ClockThứ Bảy, 15/10/2016 13:45

Khi nhà trường “bắt tay” doanh nghiệp

TTH - Từ chỗ hợp tác mang tính chất giúp đỡ, doanh nghiệp đã xem nhà trường như một đối tác trong vấn đề đào tạo nhân lực cũng như đầu ra cho sinh viên…

Sinh viên Trường cao đẳng Nghề Du lịch Huế nâng cao kỹ năng nghề qua các chương trình thực hành

“Bắt tay”

Sau đợt thực tập ở Furama resort (Đà Nẵng), Phan Minh Nghĩa, sinh viên năm cuối ngành Quản trị nhà hàng - Trường cao đẳng Nghề Du lịch Huế được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc khi tốt nghiệp. Đây là kết quả từ chương trình hợp tác giữa Trường cao đẳng Nghề Du lịch Huế và Furama resort. Nghĩa chia sẻ: “Khi thực tập ở Furama resort, em được làm việc như một nhân viên chính thức. Những va chạm thực tế đã giúp em nâng cao kỹ năng nghề, khả năng giao tiếp tiếng Anh, cách thức tổ chức và phục vụ những bữa tiệc lớn…”.

Bùi Thanh, sinh viên năm 3 lớp trung cấp, Khoa Chế biến món ăn của trường cũng trưởng thành hơn sau đợt thực tập ở một khách sạn 5 sao. Bùi Thanh kể: “Doanh nghiệp tạo điều kiện giúp cho em và các bạn hiểu về môi trường làm việc, cách phân bổ công việc, cách chế biến những món ăn đặc sản của khách sạn và nhiều nước trên thế giới… Những kiến thức được học ở nhà trường có điều kiện được áp dụng vào thực tiễn nhờ những đợt thực tập như thế này”. 

Theo ông Phạm Bá Hùng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường cao đẳng Nghề Du lịch Huế, những khoảng cách giữa đào tạo và tuyển dụng là yêu cầu bức thiết khiến nhiều năm nay, nhà trường luôn chú trọng việc xây dựng mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp để nắm bắt chính xác nhu cầu từng loại lao động, từ đó có kế hoạch đào tạo phù hợp. Nhà trường đã tổ chức đưa sinh viên đi thực tập ở 69 doanh nghiệp lớn và uy tín, từ Hà Nội đến Phú Quốc. Đưa sinh viên đi xa tuy vất vả nhưng có thể mở rộng thị trường lao động, cơ hội việc làm cho các em sau khi ra trường.

Doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng sinh viên Trường cao đẳng Nghề Du lịch Huế ngay sau lễ tốt nghiệp

InterContinental là khách sạn 6 sao tại Đà Nẵng với những tiêu chuẩn tuyển dụng khắt khe nhưng đánh giá rất cao khả năng tay nghề của sinh viên Trường cao đẳng Nghề Du lịch Huế trong quá trình thực tập tại đây. Năm ngoái, đích thân Giám đốc khách sạn đã ra Huế gặp Hiệu trưởng nhà trường đặt vấn đề nhận sinh viên thực tập ở khách sạn vào làm việc. Ông Hùng chia sẻ: “Đạt được kết quả trên là một quá trình nỗ lực của nhà trường. Từ chỗ doanh nghiệp hợp tác mang tính chất giúp đỡ, họ đã xem trường như một đối tác. Các doanh nghiệp quan tâm hơn đến sinh viên thực tập qua việc hỗ trợ thêm chi phí, bố trí nơi ăn ở cho các em”.

Thời gian thực tập không theo chương trình định kỳ mà nhà trường bố trí theo nhu cầu của doanh nghiệp, hầu như quanh năm, cứ nhóm này về thì có nhóm khác tới giúp doanh nghiệp có thêm lực lượng lao động. Do đặc trưng của ngành du lịch, sinh viên và nhà trường hầu như không có hè, không có Tết, bởi đây là mùa cao điểm của du lịch và doanh nghiệp rất cần sinh viên hỗ trợ. Ở chiều ngược lại, đây cũng là cơ hội để sinh viên cọ xát, có thêm kinh nghiệm thực tế, rèn luyện kỹ năng nghề. 

Rút ngắn khoảng cách

Sinh viên thiếu kinh nghiệm thực tế, kỹ năng, ngoại ngữ đang diễn ra ở nhiều cơ sở đào tạo. Thừa Thiên Huế hiện có 7 cơ sở đào tạo về du lịch, mỗi năm có khoảng 2.000 sinh viên các hệ trung cấp, cao đẳng, đại học ra trường nhưng nhiều em thất nghiệp. Nghịch lý là các đơn vị du lịch lại thiếu nguồn nhân lực.

