ClockThứ Năm, 22/11/2012 11:14

Khi người trẻ thiện chí

TTH - Tranh chấp dân sự (đất đai, thừa kế, nợ...) thường là những vụ kiện làm “đau đầu” cán bộ tòa án. Nhưng, cũng có những vụ “đóng lại” được là nhờ thiện chí của những người trong cuộc nhận.

Chỉ có hai người, nguyên đơn và bị đơn trong vụ án tranh chấp dân sự nên phòng xét xử có vẻ vắng lặng. Vậy nhưng, phiên tòa càng về sau càng “nóng” vì mỗi bên đều quyết liệt bảo vệ ý kiến của mình. Cũng bởi nguyên nhân này mà những phiên hòa giải trước đó đều không đạt kết quả. Số là, hơn 20 năm về trước, phía nguyên đơn cho phía bị đơn ở nhờ trên đất của mình. Thời đó chốn quê, người ở ít, đất rẻ nên chủ đất chưa quan tâm ngó ngàng đến thửa đất cho ở nhờ này. Nhiều năm trôi qua, phía ở nhờ yên trí ở, canh tác trên thửa đất, riết rồi không có ý định tìm một nơi ở mới hay đặt vấn đề “dứt dạc” với chủ đất về diện tích đất mình đang ở nhờ. Không những vậy, phía ở nhờ còn “sang tay” một số diện tích đất cho mấy hộ khác làm nhà ở. Không phải bên cho ở nhờ không biết, nhưng ngặt nỗi, khi cho người ta đến ở cũng chỉ cho miệng, không làm bất cứ hợp đồng văn bản nào. Nhiều lần nói chuyện tình cảm, rồi giằng co nhưng không đi đến kết quả. Sau cùng, người cho mượn đất phải khởi kiện ra tòa án kèm theo những chứng cứ liên quan, trong đó có trích lục của thửa đất. Và dù không muốn trả đất, nhưng bị đơn cũng thừa nhận nguồn gốc đất mình đang sử dụng và sang tay cho người khác là do nguyên đơn cho ở.

Minh họa: Hương Trà

Nhiều lần hai bên đến tòa án để hòa giải hay tham gia tố tụng tại phiên tòa, nguyên đơn và bị đơn đều có “tài xế” là con ruột, lái xe máy đưa đi. Cô gái và chàng trai trạc tuổi nhau, chừng mười tám đôi mươi. Khác hẳn các bậc cha mẹ hai bên đang “nảy lửa” trong phòng hòa giải (hoặc xét xử), họ đứng ngoài hành lang vẫn chuyện trò với thái độ vui vẻ thân thiện. Câu chuyện xoay quanh vấn đề đất cát giữa hai gia đình nhưng với cách nhìn thiện chí. Cô gái (con của người mượn đất) mong muốn được tiếp tục sử dụng, đồng thời trả tiền đất cho bên kia. Từ đó các bên sẽ tiếp tục hoàn tất thủ tục pháp lý. Chàng trai (con của người có đất) cũng thấy điều đó là hợp lý, chứ cứ khăng khăng đòi lại đất (thay vì nhận tiền) là làm đảo lộn cuộc sống của rất nhiều người.

Nguyên đơn và bị đơn không đi đến thống nhất nên tòa án công nhận nguồn gốc đất mà bị đơn đang sử dụng là của nguyên đơn cho ở nhờ, xử bên bị đơn được tiếp tục sử dụng, nhưng có nghĩa vụ thanh toán lại bằng tiền cho nguyên đơn. Không chấp nhận quyết định của bản án sơ thẩm, nguyên đơn kháng cáo. Cấp phúc thẩm triệu tập hai bên đến làm việc. Chàng trai và cô gái lại làm tài xế cho bố, mẹ. Họ vẫn đứng ngoài, vẫn chuyện trò thân thiện. Cô gái: “Tụi mình đứa nào cũng về thuyết phục cha mẹ, để cha mẹ đồng ý theo cách giải quyết đó. Cách của tụi mình là hay, bằng chứng là quan tòa cũng chọn giải quyết như vậy. Đáng tiếc, cha mẹ chưa “thông”. Nhưng đừng nản, tụi mình tiếp tục thuyết phục nhé”. Chàng trai: “Ừ, phải kiên nhẫn thuyết phục. Chứ kiện tụng cấp này rồi cấp khác, kéo dài mất thời gian, tốn kém tiền bạc, rồi sau này chẳng còn ai nhìn mặt ai nữa chứ...”.

Sau thời gian ngắn, kể từ ngày đến làm việc tại tòa phúc thẩm, nguyên đơn có đơn rút kháng cáo. Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm, bản án sơ thẩm có hiệu lực. Khi rút đơn, nguyên đơn không quên giãi bày: “Chúng tôi chấp nhận rút đơn vì “thua” cái kiểu rỉ rả thuyết phục của mấy đứa trẻ. Thôi thì, chưa thực sự thỏa mãn, nhưng được nhận lại giá trị thửa đất và quan trọng hơn là không muốn làm con cái thất vọng...”

Nếu mỗi người đều có thiện chí như những người trong câu chuyện này, thì chốn pháp đình sẽ “hạ nhiệt” rất nhiều và cuộc sống sẽ bớt đi được những bi kịch đau lòng từ những cuộc tranh chấp nảy lửa trong những vụ kiện về dân sự, hôn nhân gia đình...

Phạm Thùy Chi
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trả giá đắt vì giúp bạn trả thù

1 án tử hình, 1 chung thân và 9 bị cáo còn lại nhận mức án từ 2,5 - 14 năm tù là bản án nghiêm khắc dành cho 11 thanh niên trong vụ hỗn chiến kinh hoàng dưới chân đèo Hải Vân (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) làm 2 người chết, 3 người trọng thương.

Trả giá đắt vì giúp bạn trả thù
Mất tình ruột thịt

Bất kể vụ tranh chấp nào phải “mang đến” chốn pháp đình cũng phức tạp. Nhưng phức tạp và đau lòng nhất vẫn là những vụ án mà đương sự là người thân ruột thịt trong một gia đình.

Mất tình ruột thịt
Bi kịch do sử dụng ma túy

Học đến lớp 11 thì bỏ học nửa chừng vì bị chúng bạn lôi kéo sử dụng chất ma túy, Lê Ngọc Phú Thịnh (SN 1995, trú phường Kim Long, TP. Huế) trở thành kẻ sát nhân máu lạnh. Đau đớn hơn khi mà nạn nhân lại chính là bà nội của y.

Bi kịch do sử dụng ma túy
Lời cảnh tỉnh

Thiếu cẩn trọng khi tham gia giao thông, người thiệt mạng, người còn vị thành niên bị pháp luật xử lý.

Lời cảnh tỉnh
Vận chuyển gần 5kg ma túy, lãnh 2 án tử hình, 1 án chung thân

Theo đó, tuyên mức án tử hình đối với Phan Văn Bá (SN 1976) và Lê Kim Huân (SN 1990), cùng trú TP. Đà Nẵng; đồng thời tuyên án chung thân đối với Phạm Đăng Huy (SN 1981), trú tỉnh Bình Thuận, trong vụ vận chuyển 14 bánh heroin (gần 5kg) từ Hà Tĩnh vào phía nam, bị bắt giữ tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc.

Vận chuyển gần 5kg ma túy, lãnh 2 án tử hình, 1 án chung thân

TIN MỚI

Return to top