ClockThứ Tư, 04/07/2012 10:36

Khó chung và khó riêng

TTH - 1660 là số học sinh học nghề mà các trường, các cơ sở nghề đã tuyển được tính đến trung tuần tháng 6. Dự ước của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), 6 tháng đầu năm toàn tỉnh sẽ tuyển được vào khoảng trên 4.000 học sinh, giảm 1420 em và cũng chỉ mới đạt 20% kế hoạch đề ra.

Theo ông Nguyễn Thanh Kiếm, Giám đốc Sở LĐ-TB& XH, với 48 cơ sở hiện có, hệ thống đào tạo nghề trên toàn địa bàn hoàn toàn có đủ năng lực để đào tạo nghề. Tuy nhiên, việc tuyển sinh nghề từ đầu năm đến nay đạt thấp một phần là do nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về dạy nghề (24,150 tỷ đồng) mãi đến gần cuối tháng 6 mới được bố trí.

Bên cạnh nguyên nhân tác động trực tiếp, có thể nhận thấy việc tuyển sinh đào tạo nghề gặp khó từ nhiều vấn đề khác. Rõ ràng là cơ hội vào đại học công lập là khá rộng rãi với rất nhiều mã ngành để thí sinh chọn lựa. Bên cạnh đó là sự mời chào từ phía các trường đại học mở, đại học dân lập...Thế nên cũng là điều dễ hiểu khi đa phần học sinh chọn thi vào trường nghề như là một giải pháp tình thế do điều kiện, hoàn cảnh; hoặc chỉ là giải pháp tình thế khi không thể thi đậu vào đại học. Theo các chuyên viên của Sở LĐ-TB&XH thì ở khía cạnh này còn có một vấn đề khác, đó là mặc dù hai bộ LĐ-TB&XH và GD-ĐT đã ký kết văn bản về liên thông trong đào tạo nghề nhưng hiện nay, việc triển khai vẫn chưa thực hiện được do chưa có hướng dẫn. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi dành cho học sinh các trường trung cấp nghề và cao đẳng nghề là không nhiều.

Ở một cách nhìn tiệm cận hơn, nhiều doanh nghiệp và một số cơ sở sản xuất không thể tiếp nhận thêm lao động, thậm chí là sa thải bớt lao động do những khó khăn về kinh tế. Thậm chí nếu có nhận thì tiêu chí tuyển chọn của họ cũng trở nên khắt khe hơn. Chính vì thế, dòng lao động – nhất là lao động trẻ - vẫn chảy về các trung tâm lớn, cơ hội có việc làm dễ hơn như TP Hồ Chí Minh và họ cũng không mất nhiều thời gian hay chi phí để học nghề.

Trong một cách nêu vấn đề khác, ông Nguyễn Xuân Quang, Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH cho rằng, việc tuyển sinh học nghề khó còn vì tính năng động, chủ động của các trường, cơ sở dạy nghề của chúng ta hãy còn hạn chế, nghề đào tạo lại cũ, không còn phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Một số nghề có nhu cầu học cao như điều dưỡng, y tá... nhưng các trường lại không có chỉ tiêu đào tạo. Có trường đã được đầu tư đến vài chục tỷ nhưng mỗi năm cũng chỉ tuyển vài chục học sinh học nghề. Đây cũng có thể được xem như là những cái khó riêng trên địa bàn tỉnh trong cái khó chung về tình hình tuyển sinh cho các trường nghề hiện nay trên phạm vi cả nước.

Cùng với việc hướng nghiệp dạy nghề cho người dân phải tốt hơn như tiêu chí đã được đặt ra lâu nay, một việc đã được Sở LĐ-TB&XH lên kế hoạch là sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá việc sử dụng thiết bị đào tạo nghề, chất lượng chương trình, giáo trình, chất lượng đội ngũ (cả về giảng dạy, quản lý) và hiệu quả sau đào tạo đối với các trường, cơ sở dạy nghề. Cái khó riêng hy vọng sẽ được tháo gỡ khi các trường nghề thể hiện được tính sáng tạo và năng động, thể hiện được sự tiếp ứng đối với nhu cầu lao động và ngành nghề lao động của xã hội ở phạm vi hơn cả địa bàn tỉnh. Chỉ khi thấy được cơ hội về việc sở hữu một “tấm vé” tốt, người lao động mới mặn mà với các trường nghề.

Hạnh Nhi

 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội nghị trực tuyến triển khai Luật Thanh tra và các văn bản liên quan

Ngày 29/3, Thanh tra (TT) Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra (TT) và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan TT. Tại Thừa Thiên Huế, Chánh TT tỉnh Lương Bảo Toàn cùng gần 100 cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan TT tham dự.

Hội nghị trực tuyến triển khai Luật Thanh tra và các văn bản liên quan
Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Đó là khẳng định của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tại hội nghị tổng kết thực hiện các Quyết định số 75/2013/QĐ-TTG ngày 06/12/2013 và Quyết định số 35/2017/QĐ - TTG ngày 25/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập (TKQT) hài cốt liệt sĩ (HCLS) ngày 27/3 tại Nghệ An.

Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Return to top