ClockChủ Nhật, 15/01/2023 07:52

Khi người trẻ tìm về những tình khúc xưa

TTH - Khi phần đông giới trẻ đang chạy đua theo những xu hướng âm nhạc hiện đại với những trào lưu, phong cách trẻ trung, sôi động thì đâu đó vẫn có số ít người trẻ khác lặng lẽ tìm về với những tình khúc, giai điệu xưa cũ. Mỗi dòng nhạc đều có cái hay riêng.

BoléroSôi động Ngày hội dân vũ “Vũ khúc tháng 5”Đêm nhạc “Bốn mùa thay lá” tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Nhiều người trẻ tự tin thể hiện những tình ca xưa với những bản phối mới lạ trước người nghe là thế hệ đi trước

“Câu từ đơn giản nhưng sâu sắc, thấm thía. Người hát cũng thấy bóng hình mình trong đó”. Nhiều người trẻ đam mê dòng nhạc xưa đã nói như thế khi ngược dòng thời gian quay trở về quá khứ để nghe, hát những giai điệu hoài cổ từng đi vào lòng bao thế hệ người Việt.

Trong khán phòng Nhà hát Bến Xuân một đêm cuối năm 2022, nhiều người nghe lớn tuổi bất ngờ khi bắt gặp nhiều người trẻ, ở tuổi con cháu mình hát nhạc Cung Tiến. Không những thể hiện một cách dạt dào cảm xúc, những người trẻ ấy đã còn làm mới với những bản phối theo cách riêng khiến người nghe lay động.

Khi người dẫn chương trình đêm nhạc và cũng là chủ nhân Nhà hát Bến Xuân - ông Trương Đình Ngộ giới thiệu ca sĩ trình diễn ca khúc “Thu vàng” - một trong những ca khúc làm nên tên tuổi Cung Tiến, nhiều người đã không khỏi ngỡ ngàng. Người hát không phải là ca sĩ lão luyện, tên tuổi mà đó chính là hai bạn trẻ, thuộc thế hệ hậu bối. Một trong giọng ca ấy là Đặng Gia Mộc Trâm, cô sinh viên Trường đại học Y Dược (Đại học Huế).

Đứng trước một khán phòng chật kín với những người nghe khó tính, nhưng giọng ca Mộc Trâm đã khiến mọi người như chìm vào một không gian xưa mộng và mùa thu như hiện ra trước mắt: “… Mùa thu vàng tới là mùa lá vàng rơi/ Và lá vàng rơi, khi tình thu vừa khơi/ Nhặt lá vàng rơi, xem màu lá còn tươi/ Nghe chừng đâu đây màu tê tái…”. Những tràng vỗ tay nối dài dành cho Mộc Trâm và bạn diễn khi những giai điệu ca khúc vừa kết thúc, nhiều người thầm thì ngợi khen.

Cô sinh viên có nụ cười hiền nói rằng, vẫn rất thích nhạc trẻ lẫn những tình khúc xưa. Với Trâm, mỗi thể loại sẽ có một cái đẹp riêng. Và cái đẹp của tình ca xưa cũ theo Mộc Trâm nằm ở phần lời bài hát nhiều hơn. Ca từ có gì đó ẩn dụ, khó tả, chứ không bộc lộ tâm tư rõ ràng như nhạc trẻ bây giờ.

“Dòng nhạc này đã đi vào mình từ thuở nhỏ một cách vô thức và nó luôn khiến mình cảm thấy gần gũi”, Mộc Trâm cho biết và kể thêm niềm đam mê này bắt nguồn từ những băng đĩa của Cung Tiến mà ba mẹ nghe thường xuyên hàng ngày.

Khi hát những giai điệu của người nhạc sĩ thiên tài này, cái khó với Trâm đó là làm sao để bộc lộ tâm tư, ý đồ của tác giả và từ đó tìm thấy được sự đồng điệu giữa bản thân và tác phẩm.

Muốn được như vậy, Mộc Trâm đã mất rất nhiều thời gian luyện tập. Nhờ thế mà cô nữ sinh trường Y bảo rằng, đã tìm được trong âm nhạc Cung Tiến sự sâu sắc trong lời ca, sự yêu đời, yêu người và yêu quê hương trong ý nghĩa mỗi bài hát và sự êm ái, du dương, lãng mạn trong giai điệu.

