ClockThứ Hai, 10/12/2012 05:47

Khó chuyện thu phí

TTH - Một trong những thông tin được nhiều người dân quan tâm và có nhiều băn khoăn, thắc mắc là việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe gắn máy, được áp dụng từ ngày 1/1/2013 tới đây.

Cụ thể, theo Thông tư 197/2012 về hướng dẫn thu phí cho quỹ Bảo trì đường bộ do Bộ Tài chính ban hành ngày 15/11 vừa qua, mức phí bảo trì với xe môtô có dung tích xylanh dưới 100cm3 trong khung từ 50.000 – 100.000 đồng/năm; với xe máy trên 100cm3 từ 100.000 – 150.000 đồng/năm; chủ phương tiện nộp phí này tại UBND phường/xã/thị trấn nơi cư trú. Với những trường hợp không chấp hành sẽ bị xử phạt nặng. Mức phạt theo Nghị định 71/2012 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 10/11/ 2012), điều 33 quy định: phạt từ 800.000 – 1.200.000 đồng đối với chủ xe môtô, xe gắn máy không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định.

Thực ra, việc thu phí bảo trì đường bộ không phải mới và hoàn toàn hợp lý, theo nguyên tắc có hưởng lợi thì có trách nhiệm đóng góp. Hiện nay, khi các phương tiện giao thông tăng ồ ạt, hạ tầng giao thông phát triển không theo kịp; trong khi nguồn ngân sách có hạn thì việc thu phí bảo trì đường bộ là việc làm cần thiết, góp phần phát triển hệ thống giao thông. Điều này cũng đã áp dụng với một số dự án đường cao tốc theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) hoặc với các dự án giao thông vay vốn nước ngoài. Việc thu phí tuy làm tăng chi phí cho các chủ phương tiện, nhưng rõ ràng họ được hưởng lợi trực tiếp nhờ giảm chi phí nhiên liệu, giảm hao mòn thiết bị và tiết kiệm thời gian nhờ rút ngắn quãng đường, tăng tốc độ của phương tiện… Bên cạnh đó, việc thu phí ở những dự án này được thực hiện minh bạch, thuận tiện theo nguyên tắc có sử dụng có nộp, không sử dụng không đóng phí.
 
Trở lại việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy, đa phần người dân đều sẵn sàng chia sẻ, nhưng cách thức thực hiện như thế nào để thuận lợi, công bằng, giảm phiền hà và đúng luật là điều cần quan tâm. Đơn cử, theo thông tư hướng dẫn thu phí của bộ Tài chính, chủ xe máy sẽ được UBND phường/xã/thị trấn nơi cư trú cấp chứng nhận khi đóng phí. Hiện nay, với hàng chục triệu xe máy đang lưu hành, chắc chắn người dân sẽ lại phải chen chúc để “được” nộp tiền- tạo áp lực lớn đối với chính quyền cơ sở vốn đã quá tải với hàng núi công việc. Để giảm phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện nghĩa vụ, tại sao không áp dụng hình thức như bán bảo hiểm dân sự cho các phương tiện giao thông? Bên cạnh đó, theo Luật Giao thông đường bộ, người điều khiển giao thông chỉ mang bốn loại giấy, trong đó không cần giấy này, vậy thì làm sao công an xử phạt được đối với những trường hợp không chấp hành…   
 
Ở Thừa Thiên Huế, trước đây cũng áp dụng chủ trương thu phí mô tô, xe máy để phát triển giao thông nông thôn, nhưng do thiếu chế tài xử lý nên dần dần chẳng thấy ai nhắc đến nữa. Bài học này nhắc nhở chúng ta, trước khi triển khai thực hiện chính sách mới, nhất là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đông đảo người dân phải có sự chuẩn bị chu đáo, thậm chí lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, nghe ngóng dư luận xã hội để kịp thời điều chỉnh những bất cập, xây dựng phương án có tính khả thi cao thì những chính sách mới đi vào cuộc sống.
Hoàng Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top