ClockThứ Tư, 17/08/2022 14:16

Khi lịch sử trở thành môn học bắt buộc

TTH - Theo Thông tư 13/2022/TT-BGDĐT, môn lịch sử từ môn lựa chọn trong tổ hợp môn khoa học xã hội trước đây theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT sẽ trở thành môn học bắt buộc.

Lịch sử là môn học bắt buộc trong chương trình Giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thôngĐề nghị lịch sử là môn học bắt buộc cấp THPTLo ngại khi lịch sử là môn học lựa chọn ở lớp 10

Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới gồm: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ 1, lịch sử, giáo dục thể chất; giáo dục quốc phòng - an ninh; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; nội dung giáo dục của địa phương. Ngoài các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh phải chọn 4 môn học, được chọn từ các môn học: Vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ, mỹ thuật, âm nhạc.

Thực hiện yêu cầu phân hóa sâu và giúp học sinh tăng cường kiến thực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng giải quyết vấn đề đáp ứng với yêu cầu định hướng nghề nghiệp thì mỗi học sinh còn phải chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với sở thích và nguyện vọng của bản thân. Các tổ hợp môn học và các cụm chuyên đề học tập được giao quyền chủ động cho các nhà trường xây dựng sao cho đáp ứng với nhu cầu của học sinh, vừa đảm bảo phù hợp với điều kiện về nhân lực và cơ sở vật chất của nhà trường.

Để đáp ứng yêu cầu của Thông tư 13/2018/TT-BGDĐT, các thầy, cô giáo, nhất là thầy, cô giáo làm công tác lãnh đạo, quản lý sẽ phải khẩn trương xây dựng kế hoạch, xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn và công bố kịp thời cho học sinh và cha mẹ học sinh biết để lựa chọn, trên cơ sở lựa chọn của học sinh, nhà trường tiến hành phân lớp học.

Học sinh và cha mẹ học sinh trước đây đã lựa chọn tổ hợp môn theo phương án cũ đã ban hành ở Thông tư 33/2018/TT-BGDĐT cần phải lựa chọn lại những tổ hợp môn do nhà trường công bố sao cho phù hợp với khả năng và sự định hướng nghề nghiệp tương lai của học sinh. Việc lựa chọn này cần có sự phân tích, định hướng của cha mẹ học sinh và các thầy, cô giáo để các con tránh được việc chọn lựa theo cảm tính, thiếu thực tế. 

Theo Thông tư 13/2022/TT-BGDĐT thì môn lịch sử bậc THPT sẽ có 52 tiết bắt buộc/năm và chuyên đề học tập dành cho học sinh lựa chọn. Một số thầy, cô giáo dạy môn lịch sử cho rằng, sự thay đổi này là phù hợp. Cô giáo Võ Thị Hải Anh, Tổ phó chuyên môn phụ trách bộ môn lịch sử, Trường THPT Hai Bà Trưng cho rằng: “Quyết định đưa môn lịch sử thành môn học bắt buộc là đúng vì môn lịch sử giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, các giá trị truyền thống của cha ông xưa để lại. Điều này sẽ là nền tảng cho hành trang bước vào đời và làm chủ đất nước sau này cho các thế hệ người Việt Nam”.

Lâu nay, không ít học sinh thiếu say mê và thậm chí chán học sử. Để tạo hứng thú và yêu thích học sử, đòi hỏi thầy, cô giáo bộ môn này phải đổi mới phương pháp và cách thức tổ chức dạy học để thu hút, hấp dẫn học sinh. Theo cô giáo Tống Thị Hà Nhi, giáo viên dạy môn lịch sử, Trường THPT Hai Bà Trưng, dù lịch sử là môn học bắt buộc hay tự chọn, điều quan trọng nhất là giáo viên cần thay đổi để môn học này trở nên hấp dẫn, thu hút học sinh. Cô Nhi cũng khẳng định: “Học sinh không hẳn không thích học lịch sử, chỉ là do áp lực về khối lượng lớn kiến thức cùng việc chưa có phương pháp giảng dạy lôi cuốn của giáo viên mà thôi. Vì vậy, cách tốt nhất là phải thay đổi phương pháp dạy theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh”.

Năm học mới sắp bắt đầu. Đây cũng là năm học đầu tiên bậc THPT áp dụng chương trình giáo dục 2018, học sinh lớp 10 và các thầy, cô giáo giảng dạy các bộ môn, nhất là môn lịch sử cần tìm hiểu và xây dựng kế hoạch dạy và học theo yêu cầu mới, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng thực hiện tốt nhiệm vụ năm học.

Nguyễn Thị Hoa Phượng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làm rõ quá trình giao lưu tiếp xúc văn hóa Pháp - Việt trong phong trào Duy Tân

Nhiều vấn đề liên quan đến các lĩnh vực như kinh tế, lịch sử, văn hóa, dân tộc học, khảo cổ học, ngôn ngữ học... trong Phong trào Duy Tân đã được các chuyên gia bàn luận, trao đổi tại hội thảo quốc tế “Quá trình Duy Tân tại Huế và Trung bộ trong thời kỳ Pháp thuộc” diễn ra tại TP. Huế ngày 19/12.

Làm rõ quá trình giao lưu tiếp xúc văn hóa Pháp - Việt trong phong trào Duy Tân
Dạy và học môn lịch sử chưa được như kỳ vọng

Đó là nhận định được các đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học “Đổi mới phương pháp dạy học bộ môn lịch sử trong giai đoạn hiện nay” được Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức sáng 13/12.

Dạy và học môn lịch sử chưa được như kỳ vọng
Chuyện về giao thông Huế từ trong lịch sử

Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách “Hệ thống giao thông ở Thừa Thiên Huế từ thế kỷ XIX đến nay”, dày gần 300 trang, do TS. Phan Tiến Dũng chủ biên, Nxb Thuận Hóa ấn hành.

Chuyện về giao thông Huế từ trong lịch sử
Return to top