ClockThứ Sáu, 13/05/2016 14:11

Khó cai nghiện tại cộng đồng

TTH - Thiếu cơ sở vật chất, thiếu cán bộ y tế có chuyên môn, thiếu thuốc chữa bệnh, thiếu sự nhiệt tâm của các tổ chức xã hội... đang là những rào cản đối với người cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Hầu như tình trạng cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng không có hiệu quả, đa phần tái nghiện.

Đoàn viên thanh niên tuyên truyền về phòng chống ma túy tại cộng đồng 

Tuyên truyền chưa thấu đáo

Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, toàn tỉnh hiện có 473 người nghiện các chất dạng thuốc phiện (bồ đà, heroin, hàng đá, thuốc lắc), trong đó có khoảng 60% người nghiện chích ma túy, tập trung chủ yếu ở thành phố Huế. Mặc dù tỷ lệ người nhiễm HIV trong nhóm người tiêm chích ma túy không nhiều, nhưng đối với nhóm đối tượng nghiện ma túy có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS rất cao.

Hiện nay, số xã, phường, thị trấn thành lập tổ công tác cai nghiện ma túy là 41/65 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy. Với mô hình này, người nghiện ma túy vẫn ở trong cộng đồng, được hỗ trợ cai nghiện. Tuy nhiên trên thực tế, cai nghiện ma túy tại gia đình hay cộng đồng đều không hiệu quả. Bởi lẽ, người nghiện vẫn được sinh sống tại chỗ, có thể gặp gỡ, tiếp xúc với bạn bè xấu, dễ dàng tiếp cận với nguồn ma túy cung ứng nên họ rất khó từ bỏ ma túy. Hơn nữa, họ đã mắc bệnh ở não bộ, cần phải có nghị lực rất lớn với thời gian rất dài để có thể từ bỏ. Do đó, nếu chỉ đơn thuần dựa vào sự chăm sóc, động viên ở tại gia đình và cộng đồng thì khó có thể người bệnh từ bỏ được ma túy.

Khó  khăn trong cai nghiện cộng đồng chủ yếu là công tác tuyên truyền. Thậm chí, nhiều thân nhân người nghiện và chính người nghiện vẫn còn nghĩ đi đăng ký tình trạng nghiện sẽ bị bắt đưa đi cai nghiện tập trung. Cũng vì công tác tuyên truyền chưa thấu đáo nên sự phân biệt, kỳ thị của xã hội, cộng đồng vẫn còn nặng nề, khiến những người nghiện “ngại” đăng ký tình trạng của mình dẫn đến công tác quản lý tại địa phương cũng gặp khó khăn. Mặc dù nghị định về cai nghiện ma túy tại cộng đồng và gia đình đã được triển khai nhiều năm, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có một đối tượng nào tự nguyện đến đăng ký tình trạng nghiện tại các cơ quan quản lý. Nếu có đăng ký, họ cũng chỉ đăng ký tại những cơ sở tư nhân hoặc nơi nào đó mà họ không phải khai báo thông tin cụ thể, chi tiết nhằm tránh sự kỳ thị của cộng đồng.

Anh Phan Cảnh Tú, Phó Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết: “Khó khăn hiện nay là đội ngũ công chức chuyên trách đang còn thiếu về số lượng cũng như có trình độ chuyên môn sâu về cai nghiện ma túy. Các ban, ngành đoàn thể tại địa phương lại phối hợp chưa đồng bộ trong công tác cai nghiện cũng như lồng ghép các chương trình dạy nghề, xóa đói giảm nghèo tạo việc làm… để các đối tượng sau khi cai nghiện hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, đối tượng cai nghiện tại gia đình và cộng đồng nhưng có đến 100% đối tượng lại tái nghiện.

Thiếu cơ sở về y tế

Theo quy định cai nghiện tại cộng đồng nhất thiết phải có khu vực y tế riêng cho cai nghiện, cách ly riêng và tối thiểu phải có 3 phòng (phòng khám, phòng lưu bệnh nhân và phòng thường trực của cán bộ y tế); có ít nhất là 4 cán bộ y tế và các trang thiết hỗ trợ người cai nghiện. Tuy nhiên, hầu như các cơ sở y tế đều khó đáp ứng tiêu chí này vì thiếu kinh phí, quỹ đất và đội ngũ cán bộ. Cơ sở vật chất về y tế như giường bệnh, thuốc trị bệnh, đội ngũ y, bác sĩ lại quá thiếu. Trong đó, hoạt động cai nghiện ở nhiều xã, phường, thị trấn chủ yếu dừng lại ở khâu tuyên truyền, vận động chứ chưa tập trung rà soát, đánh giá nhu cầu, lập kế hoạch cai nghiện cho từng đối tượng. Thành viên của các tổ công tác cai nghiện chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm nên việc bố trí thời gian cũng như triển khai các hoạt động chuyên môn, nhất là các hoạt động liên quan đến quản lý, tư vấn cho người cai nghiện, tổ chức điều trị cắt cơn, giải độc còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.          

Theo Sở LĐTBXH, việc quản lý, giám sát đối tượng cai nghiện ở xã, phường, thị trấn chủ yếu là công an, cảnh sát khu vực, cộng tác viên phòng chống tệ nạn xã hội và tổ trưởng tổ dân phố. Công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người nghiện còn khó khăn do kỳ thị của cộng đồng, xã hội và do hầu hết người cai nghiện có trình độ thấp, tay nghề chưa cao nên rất khó để xin được việc làm. Giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh mới có 67 người nghiện được dạy nghề, tạo việc làm ổn định cuộc sống. Số còn lại chán nản vì sự kỳ thị, bất lực khi không tìm được việc làm nhiều người lại “ngựa theo đường cũ”.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, chọn lọc về nội dung cũng như nhóm đối tượng để truyền tải đến cho người dân, người nghiện hiểu. Khi tuyên truyền cần chia thành các nhóm nhỏ để tuyên truyền tới từng đối tượng và theo cách nhân rộng từ thấp đến cao, phòng ngừa là chính. Nội dung tuyên truyền cần nhấn mạnh việc khai báo tình trạng nghiện và đăng ký hình thức cai nghiện tự nguyện không thuộc diện đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc để người nghiện yên tâm và hưởng ứng thực hiện. Ðồng thời, trao đổi kinh nghiệm giữa những người cai nghiện thành công với cộng đồng để từ đó khiến những người nghiện tin tưởng, tự nguyện khai báo tình trạng của mình và đăng ký các hình thức điều trị. Cần tuyên truyền sâu rộng để cộng đồng thay đổi cách suy nghĩ, không kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nghiện và thân nhân của họ để người nghiện có cơ hội hòa nhập.

Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hai vợ chồng trẻ “làm ăn lớn” lĩnh án 40 năm tù

Chiều 12/3, Tòa án Nhân dân tỉnh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Mua bán trái phép chất mua túy” đối với hai bị cáo Trần Viết Thanh và Nguyễn Thị Anh Thi (cùng SN 2000, là vợ chồng, cùng trú tại phường Thuận Hòa, TP. Huế).

Hai vợ chồng trẻ “làm ăn lớn” lĩnh án 40 năm tù
Chặn 1,5kg ma túy tổng hợp chuẩn bị tuồn ra thị trường

Ngày 20/1, thông tin từ Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh cho biết, đơn vị vừa phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với Đoàn Minh Khánh và Hồ Văn Tâu (cả 2 đều trú tại Thừa Thiên Huế) về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.

Chặn 1,5kg ma túy tổng hợp chuẩn bị tuồn ra thị trường
Return to top