ClockThứ Sáu, 03/10/2014 08:54

Khó cả đôi bề

TTH - Hơn một năm kể từ khi Thông tư 55/2012/TT-BGDĐT quy định về đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học có hiệu lực vào ngày 7-2-2013, chúng tôi đã tìm đến nhiều sinh viên đã ra trường để tìm hiểu và lắng nghe những chia sẻ của họ.

Nhiều sinh viên cao đẳng sắp tốt nghiệp lo ngại về tương lai sau khi ra trường

Liên thông khó khăn

Trao đổi với một số bạn sinh viên đang học liên thông, chúng tôi được biết để tiếp tục việc học, quá trình ôn luyện của họ cũng khá vất vả. Họ phải dành thời gian cả năm trời, có người trầy trật, rớt lên rớt xuống mới tiếp tục 2 năm học để nâng tấm bằng của mình lên “tầm cao mới”.
Theo quy định mới về đào tạo liên thông, người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng sau thời hạn 36 tháng kể từ khi được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi liên thông phải dự thi 3 môn: môn cơ bản, môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành (hoặc thực hành nghề). Với những sinh viên ra trường chưa đủ 36 tháng sẽ phải dự thi các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành đăng ký. Trước quy định này, nhiều sinh viên mới ra trường cho rằng điều kiện dự thi quá ngặt nghèo. Bạn Đặng Thị Bảy, tốt nghiệp ngành Sư phạm Tiếng Anh trường CĐSP Huế bày tỏ: “Coi như phải học lại từ đầu những môn thi đại học. Mà học ba năm ở trường cao đẳng thì quên sạch trơn kiến thức phổ thông, rất khó để ôn thi”.
Đại học còn... chẳng ăn ai
Hầu hết những sinh viên ra trường nhận tấm bằng cao đẳng đều rất khó xin được việc. “Đi đâu người ta cũng đòi bằng đại học cả, bằng cao đẳng họ lắc đầu”, Nguyễn Thị Thảo, một cựu sinh viên học cao đẳng tâm sự.
Ngoài những công ty, doanh nghiệp tư nhân từ chối tấm bằng tốt nghiệp cao đẳng, các công việc trong thi tuyển công chức, viên chức cũng xếp sinh viên cao đẳng đứng đằng sau thứ tự ưu tiên. Bạn Nguyễn Thị Diễm Hằng, quê ở huyện Đ chia sẻ: “Khi nghe Phòng Giáo dục và Phòng Nội vụ huyện có tuyển chỉ tiêu về giáo viên Anh văn (ngành mình tốt nghiệp), mình có nộp hồ sơ, tham gia phỏng vấn với kết quả tổng điểm, bao gồm cả điểm phỏng vấn của mình cao nhất danh sách ứng viên, vậy mà họ xếp mình trượt với lý do ưu tiên đại học trước khiến mình rất bức xúc, thà là họ loại mình ngay từ đầu không cho mình phỏng vấn khỏi mất thời gian”.
Nhiều ý kiến bày tỏ, tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi ở cao đẳng cũng không đọ nổi với tấm bằng đại học tốt nghiệp loại trung bình, vì có cơ quan tuyển dụng ngay từ đầu đã nói không với bằng cao đẳng, không cho họ cơ hội để thể hiện năng lực. Liên thông khó khăn, nhiều sinh viên ra trường buộc phải tạm cất tấm bằng tốt nghiệp để ở nhà làm nông, buôn bán phụ cha mẹ hoặc vào miền Nam làm trái nghề, có khi là công nhân, lao động chân tay. Một số sinh viên sư phạm có thể dạy thêm xin dạy ở các trung tâm với mức lương khá khiêm tốn, không đủ để tự trang trải cuộc sống.
Lớp sinh viên sắp trường cũng tỏ ra lo ngại về vấn đề này. Theo họ, liên thông để học tiếp là chuyện không hề đơn giản, còn cầm tấm bằng vừa học xong đi nộp hồ sơ thì quá “chua”. “Học xong ra trường đã tốn kém không biết bao nhiêu thứ, lại đứng trong tình cảnh như thế, dễ nản lắm” là tâm sự của Đoàn Thị Oanh, sinh viên sắp tốt nghiệp Trường cao đẳng Y tế Huế.
Lê Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương Thủy: Thêm môi trường trải nghiệm cho học sinh tiểu học

Sáng 13/4, Phòng Giáo dục & Đào tạo TX. Hương Thủy tổ chức giao lưu Olympic các môn học và “Rung chuông vàng” cấp tiểu học năm học 2023-2024, thu hút 231 học sinh xuất sắc đại diện cho học sinh 16 trường TH, TH&THCS trên địa bàn thị xã tham dự.

Hương Thủy Thêm môi trường trải nghiệm cho học sinh tiểu học
Return to top