14 giáo viên tiểu học và trung học cơ sở sang trung tâm học tập cộng đồng. Hội Khuyến học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã phối hợp tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ biệt phái này, giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ ở môi trường mới. UBND huyện cũng đã kịp thời củng cố, kiện toàn tổ chức trung tâm với việc bổ nhiệm giám đốc, phó giám đốc là những cán bộ lãnh đạo địa phương. Hằng năm, UBND huyện tổ chức các buổi làm việc với lãnh đạo các trung tâm theo quy mô cụm để trực báo, nắm tình hình và định hướng hoạt động cho các trung tâm thời gian đến.

Sau gần 4 năm biệt phái giáo viên sang, các trung tâm học tập cộng đồng đều chuyển biến tích cực. Tính ra, đầu năm học 2016 - 2017, toàn huyện Phong Điền đã mở được 8 lớp xóa mù ở vùng biển, đầm phá và miền núi thuộc các xã: Phong Mỹ, Phong Sơn, Phong Bình, Phong Hiền, thị trấn Phong Điền…và 2 lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ ở xã Phong Hải và Phong Hòa, do giáo viên biệt phái trực tiếp vận động và đứng lớp với 72 học viên học xóa mù. Ngoài xóa mù, các trung tâm còn tham mưu cho các ngành, đoàn thể mở các lớp chuyên đề phổ biến chính sách pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng sống… thu hút sự quan tâm và mang lại cơ hội học tập cho người dân.

Trung tâm học tập cộng đồng các xã Phong Hòa, Phong An, Điền Hải… là những đơn vị tiêu biểu. Các giáo viên: Nguyễn Công Dung (Điền Hải), Nguyễn Đình Du (Phong Hiền), Đặng Thị E (Điền Lộc)… là những gương mặt xuất sắc qua phong trào. Hằng năm toàn huyện có khoảng 1,5 vạn lượt người tham gia học tập tại các trung tâm học tập cộng đồng.

Vẫn còn có nhiều thách thức khi đa số thầy cô giáo biệt phái về các trung tâm học tập cộng đồng trong huyện đều có thời hạn. Một số giáo viên lớn tuổi, việc huy động mở các lớp xóa mù tương đối khó khăn do đa số học viên không có nhiều thời gian nhàn rỗi, công việc thiếu ổn định. Trong điều kiện đó, lãnh đạo các trung tâm và giáo viên biệt phái phải đến từng họ gia đình để vận động và tranh thủ mở lớp ban đêm, kiên trì giải quyết tâm lý e ngại lớn tuổi nên khong đến lớp hoặc đến không thường xuyên.

Mặc dù còn nhiều khó khăn và trở ngại, song có thể khẳng định, việc biệt phái giáo viên sang các trung tâm học tập cộng đồng mà huyện Phong Điền đã thực hiện là một hướng đi mới trong việc quản lý hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng. Đây được xem là mô hình khuyến học cần được nhân rộng.

AN NHIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Học sử để sống với người đã chết”

“Học sử làm gì? Học địa làm gì? Học địa để sống với non sông đất nước. Học sử để sống với người đã chết”. Đó là câu hỏi và trả lời của cụ Huỳnh Thúc Kháng, đăng trên báo Tiếng Dân do chính cụ làm chủ bút, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

“Học sử để sống với người đã chết”
Để đến trường đong đầy niềm vui

Người thầy hiện đại cần có phẩm chất cởi mở, bao dung. Muốn người học phát triển các phẩm chất, năng lực thì người dạy cần có tư duy mở để đón nhận cách học, cách suy nghĩ mới của lứa học trò gen Z. Sẽ thất bại trong giáo dục khi người thầy bảo thủ, áp đặt, luôn bắt học sinh phải răm rắp lắng nghe, phục tùng.

Để đến trường đong đầy niềm vui
Return to top