ClockThứ Ba, 23/10/2018 06:45

Khi người dân và chính quyền cùng tương tác

TTH - Khi sử dụng dịch vụ hệ thống thông tin “Phản ánh hiện trường”, người dân có thể tương tác thông qua ứng dụng toàn diện các vấn đề như: Phản ánh những bất cập của xã hội, chuyển tải các câu hỏi cần giải quyết cho cơ quan nhà nước và quan trọng hơn là việc đánh giá chất lượng cung cấp các dịch vụ của đô thị thông minh (ĐTTM).

Dịch vụ đô thị thông minh tạo môi trường sống tốt hơnỨng dụng công nghệ để minh bạchLõi của đô thị thông minhDịch vụ đô thị thông minh góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống

Khi người dân phát hiện một hình ảnh phản cảm trên đường có thể chụp ảnh gửi về Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM để sớm được giải quyết

Tương tác qua điện thoại thông minh

Từ tháng 7/2018, Trung tâm Điều hành, giám sát ĐTTM của tỉnh triển khai hệ thống thông tin tiếp nhận phản ánh hiện trường thông qua địa chỉ: https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn nhằm tiếp nhận các phản ánh của người dân về các lĩnh vực hạ tầng đô thị, trật tự đô thị, an toàn vệ sinh thực phẩm, du lịch... cũng như các hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc thực hiện không đúng quy định của cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính. Đây là một kênh cảm biến xã hội thông qua việc tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân trực tuyến trên nền tảng ứng dụng trên smartphone (được kết nối wifi hoặc 3G, 4G) trong xây dựng dịch vụ ĐTTM.

Theo đó, khi gặp sự việc cần phản ánh, người dân chỉ cần chụp ảnh hoặc quay phim bằng điện thoại di động ngay tại hiện trường và gửi đến địa chỉ này. Ngay lập tức toàn bộ thông tin hình ảnh, nội dung, địa điểm ghi hình cùng số điện thoại người gửi sẽ được Trung tâm Điều hành, giám sát ĐTTM tiếp nhận, phân loại nội dung và chuyển đến đơn vị có thẩm quyền xử lý gần như ngay lập tức. Anh Hoàng Diên Kỷ, cán bộ Trung tâm Điều hành, giám sát ĐTTM chia sẻ, toàn bộ công tác xử lý phản ánh theo định hướng sẽ được công khai và thông qua đó, người dân có thể tương tác, trao đổi, đưa ra ý kiến với cách giải quyết của cơ quan nhà nước; đồng thời, chức năng đánh giá, khảo sát mức độ hài lòng của công dân đối với kết quả xử lý được hỗ trợ công cụ thực hiện chi tiết cho từng phản ánh.

Theo lý giải của Phó Giám đốc Sở Thông tin- Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn, các thông tin tương tác của người dân đều được công khai trên môi trường mạng, đem lại một số lợi ích nhất định. Về khía cạnh người dân sẽ tăng niềm tin và sự chủ động của mình khi tương tác với cơ quan nhà nước. Nhà nước có công cụ theo dõi giám sát một cách tập trung, từ đó giám sát và quy trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan, đơn vị khi tiếp nhận xử lý thông tin tương tác của người dân. Đáng chú ý, thông qua việc đánh giá chất lượng dịch vụ, thông tin chất lượng dịch vụ sẽ được xếp hạng công khai để người dân có cơ sở lựa chọn dịch vụ tốt cho mình, từ đó các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sẽ nhìn thấy được chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp và có phương án đổi mới nâng cao chất lượng.

Phát huy chức năng giám sát, phản biện

Hiện tại, các tương tác hiện trường đang trong giai đoạn thí điểm. Trong thời gian tới, khi Cổng thông tin dịch vụ ĐTTM ra đời thì toàn bộ các nội dung liên quan toàn diện đến các dịch vụ ĐTTM sẽ được cung cấp. Qua đó, các nội dung từ cung cấp thông tin, dịch vụ ĐTTM, kết quả thực hiện triển khai, kết quả đánh giá chất lượng sử dụng của người dân đều được thu thập, tổng hợp và công khai giúp cho việc giám sát và phản biện phát huy một cách rõ ràng, cụ thể.

Các phản ánh hiện trường của cá nhân, tổ chức được thực hiện thông qua một trong các hình thức sau: Ứng dụng di động: Hue-S (dịch vụ ĐTTM Thừa Thiên Huế); Trang facebook ĐTTM: https://facebook.com/huesmartcity; Thư điện tử: dttm@thuathienhue.gov.vn; Cổng thông tin tương tác: https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn

Thời gian tiếp nhận phản ánh hiện trường của cá nhân, tổ chức được thực hiện 24/24 giờ, 7 ngày/tuần.

Trước lo ngại của người dân về tính bảo mật, lộ lọt thông tin, ông Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, vấn đề bảo mật thông tin cá nhân đã được luật hóa, song trong thực tiễn hiện nay thì việc xâm phạm thông tin cá nhân đang rất phức tạp, tạo nên sự hoang mang trong xã hội. Vì vậy, khi triển khai dịch vụ ĐTTM thì xác định đây là vấn đề cốt lõi với quan điểm: Khi thông tin cá nhân không được bảo vệ một cách tuyệt đối, không tạo niềm tin, sự an tâm cho người dân thì không thể phát triển việc tương tác, góp ý, đánh giá chất lượng của người dân. Tất cả các thông tin cá nhân trong quá trình tương tác đều chuyển về đầu mối duy nhất là Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM tiến hành các nghiệp vụ trước khi phân phối đến các cơ quan xử lý.

“Tất cả các hình thức sử dụng thông tin cá nhân mà không được sự đồng ý của cá nhân đó đều là hình thức vi phạm và đều chịu sự quản lý bởi Luật An ninh mạng và Luật An toàn thông tin mạng. Trên thực tế, dịch vụ hành chính công trực tuyến đang triển khai đã được áp dụng các hình thức bảo mật thông tin cá nhân. Chúng tôi hy vọng, người dân khi tham gia vào dịch vụ ĐTTM sẽ hiểu rằng mình đang được các cơ quan nhà nước xây dựng các giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất, từ đó tin tưởng, mạnh dạn tương tác với Nhà nước và doanh nghiệp”- ông Nguyễn Xuân Sơn khẳng định.

Trong năm 2018, hệ thống triển khai thí điểm tiếp nhận phản ánh 5 nhóm lĩnh vực bao gồm: dịch vụ hành chính công; dịch vụ công ích và sự nghiệp; hạ tầng đô thị; trật tự đô thị và vệ sinh môi trường. Sau khi thí điểm thành công sẽ nhân rộng mô hình trên toàn bộ lĩnh vực và toàn bộ địa bàn tỉnh năm 2019. Giải pháp xử lý phản ánh kiến nghị của người dân thông qua smartphone, thư điện tử hoặc facebook là một trong những yếu tố để Thừa Thiên Huế tiếp tục giữ vững danh hiệu địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển chính phủ điện tử.

Bài, ảnh: Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số
Gắn kết giữa người dân và chính quyền

Chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã thực sự tạo cơ hội gắn kết các chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình với chính quyền và các tổ chức nhà nước về lâm nghiệp... góp phần nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, bảo vệ rừng cho người dân.

Gắn kết giữa người dân và chính quyền
Return to top