ClockThứ Bảy, 23/04/2016 11:40

Khi thí sinh không mặn mà với ĐH, CĐ

Xu hướng ưa thích học nghề lâu dài sẽ có tác động trở lại đối với quá trình dạy và học đó là học thật, thi thật và học để làm việc tốt hơn.

Kết quả khảo sát tại các tỉnh, thành phố về học sinh đăng ký thi THPT Quốc gia năm nay cho thấy, số thí sinh đăng ký thi với mục đích xét tốt nghiệp ở các địa phương đều tăng hơn so với năm 2015. Cụ thể, tỉnh Bắc Giang có khoảng 55% thí sinh đăng ký thi THPT Quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp THPT, tăng hơn 5% so với năm ngoái; tỉnh Hà Giang có khoảng 4.900 thí sinh, chiếm tỷ lệ trên 73% tổng số học sinh toàn tỉnh, tăng hơn 10% so với năm 2015.

Tỷ lệ này ở tỉnh Bắc Kạn là gần 50%, tỉnh Lai Châu là trên 64%, Nghệ An là 38%, Ninh Bình trên 37%. Phần lớn các học sinh chọn thi THPT Quốc gia để xét tốt nghiệp đều lựa chọn học nghề sau khi tốt nghiệp, trong đó tập trung vào các ngành theo nhu cầu thị trường lao động của địa phương.

 Đại học không phải là lựa chọn duy nhất

Theo các chuyên gia, hiện tượng nhiều thí sinh lựa chọn đăng ký dự thi THPT Quốc gia để xét tốt nghiệp có rất nhiều nguyên nhân như: học lực, điều kiện gia đình của thí sinh, thí sinh đã có định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn, công tác hướng nghiệp ở trường THPT được tăng cường...

Qua phân tích số liệu thí sinh dự kiến đăng ký dự thi THPT Quốc gia năm 2016 của một số địa phương cho thấy, hầu hết thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp đều ở khối giáo dục thường xuyên, trường ở vùng điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, trường có điểm đầu vào thấp. Do vậy, các trường này đều chú trọng đến việc hướng nghiệp cho học sinh.

Từ thực tế ngày càng có nhiều học sinh chọn thi THPT Quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp cũng cho thấy, quan niệm của học sinh và phụ huynh về chọn ngành, chọn nghề đã có nhiều thay đổi. Học đại không không còn là lựa chọn đầu tiên sau khi tốt nghiệp THPT như trước đây, mà học sinh đã có sự tính toán kỹ lưỡng về việc học nghề gì để có việc làm, chọn học bậc nào cho phù hợp với năng lực và sở thích thay vì học chạy theo bằng cấp tràn lan như trước đây. Xu hướng này về lâu dài sẽ có tác động trở lại đối với quá trình dạy và học ở bậc phổ thông đó là học thật, thi thật và học để làm việc tốt hơn.

Ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng cho rằng, trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm thì việc các em chuyển hướng sang học nghề để tham gia vào thị trường lao động là lựa chọn đúng đắn và hợp lý. Đại học chưa phải là lựa chọn duy nhất, phù hợp nhất đối với tất cả thí sinh. Thực tế không ít thí sinh do lựa chọn nghề nghiệp, lựa chọn và con đường đại học không phù hợp, do đó quá trình đào tạo rất lâu năm, rất tốn kém, có bằng rồi nhưng thực tế là không có việc làm. Đấy là điều thí sinh cần phải cân nhắc.

Ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) cũng nhận định, xu hướng học sinh chuyển dần từ học đại học, cao đẳng sang học nghề là dấu hiệu tích cực bởi sẽ góp phần tạo ra sự cân đối trong thị trường lao động. Xu hướng này cũng sẽ giúp thị trường có thêm nhiều lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp, giảm dần tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” hiện nay.

“Tôi cho rằng đây là một tín hiệu vô cùng vui, trước hết thuộc về nhận thức của các em thí sinh, của các bậc phụ huynh và đặc biệt là tác dụng của công tác truyền thông đối với mọi người. Thị trường lao động đặt ra nhiều thang nấc khác nhau, trong đó tỷ lệ lao động làm việc trực tiếp thông qua các trình độ nghề khác nhau vẫn là tỷ lệ số đông.

Con đường học nghề gắn với giải quyết việc làm cơ bản đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và tạo ra cân đối của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả sử dụng lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” – ông Sâm nói.

Chưa hẳn đã là tín hiệu vui?

Với mỗi học sinh, việc lựa chọn thi chỉ để xét tốt nghiệp sẽ có tâm lý nhẹ nhàng hơn, số môn ôn tập và thi cũng ít hơn trong khi các em vẫn có cơ hội xét tuyển đại học, cao đẳng tại những trường tuyển sinh bằng phương thức xét học bạ.

Tuy vậy, ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội phân tích, ngoài những lý do tích cực như vừa nêu, thì cũng có một bộ phận học sinh lựa chọn thi THPT chỉ để xét tốt nghiệp như một cách để đối phó.

“Hiện tượng này có thể có nhiều tâm lý khác nhau để đi đến. Thí dụ do không có nhu cầu học đại học, nghĩ rằng học đại học xong thì thất nghiệp; nhưng cũng có suy nghĩ khác, là cụm thi địa phương bao giờ cũng chắc chắn dễ dàng hơn, mà sau này kết quả vẫn sử dụng để vào đại học được thì thi ở cụm ấy. Có nhiều cháu vô trách nhiệm với việc học hành nên tìm con đường nào dễ nhất để làm, chứ chưa chắc là yếu tố tích cực, yếu tố hướng nghiệp, phân luồng” - ông Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Có thể thấy, dù với lý do nào thì việc ngày càng có nhiều học sinh chọn thi THPT Quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp THPT cũng là tín hiệu đáng mừng vì đây là kết quả của sự thay đổi trong nhận thức của chính học sinh và phụ huynh. Xu hướng lựa chọn nghề nghiệp này, về lâu dài, cũng sẽ góp phần làm thay đổi nhận thức của xã hội, từ trọng bằng cấp sang thực học, thực nghiệp.

Với những trường hợp học sinh lựa chọn thi THPT để xét tốt nghiệp như một giải pháp để đối phó cũng là vấn đề đặt ra cho Bộ Giáo dục và Đào tạo để nghiên cứu, điều chỉnh Quy chế thi THPT Quốc gia, Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hợp lý hơn trong những năm tới.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh

Điểm nổi bật trong tuyển sinh năm 2024 của Đại học Huế là các trường thành viên, khoa trực thuộc mở rộng sử dụng phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả đánh giá năng lực (ĐGNL), do Đại học Huế phối hợp với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại Thừa Thiên Huế.

Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh
Gần 93% thí sinh đăng ký xét tuyển đã trúng tuyển đại học đợt 1

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã có hơn 610.000 thí sinh đã trúng tuyển trong đợt 1 xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Con số này chiếm tỷ lệ gần 93% thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng năm 2023.

Gần 93 thí sinh đăng ký xét tuyển đã trúng tuyển đại học đợt 1
Return to top