Không hát bài bản như Mộc Trâm, nhiều bạn trẻ khác tìm đến những giai điệu xưa cũ chỉ để nghe và thì thầm từng ca từ mà họ yêu thích. Nguyễn Huy, vừa tốt nghiệp đại học kể rằng, mỗi khi có thời gian thường tìm đến những quán cà phê quen thuộc, chuyên mở những giai điệu xưa để thưởng thức tách cà phê và đắm chìm trong những giai điệu đó.

Huy bảo đã nghe rất nhiều bản tình ca và thích nhất những sáng tác của hai nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và Phạm Đình Chương. Những ca khúc đi vào lòng người như: Tuổi 13, Em về mùa thu, Giọt nước mắt ngà, Niệm khúc cuối, Mắt biếc, Tình khúc buồn, Tình khúc tháng 6, Áo lụa Hà Đông, Nỗi đau muộn màng... (Ngô Thụy Miên) và Xóm đêm, Đêm cuối cùng, Mộng dưới hoa, Người đi qua đời tôi, Nửa hồn thương đau, Thuở ban đầu (Phạm Đình Chương) được Huy thuộc và thì thầm một cách nằm lòng.

“Mỗi người có một hơi thở âm nhạc khác nhau, nhưng mình vẫn thấy ở đâu đó thế hệ này có cái chất lãng đãng mang tâm sự buồn, ca từ không chỉ hay, đẹp mà còn rất thật. Tùy vào tâm trạng, niềm đam mê người nghe sẽ thấy thấp thoáng bóng mình đâu đó trong mỗi ca khúc”, chàng trai vừa bước qua tuổi 23 chiêm nghiệm.

Dòng chảy âm nhạc không ngừng chuyển động theo cuộc sống, xu hướng thời đại. Nhưng dòng chảy âm nhạc của những bản tình ca xưa cũ vẫn luôn ghi dấu, chạm đến trái tim người nghe, người trẻ hiện đại. Và ở đó người trẻ ít nhiều tìm thấy góc nhỏ của chính mình, đâu đó có sự thâm trầm, chậm rãi trước nhịp sống năng động.

Bài, ảnh: Nhật Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ

Là hoạt động thường niên, triển lãm mỹ thuật trẻ vừa là sân chơi, vừa là cơ hội để các họa sĩ tuổi đời dưới 45 của Thừa Thiên Huế bộc lộ tài năng, chứng tỏ hoạt động nghệ thuật của bản thân với giới chuyên môn và những người yêu “nghệ thuật của cái đẹp” Cố đô.

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ
Tạo sân chơi lành mạnh cho người trẻ

Các cấp bộ Đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) các cấp đã và đang phát triển các mô hình câu lạc bộ (CLB), tổ, đội, nhóm theo sở thích, nhu cầu của thanh niên, góp phần tạo sân chơi, môi trường học tập, rèn luyện lành mạnh, định hướng lối sống đẹp cho người trẻ

Tạo sân chơi lành mạnh cho người trẻ
Trách nhiệm của người trẻ với an toàn giao thông

Công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho thanh, thiếu niên được tuổi trẻ Thừa Thiên Huế triển khai với đa dạng hình thức, góp phần nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên và mỗi người dân về việc chấp hành pháp luật giao thông.

Trách nhiệm của người trẻ với an toàn giao thông
Trang bị kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho người trẻ

Công an TP. Huế đã tổ chức các buổi diễn tập, trải nghiệm, hướng dẫn về các kỹ thuật, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) cho các em học sinh, sinh viên ở một số trường học trên địa bàn. Đây là việc làm thiết thực, cần thiết khi mà nguy cơ cháy nổ diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây.

Trang bị kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho người trẻ
Mong người trẻ thêm hiểu & yêu giá trị nghệ thuật truyền thống

Cô giáo - Nghệ sĩ Quỳnh Nga vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh 1 trong 78 gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023. Vừa trở về từ Hà Nội, chị tâm sự: “Tôi rất xúc động và vui khi được vinh danh. Cảm thấy biết ơn nghề, gia đình và đồng nghiệp rất nhiều”.

Mong người trẻ thêm hiểu  yêu giá trị nghệ thuật truyền thống

TIN MỚI

Return to top