ClockThứ Sáu, 28/10/2016 14:00
THI TRẮC NGHIỆM TOÁN VÀ TỔ HỢP MÔN:

Khó cho cả dạy và học

TTH - Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố môn toán thi trắc nghiệm cùng hai tổ hợp môn, trong kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia 2017, không chỉ học sinh (HS), giáo viên (GV), phụ huynh mà cả các nhà quản lý giáo dục cũng lo lắng.

Cập rập

Thạc sĩ Nguyễn Hướng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, khi đề cập đến vấn đề trên, ông không khỏi lo lắng cho chất lượng cuối khoá. Đây cũng là tâm trạng chung của giáo dục trung học cả tỉnh trước thông tin mới, khi mà sau hơn 11 năm học một kiểu, chỉ còn ít tháng nữa lại… thi một kiểu.

Năm nay ngoài môn toán thi trắc nghiệm, còn có một số thay đổi hình thức liên hợp môn thi. Đó là thi ghép các môn như sử, địa, công nghệ; văn, ngoại ngữ (liên môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội)…. Đây là một phép ghép cơ học, trước đây thi riêng 3 môn mất 3 buổi, mỗi buổi 60 câu/90 phút làm bài, nay gom lại 1 buổi với 40 câu/50 phút làm bài. Nhìn thì “nhẹ nhàng”, nhưng khảo sát HS thì các em lại ngại vì bị áp lực lớn hơn (thay vì mỗi buổi 1 môn thì nay 1 buổi thi 3 môn). Sự thay đổi này không chỉ ảnh hưởng tâm lý HS mà còn ở phương pháp dạy và học. Đề tự luận đòi hỏi tư duy loggic, quan trọng quá trình, kết quả có thể sai, nhưng quá trình đúng vẫn ít nhiều có điểm. Thi trắc nghiệm chú trọng kết quả, HS phản ứng nhanh… lấy đáp số. Muốn HS làm bài tốt, phải thay đổi phương pháp dạy và học. Thầy Nguyễn Văn Chính, Tổ trưởng bộ môn toán (Trường THPT Nguyễn Trường Tộ) cho rằng: Thi trắc nhiệm đòi hỏi HS phải có tư duy nhanh, có kiến thức tổng hợp. Điều này đòi hỏi giáo viên toán phải “rắc” lại phương pháp học và làm bài một cách tổng quát. Một đòi hỏi không hề nhỏ cho GV trong một thời gian chuẩn bị “siêu ngắn” khi GV phải tự mày mò cách làm.

Tự luận làm bài 120 phút, HS đọc đề, căn cứ đề khó, dễ để chia thời gian, câu khó có thể được chuẩn bị trong 15 phút… Thi trắc nghiệm, thời gian trả lời 1 câu hỏi trung bình 60 giây, một HS trung bình giải xong bài toán (trong óc) để chọn kết quả đúng là không hề dễ. “Trước đề trắc nghiệm, HS phải chọn câu hỏi dễ làm trước, phải làm nhanh… chỉ một chi tiết đó cũng đòi hỏi GV phải huấn luyện, và không biết có kịp không…” thầy Chính đùa.

Gấp rút chuẩn bị

Ngay sau khi có quyết định của Bộ, sở GD&ĐT đã triệu tập “khẩn” cán bộ quản lý các trường THPT, chuyên viên giáo dục trung học để bàn định hướng ôn tập, xác định đối tượng chịu trách nhiệm là Tổ trưởng chuyên môn. Hiệu trưởng giao trách nhiệm cho tổ chuyên môn tìm cách thay đổi phương pháp dạy đáp ứng yêu cầu của cách thi mới. Ông Nguyễn Hướng cho biết, BGH đã động viên các tổ chuyên môn, GV nghiên cứu 14 bộ đề tham khảo của Bộ, tích cực ôn tập cho HS theo hình thức thi mới. Trường còn tổ chức tập huấn cho giáo viên, kêu gọi thành lập ngân hàng đề trắc nghiệm. Trước mắt sẽ áp dụng dần cách thi mới vào bài kiểm tra để HS làm quen…

Kỳ thi THPT 2016 sẽ có 5 bài thi gồm toán, văn, ngoại ngữ (bắt buộc) và 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (lý, hoá, sinh) khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân với hệ giáo dục phổ thông và sử, địa với hệ giáo dục thường xuyên)

Ông Nguyễn Phước Viễn Tương, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT) cho biết, hiện Sở đang khẩn trương xây dựng ngân hàng đề thi (trắc nghiệm) để phục vụ công tác kiểm tra, thi thử của khối 12 cả tỉnh. “Mặc dù cập rập nhưng chúng tôi vẫn phải thực hiện làm đề theo đúng quy trình để đảm bảo chất lượng bộ đề”. Được biết Sở đã chỉ đạo xuống từng đơn vị THPT để xây dựng đội ngũ làm đề và phản biện đề. Các trường sẽ dựa trên bộ đề của sở và tham khảo đề của bộ… làm cơ sở tổ chức kiểm tra, thi theo hình thức mới. Vấn đề còn lại là tập huấn phương pháp làm bài trắc nghiệm môn toán và các tổ hợp môn. Điều này đang được Sở xúc tiến trong thời gian sắp tới

Ý tưởng tổ chức thi trắc nghiệm của Bộ GD&ĐT được đánh giá là hợp trào lưu, có những ưu việt như đòi hỏi HS học hết, học đủ chương trình và cơ bản là được rèn tư duy nhanh. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng cách phủ quyết để làm ngay trong mùa thi 2017, là… vội. Với thời gian còn lại, các nhà trường không thể có phương án kịp thời để đổi mới phương pháp dạy của thầy, phương pháp học của trò. Sự mò mẫm tự thân của GV dù nhiệt tình cũng đầy bất trắc. Đem một phương pháp dạy mà bản thân chưa chắc chắn lên lớp, không ít GV cảm thấy lúng túng. Cần thay đổi, nhưng cũng cần một lộ trình phù hợp là ý kiến của số đông mà chúng tôi có dịp tiếp xúc.

Hương Giang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Sắc Huế trong em”

Đây là chủ đề hội chợ trường học lần thứ V, năm học 2023 – 2024 do Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức ngày 24/3.

“Sắc Huế trong em”
Chế biến trà từ hoa sim

Từ việc nghiên cứu đề tài tham dự cuộc thi khoa học – kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học, nhóm học sinh Trường THPT Đặng Trần Côn đã chế biến trà túi lọc từ hoa sim, một sản phẩm độc đáo từ nguồn nguyên liệu địa phương.

Chế biến trà từ hoa sim
Học sinh nghiên cứu khoa học

Phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh với nhiều đề tài có tính ứng dụng cao đã góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

Học sinh nghiên cứu khoa học
Return to top