ClockThứ Hai, 09/04/2018 10:15

Khi sinh viên lười tự học

TTH - Hình thức đào tạo tín chỉ đặt người học ở vị trí trung tâm, đòi hỏi phải tự học, tự nghiên cứu lớn, song hiện nay chuyện sinh viên lười tự học đang trở thành vấn đề đáng lo.

Vừa phòng chống lũ, vừa lo chuyện học bùHọc sinh nhiều trường vùng trũng sẽ nghỉ học hết tuầnMiễn học phí đến cấp THCS sẽ hạn chế học sinh bỏ học vì khó khăn

Có điều kiện tốt vẫn lười học

Có mặt tại phòng tự học khu ký túc xá Trường Bia và nhiều thư viện các trường đại học (ĐH) tại Huế, tôi thấy lượng sinh viên đến học, nghiên cứu tài liệu rất ít. Tại phòng tư liệu một số khoa (thuộc các trường ĐH), có ngày còn không có sinh viên đến tìm hiểu. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, cán bộ phụ trách ở thư viện Khoa Du lịch – ĐH Huế chia sẻ, năm 2017, số lượt bạn đọc đến thư viện là 1.747 lượt. So với tổng số sinh viên của khoa (khoảng 2.000 sinh viên), con số này cho thấy có sinh viên cả năm học không đến thư viện. “Sinh viên chủ yếu lên thư viện giai đoạn đầu năm để đăng ký mượn, mua giáo trình và giai đoạn làm khóa luận, thời gian còn lại là không nhiều”, bà Ngọc nói.

Thư viện Khoa Du lịch - ĐH Huế giai đoạn đầu tháng 4 thu hút chủ yếu là sinh viên đến nghiên cứu làm khóa luận

Từ năm 2008, các đơn vị giáo dục ĐH chuyển sang hình thức đào tạo tín chỉ. Hình thức này lấy người học làm trung tâm trong quá trình dạy và học, phát huy tính chủ động, sáng tạo của sinh viên; giảng viên đứng lớp với vai trò định hướng. Đáng nói là, so với giai đoạn trước, điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện để sinh viên tự học tốt hơn nhiều.

Theo TS. Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc ĐH Huế, hiện nay các đơn vị giáo dục thành viên đều có đầy đủ cơ sở vật chất để sinh viên tự học. Các thư viện trong trường học được đầu tư, có nơi còn mở thêm cả ngày thứ bảy để phục vụ người học. Khu ký túc xá bố trí phòng tự học, có wifi cho sinh viên truy cập mạng. Ngay cả các khu trọ, việc lắp đặt hệ thống mạng cũng rất tốt để phục vụ việc học của sinh viên. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ sinh viên vẫn lười tự học.

Nhiều sinh viên thừa nhận, việc học ở giảng đường ĐH “nhàn” hơn giai đoạn học phổ thông, không có hoạt động kiểm tra bài cũ và ít bị nhà trường, giảng viên quản lý nên dễ nảy sinh “bệnh lười”. Nguyễn Thị Ngân Trâm, sinh viên thuộc một đơn vị giáo dục ĐH thành viên ĐH Huế thú thật: “Đến giai đoạn thi em mới ôn lại kiến thức và đọc qua giáo trình, còn những tài liệu tham khảo thầy định hướng thêm em ít đọc. Đề thi chỉ ra ở phần kiến thức được học, trong khi em bận làm thêm nhiều nên chỉ học những kiến thức cần thiết để thi”.

Nhiều sinh viên khác chia sẻ, sinh viên ĐH sống xa nhà, thiếu sự nhắc nhở của gia đình và muốn “xả hơi” sau 12 năm học căng thẳng trong khi phương tiện giải trí hiện nay hấp dẫn nên quỹ thời gian hằng ngày được dành để lướt web, mạng xã hội, xem phim và ngủ rất nhiều. Môi trường bạn bè lôi kéo cà phê, nhậu, đi chơi cũng là nguyên nhân tạo ra thói quen lười tự học.

Ông Tùng cho rằng, ngoài ý thức tự học của sinh viên kém, một phần nguyên nhân cũng đến từ phía người dạy. Việc thay đổi phương pháp giảng dạy của một bộ phận giảng viên chưa hiệu quả, vẫn còn hình thức đọc chép; thiếu hoạt động tương tác với người học, kích thích sinh viên tìm hiểu thêm kiến thức. Việc ra đề thi, kiểm tra của một số giảng viên còn giới hạn kiến thức trong phạm vi giáo trình, tính mở chưa nhiều nên vô tình tạo ra “sự thoải mái” cho người học.

Theo ông Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế, hình thức học tín chỉ là sinh viên được tự chọn người thầy nên tâm lý một số giảng viên không muốn “làm khó” người học. Ngoài ra, không có cơ chế để thúc đẩy giảng viên quản lý giờ tự học của sinh viên do giảng viên chỉ được trả lương giờ dạy trên lớp.

Nhiều giải pháp

TS. Trương Quý Tùng cho rằng, các đơn vị đào tạo cần áp dụng nhiều giải pháp, trong đó cần quản lý chặt chẽ giờ giảng của giảng viên, lấy ý kiến sinh viên về phương pháp giảng dạy của người thầy để có điều chỉnh hợp lý, nhất là làm sao để tăng tính hứng thú trong giờ học và phát huy vai trò của sinh viên trong các tiết học. Nên xây dựng hệ thống hỗ trợ thông tin tự học, tăng cường công nghệ thông tin để tăng tính tương tác giữa người dạy và người học kể cả trên lớp và ngoài giờ dạy. Chẳng hạn, có thể trao đổi kiến thức qua mạng xã hội, tạo ra diễn đàn học tập trên mạng có sự tham gia của giảng viên để nhiều sinh viên cùng học và được giải đáp nhiều thắc mắc, vấn đề khó hiểu khi tự học.

Đối với giảng viên, trong giảng dạy và kiểm tra nên đẩy mạnh tính thực tế, mở rộng vấn đề, phạm vi kiến thức vượt ra ngoài khuôn khổ một giáo trình chính, tăng tính tương tác trực tiếp trên lớp và tạo ra những bài kiểm tra có tính mở để kích thích sự tìm tòi, tự học của sinh viên. Ông Tiến cho rằng, trong quá trình xây dựng chương trình, cần làm đề cương chi tiết, cụ thể những phần dạy trên lớp, phần tự học. Khi kiểm tra cần đưa tỷ lệ phần kiến thức tự học vào đề thi, kiểm tra nhiều hơn.

Theo một số cán bộ ở các cơ sở giáo dục, lâu dài cần chú trọng bồi dưỡng phương pháp dạy học theo tín chỉ hiệu quả cho giảng viên, đồng thời nghiên cứu nguồn kinh phí để giảng viên tham gia hướng dẫn, hỗ trợ sinh viên tự học. Ngoài ra cần tạo ra tính liên kết giữa bộ phận giảng viên và thư viện để thu hút người học tiếp cận kiến thức, tài liệu.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Return to top