ClockThứ Hai, 23/07/2012 10:51

Khi người dân đồng thuận

TTH - "Tuy còn nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn sẵn sàng hiến đất và cây trồng để mở đường giao thông. Đường sá rộng rãi, thuận tiện cho việc đi lại và sản xuất...". Ông Trương Thế ở xã Hương Lộc (Nam Đông) nói.

Tự nguyện hiến đất, cây trồng...

 

Ông Trương Thế, người dân xã Hương Lộc vừa mua một số diện tích trồng cao su tại thôn 11, xã Hương Hòa. Sau khi mời họp nghe lãnh đạo địa phương vận động, giải thích, ông Thế không ngần ngại, sẵn sàng hiến đất và cây trồng để làm đường. Gia đình ông đã tự tay chặt bỏ hàng chục cây cao su sắp đến kỳ thu hoạch để hiến đất cho địa phương. Noi theo tấm gương của ông Thế, hơn 40 hộ dân ở thôn 11, xã Hương Hòa cũng tự nguyện chặt bỏ cao su để hiến đất làm đường. Bà Nguyễn Thị Thơ ở thôn 11 thổ lộ: “Gia đình tôi có 1,2 ha cao su. Mặc dù đời sống còn khó khăn, nuôi 5 đứa con ăn học nhưng tui vẫn sẵn sàng hiến 200 cây cao su để mở đường giao thông. Mặc dù không được đền bù nhưng tôi vẫn vui mừng vì không xa nữa quê hương có thêm đường mới rộng hơn, đẹp hơn”.

 

Hạ tầng Nam Đông ngày càng khang trang

 

Việc hiến đất, cây trồng để xây dựng các công trình công cộng đã trở thành phong trào sâu rộng và có sức lan tỏa ở xã Hương Hòa nói riêng và huyện miền núi Nam Đông nói chung. Phong trào hiến đất góp phần rất quan trọng trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Toàn xã Hương Hòa có hơn 100 hộ dân ở các thôn hiến đất và cây trồng để thi công tuyến đường nối các thôn với Tỉnh lộ 14B dài gần 7,5km... Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2012, toàn huyện Nam Đông có 176 hộ dân hiến đất với tổng diện tích 11.800m2 và các loại hoa màu trị giá trên 300 triệu đồng. Người dân huyện Nam Đông tin tưởng và hy vọng những tuyến đường mới được xây dựng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế ổn định, góp phần xây dựng Nam Đông trở thành huyện nông thôn mới.

Phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng

 

Ông Phạm Tấn Son, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Đông cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện vẫn còn một số khó khăn nhất định. Nhất là kinh phí đầu tư của Nhà nước cấp cho địa phương còn chậm và rất ít, chủ yếu là nguồn từ địa phương và nhân dân đóng góp. Chẳng hạn, tổng kinh phí hỗ trợ của chương trình xây dựng NTM cho 4 hạng mục công trình là 12,99 tỷ đồng (6 tháng đầu năm 2012) thì mới chỉ cấp 3,2 tỷ đồng...
Ông Phạm Tấn Son, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Đông cho biết, ngay từ đầu năm 2012, huyện Nam Đông chọn xã Hương Giang để phát động phong trào thi đua xây dựng NTM. Sau xã Hương Giang, trong quý 1 tất cả các xã còn lại cũng đã hoàn thành việc tổ chức lễ phát động phong trào này. Nội dung phát động thi đua chủ yếu tập trung vào việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; đồng thời, tuyên truyền, vận động toàn thể nhân dân tích cực tham gia chương trình xây dựng NTM. Từ khi phát động phong trào đến nay, các hoạt động hưởng ứng xây dựng NTM trong nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Các phong trào thi đua lao động sản xuất, thâm canh tăng năng suất, nâng cao đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo được người dân hưởng ứng, tích cực tham gia. Người dân quan tâm hơn trong việc chăm sóc, bón phân cho cây trồng; nhất là trong vụ đông xuân, người dân đã bón trên 100 tấn phân cho cây cao su. Vụ lúa đông xuân đạt năng suất 53,17 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay. Ngành nông nghiệp huyện còn hỗ trợ giống chuối cho 38 hộ, mỗi hộ 100 gốc...

 

Cũng theo ông Phạm Tấn Son, công tác tuyên truyền, vận động hiến đất được người dân đồng thuận cao đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong 6 tháng đầu năm, huyện Nam Đông lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư trên 26 tỷ đồng xây dựng 26 hạng mục công trình. Trong đó, giao thông 7 công trình, gồm đường La Vây thuộc xã Hương Giang, đường vào thôn 4 thuộc xã Hương Lộc, đường thôn 9 Hương Hòa, đường thôn 3 xã Thượng Nhật... Đầu tư hệ thống điện thắp sáng và vỉa hè thuộc xã Thượng Lộ. Nhà họp thôn ở thôn 6 thuộc xã Thượng Nhật được sửa chữa và hệ thống truyền thanh cơ sở xã Hương Hòa được nâng cấp. Các Trường: mầm non Hương Phú, mầm non Hương sơn, mầm non Thượng Long, tiểu học Hương Hòa... được đầu tư xây dựng khang trang. Hệ thống kênh mương thủy lợi La Oai, kênh mương A Tin, A Xách... được nâng cấp và xây mới. 41 ngôi nhà tạm được xây dựng kiên cố với tổng trị giá 680 triệu đồng. Cùng với hỗ trợ của Nhà nước, trên địa bàn huyện có 74 hộ đầu tư xây mới nhà ở, 47 hộ nâng cấp nhà với tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng. Có 147 hộ xây dựng hố xí hợp vệ sinh, 249 hộ cứng hóa sân nhà, 352 hộ tự làm đường vào nhà, 444 hộ xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm...

 

Bài, ảnh: Hoàng Triều

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013, trong đó người dân đặc biệt quan tâm đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai; làm lành mạnh hóa thị trường; hạn chế đầu cơ, tham nhũng về đất đai.

Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai
Tháo gỡ vướng mắc mặt bằng Khu Chung cư Đống Đa

Chiều 25/3, UBND tỉnh tổ chức buổi đối thoại với các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng tại Dự án (DA) Cải tạo, xây dựng lại các dãy nhà A,B,C Khu Chung cư Đống Đa (KCCĐĐ) tại Phường Phú Nhuận, TP. Huế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì buổi đối thoại.

Tháo gỡ vướng mắc mặt bằng Khu Chung cư Đống Đa
Return to top