ClockThứ Sáu, 22/11/2019 14:47

Khi rừng có chủ

TTH - Trước tiên, đáng mừng là người dân đã thấy được giá trị của đất lâm nghiệp và khai thác sử dụng hiệu quả nên nhu cầu về đất lâm nghiệp ngày càng cao.

Trồng rừng ngập mặn thích ứng với biến đổi khí hậu

Đất đai cần được giao cho chủ thể trực tiếp quản lý, sử dụng có hiệu quả là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân phúc tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp vừa diễn ra ngày 18/11.

Đất đai luôn là vấn đề quan trọng, nhạy cảm, phức tạp và ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của từng địa phương và quốc gia. Nhưng chưa bao giờ chuyện đất lâm nghiệp lại “nóng” như hiện nay. Điều này có tính hai mặt.

Trước tiên, đáng mừng là người dân đã thấy được giá trị của đất lâm nghiệp và khai thác sử dụng hiệu quả nên nhu cầu về đất lâm nghiệp ngày càng cao.

Còn nhớ giai đoạn từ sau 1975 đến năm 1986, đồi núi hoang hóa trơ trụi. Khi đó, mặc dù Nhà nước triển khai các chương trình trồng rừng có hỗ trợ cho người dân, nhưng chẳng ai mặn mà. Để đạt chỉ tiêu, các địa phương phải vận động đội ngũ cán bộ gương mẫu trồng rừng. Học sinh phổ thông cũng được huy động tham gia trồng rừng. Sự chẳng “mặn mà” này là do hiệu quả trồng thấp, cây chết nhiều hơn cây sống. Mãi sau này, khi đầu ra sản phẩm rừng trồng được giải quyết, nhất là từ khi giống keo chất lượng cao được đưa vào sản xuất, đem lại thu nhập cả trăm triệu đồng/ha/chu kỳ trồng thì đất rừng lên “cơn sốt”.

Ở chiều ngược lại, rõ ràng có những bất cập trong quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp. Đó là tình trạng các nông, lâm trường quản lý diện tích đất rừng lớn nhưng sử dụng không hiệu quả, trong khi người dân thiếu đất sản xuất; việc xâm lấn rừng, đất rừng diễn ra phức tạp ở nhiều nơi; việc quản lý giữa hồ sơ và thực địa có nhiều bất cập…

Theo số liệu tại hội nghị sơ kết trên, đến nay, cả nước còn gần 260 công ty nông, lâm nghiệp, quản lý gần 1,86 triệu ha, chiếm 10% đất nông nghiệp cả nước. Con số này đã giảm rất nhiều so với con số trên 650 nông, lâm trường, ban quản lý rừng, vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên được Nhà nước giao quản lý, sử dụng gần 8 triệu ha vào năm 2012.

Với Thừa Thiên Huế, từ năm 2004, HĐND tỉnh đã có nghị quyết về việc sắp xếp, đổi mới lâm trường quốc doanh. Đến nay, việc sắp xếp lại các lâm trường quốc doanh cơ bản hoàn thành và đã chuyển giao một số diện tích cho các địa phương quản lý, giao lại cho người dân sản xuất.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có trên 502 nghìn ha rừng tự nhiên, độ che phủ rừng là 56,3% (kết quả kiểm kê năm 2016) với trên 348 nghìn ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, diện tích có rừng là trên 283 nghìn ha (rừng tự nhiên trên 210 nghìn ha, rừng trồng trên 55 nghìn ha)...

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, trong đó có lịch sử để lại nên việc quản lý rừng, đất lâm nghiệp còn một số bất cập. Đó là tình trạng chồng lấn, tranh chấp đất rừng đang diễn ra tại các địa phương. Một số lâm trường, ban quản lý rừng chưa làm tốt công tác quản lý dẫn đến tình trạng lấn chiếm rừng, đất rừng kéo dài tại một số chủ rừng. Việc xử lý các đối tượng có hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, mua bán, sang nhượng đất rừng trái phép cũng như trách nhiệm của các chủ rừng chưa nghiêm dẫn đến “lờn thuốc”. Hệ quả là rừng bị tàn phá, đất rừng bị mất...

Để nâng cao hiệu quả quản lý rừng và sử dụng đất lâm nghiệp, việc đầu tiên là cần hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia định và cộng đồng. Đồng thời, tiếp tục rà soát lại diện tích rừng để tạo quỹ đất bàn giao cho người dân trồng, chăm sóc, hưởng lợi để tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Chỉ khi rừng có chủ, đất rừng được khai thác, sử dụng hợp lý thì mới phát huy được tiềm năng đất đai, khơi dậy được nguồn lực trong dân, góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống

Ngày 17/4, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Đất đai năm 2024 đến cán bộ các sở ban, ngành, tổ chức, đơn vị phòng chuyên môn thuộc tỉnh, thành phố, huyện, thị xã. Đến dự và chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Đưa những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống
Nỗi niềm người dân làm du lịch

Dịch vụ du lịch xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên Huế khi tạo ra công ăn việc làm cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Tuy nhiên, chúng ta cần phát triển đúng định hướng phát triển của tỉnh và xu hướng du lịch thế giới là chuyên nghiệp hóa hoạt động dịch vụ, thỏa mãn nhu cầu khách du lịch.

Nỗi niềm người dân làm du lịch
Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

Các nước trên toàn thế giới đã dành 2 năm qua để soạn thảo một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nhưng hiện vẫn còn khá xa để đạt được đồng thuận về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh.

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống
Return to top