Thực tiễn cho thấy, còn có khoảng cách khá lớn giữa yêu cầu của doanh nghiệp và khả năng đáp ứng của các cơ sở đào tạo về chất lượng đầu ra. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là có sự tách rời giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp. Đào tạo chưa gắn với sử dụng (cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng). Do vậy, đã và đang xảy ra tình trạng cơ sở đào tạo không nắm bắt kịp những đòi hỏi, yêu cầu của doanh nghiệp về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch để xây dựng kế hoạch đào tạo theo từng ngành nghề phù hợp với nhu cầu. 

Để giải quyết vấn đề này, Sở Du lịch phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế ILO đứng ra làm cầu nối tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp ngành du lịch và các cơ sở đào tạo. Các cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành du lịch, gồm: Trường đại học Ngoại ngữ, Khoa Du lịch – Đại học Huế, Trường cao đẳng nghề Du lịch Huế đã ký kết hợp tác với Hiệp hội Du lịch và 15 doanh nghiệp lữ hành, khách sạn trên địa bàn tỉnh về hoạt động đào tạo và tuyển dụng. Ông Ngô Quang Vịnh, điều phối viên của ILO cho rằng: “Nếu doanh nghiệp và nhà trường kết nối với nhau thì việc đào tạo của nhà trường sẽ theo nhu cầu của doanh nghiệp, tránh lãng phí, chất lượng đào tạo cũng được nâng cao hơn khi các doanh nghiệp hỗ trợ cho sinh viên trong quá trình thực tập. Đồng thời, doanh nghiệp có thể cùng với nhà trường đưa ra những tiêu chuẩn về kỹ năng nghề”.

Việc hợp tác đào tạo đã được đề cập rất nhiều lần, vấn đề đặt ra là hiệu quả của nó ra sao. Vì vậy, cần có sự giám sát, tổ chức đánh giá định kỳ để rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế trong quá trình hợp tác. Các cơ sở đào tạo cũng cần tổ chức những buổi trao đổi và đánh giá cuối đợt thực tập của sinh viên, từ đó điều chỉnh và cải thiện quá trình đào tạo. Cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cũng cần trao đổi nội dung cụ thể về việc tổ chức thực tập để sinh viên học được nghề từ thực tiễn, cũng như theo dõi chặt chẽ việc doanh nghiệp triển khai thực tập cho sinh viên ra sao, tính hiệu quả trong quá trình thực tập của sinh viên.

Khi xây dựng chương trình, giáo trình, Trường cao đẳng Nghề Du lịch Huế đều mời đại diện doanh nghiệp cùng tham gia để đánh giá, phản biện, góp ý. Khi tổ chức lễ tốt nghiệp, trường bố trí khu vực cho các doanh nghiệp phỏng vấn, tuyển dụng.

Để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, trước hết, mỗi một cơ sở đào tạo cần chủ động và năng động trong việc “lôi kéo” các doanh nghiệp tham gia vào các khâu của quá trình đào tạo. Mặt khác, các cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu ban hành một số quy định cụ thể quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với sự nghiệp đào tạo, đồng thời có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác hỗ trợ các cơ sở đào tạo.

Vấn đề tuyển dụng nhân viên theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp từ khi các em đang còn ngồi trên ghế nhà trường là điều nhiều doanh nghiệp quan tâm. Ông Nguyễn Hàng Quý, Giám đốc Công ty du lịch HG Huế đề xuất: “Khi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, họ có thể đặt vấn đề với nhà trường lựa chọn những sinh viên có khả năng. Trong quá trình thực tập, doanh nghiệp có thể hướng cho sinh viên nâng cao kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng theo yêu cầu để khi tốt nghiệp, các em có thể đáp ứng công việc ngay”.

Ký kết hợp tác đào tạo chỉ là bước khởi đầu. Để việc ký kết không chỉ là hình thức, cần có những hành động cụ thể triển khai nội dung đã ký kết. Trong đó, việc gắn kết, trao đổi thông tin chặt chẽ, thống nhất chương trình hợp tác chi tiết giữa nhà trường và doanh nghiệp là điều cần được tính đến.

Bài, ảnh: Nguyệt Tú

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung
Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu

Sáng 17/4, đoàn khảo sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chủ trì có buổi khảo sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XVI) với Đảng ủy, Ban Giám hiệu và cán bộ chủ chốt Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế.

Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu
Đề nghị thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường.

Đề nghị thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng
“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp

Nhờ các chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nên nhiều người lao động (NLĐ) đã vượt qua khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định, góp phần ổn định thị trường lao động cũng như đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp
Return to top