ClockThứ Năm, 01/11/2012 05:58

Khó chen chân vào siêu thị

TTH - Trong khi nhiều loại nông sản ở các tỉnh, thành phố trong cả nước được đưa về Huế tiêu thụ thông qua các hệ thống siêu thị lớn, như Big C, Co.opMart hay Thuận Thành, thì có khá nhiều sản phẩm địa phương vẫn chưa vào được siêu thị. Đâu là nguyên nhân của nghịch lý này?

Vắng nguồn nông sản địa phương

Thừa Thiên Huế có khá nhiều sản phẩm nông sản, trong đó rau củ quả có rau dền, mồng tơi, khoai, mướp đắng, bí ngô…; trái cây có thanh trà, thanh long, nhãn lồng, măng cụt…; thủy hải sản có cá, tôm, cua, mực… Đa số các chủng loại hàng nông sản do người dân địa phương cung cấp chất lượng tốt, giá cả phù hợp và đa dạng chủng loại. Thế nhưng, đáng buồn là lâu nay, hệ thống siêu thị Huế vẫn đang thiếu vắng nguồn nông sản địa phương.

Chọn rau sạch tại Siêu thị Co.opMart Huế

Từ khi có mặt ở Huế, ban giám đốc các siêu thị lớn như Big C hay Co.opMart đã cam kết với chính quyền địa phương tích cực thu mua các sản phẩm nông sản do người dân trên địa bàn tỉnh sản xuất nhằm góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản cũng như tạo nguồn hàng tươi, mới cho siêu thị. Những năm trở lại đây, các đơn vị đã nỗ lực bằng nhiều cách, từ việc tổ chức các hội thảo, hội nghị bàn giải pháp tiêu thụ hàng nông sản địa phương; tìm đến các HTX rau sạch hay các hộ kinh doanh gia cầm, trái cây để đặt hàng… Song, với cung cách sản xuất nhỏ lẻ, mua bán theo kiểu “xưa bày nay làm” cùng với tâm lý sợ kinh doanh theo lối “làm ăn lớn”, nhiều hộ dân vẫn chưa mặn mà đưa hàng vào siêu thị.

Mỗi tháng Siêu thị Co.opMart Huế thu mua trên 12 tấn rau các loại, 1,5 tấn thủy hải sản, 16 tấn trái cây và nhiều sản phẩm nông sản khác cung ứng cho người tiêu dùng. Vậy nhưng, điều đáng buồn là số nông sản địa phương chiếm không quá 30% trong tổng số hàng nông sản có mặt tại siêu thị. Chị Phạm Thị Mai, nhân viên ngành hàng tươi sống, Co.opMart Huế giải thích: “Siêu thị luôn hoan nghênh và thu mua các sản phẩm nông sản địa phương với điều kiện đảm bảo các thủ tục liên quan. Song, do đa số các hộ dân sản xuất nhỏ lẻ, nguồn hàng bấp bênh cùng với tâm lý không mặn mà đưa hàng vào siêu thị nên rất khó thực hiện.”

Theo Trung tâm thu mua của Siêu thị Big C Huế, hiện đơn vị thu mua hàng nông sản của trên 20 nhà sản xuất địa phương, như trứng gà Dũng Hiếu, rau sạch Hóa Châu, rau củ quả Lê Thị Nghĩa, bánh ngọt Bảo Thạnh, trái cây Trương Thị Thia, thịt bò Lê Thị Nghệ... Hàng nông sản địa phương chiếm khoảng 30% trong tổng số nông sản có mặt tại siêu thị. Chị Hồ Thị Bích Vân, Giám đốc Big C Huế cho biết: “Trong kế hoạch, DN sẽ thu mua một số đặc sản Huế để đưa đi tiêu thụ tại một số cửa hàng thuộc hệ thống Big C Việt Nam. Song, có khá nhiều nguyên nhân nên hàng nông sản địa phương có mặt tại siêu thị chưa nhiều.”

Khó vì thủ tục

Nông sản đưa vào siêu thị bắt buộc phải đầy đủ các thủ tục cần thiết, đó là giấy phép kinh doanh hoặc giấy chứng nhận hộ kinh doanh cá thể, giấy chứng nhận VSATTP, giấy kiểm nghiệm sản phẩm… Vì vậy, do đa số hộ dân nuôi trồng các sản phẩm nông sản địa phương có quy mô nhỏ lẻ, sản xuất theo mô hình hộ gia đình nên không hào hứng trong việc đăng ký giấy phép sản xuất kinh doanh cũng như đưa hàng đi kiểm định chất lượng.

Thanh trà Thủy Biều, một trong những đặc sản trái cây Huế được đăng ký thương hiệu từ năm 2007, đến năm 2009 sản phẩm này được đưa đi tiêu thụ tại một siêu thị lớn ở TP Hà Nội và các tỉnh, TP khác. Vậy nhưng, đến nay, thanh trà Thủy Biều vẫn đang đứng… ngoài siêu thị Huế. Ông Hoàng Trọng Di, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thủy Biều cho biết: “Để sản phẩm thanh trà có mặt tại siêu thị, thời gian qua HTX hoàn tất các thủ tục liên quan, song do quy trình đưa hàng vào siêu thị quá nhiêu khê, mất nhiều công đoạn và thời gian nên hiện HTX vẫn chưa đưa hàng vào các siêu thị ở Huế.” 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, sở dĩ nông sản địa phương khó vào siêu thị một phần là do thiếu sự liên kết. Người dân trồng rau, nuôi gà hay trồng thanh trà theo quy mô hộ gia đình, số lượng cung ứng ra thị trường nhỏ giọt nên việc tự đưa hàng vào siêu thị là vượt mức! Hơn nữa, để được vào siêu thị cũng cần rất nhiều giấy tờ liên quan nên bản thân mỗi hộ dân riêng lẻ sẽ khó để thực hiện. Vậy nên, để nông sản “được” vào siêu thị, cần sự liên kết giữa chính quyền địa phương, các HTX nông nghiệp và bản thân các DN kinh doanh siêu thị. Vai trò của các HTX nông nghiệp, các đầu mối thu mua là khá quan trọng. Bởi, nếu thành lập được các đầu mối thu mua hàng nông sản địa phương, sau đó tiến hành các thủ tục như đăng ký nhãn hiệu, giấy phép kinh doanh và kiểm định chất lượng thì chắc chắn các sản phẩm nông sản sẽ “thản nhiên” bước chân vào siêu thị và cũng từ đó, hàng nông sản Huế mới phát triển và mở rộng quy mô.

Như vậy, trong khi các siêu thị phải đặt hàng, thuê xe vận chuyển các loại nông sản từ các tỉnh, TP như Hồ Chí Minh, Đà Lạt hay các tỉnh miền Tây về Huế tiêu thụ với khoảng thời gian vận chuyển phải mất trên 1 ngày đường, chi phí vận chuyển tương đối cao thì hàng chục loại nông sản do người dân trên địa bàn sản xuất có chất lượng tương đương, giá cả phù hợp nhưng phải chịu… đứng ngoài siêu thị. Đáng buồn và cũng thật đáng lo!

Khánh Thư
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Trước những chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị liên quan đã có nhiều hoạt động phối hợp tăng cường kiểm tra các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng. Theo đó, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đã dần thu hẹp.

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Hoãn đấu thầu vàng: Doanh nghiệp không mặn mà hay đang 'nghe ngóng'?

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng vào 10h sáng nay (ngày 22/4); đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 23/4.

Hoãn đấu thầu vàng Doanh nghiệp không mặn mà hay đang nghe ngóng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top