ClockThứ Tư, 08/06/2016 09:25

Khó đào tạo nghề cho lao động nông thôn

TTH - Vẫn có nhiều việc phải làm để đào tạo các nghề phi nông nghiệp có chất lượng hay quy hoạch lại vùng sản xuất ở các địa phương để người lao động sống được với nghề trên chính quê hương mình.

Lao động làm việc tại Nhà máy Thiên An Phú ở khu công nghiệp Phú Đa. Ảnh: Thanh Hương

Thiếu vốn và kỹ thuật

Không thể phủ nhận chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã giúp hàng ngàn người có việc làm ổn định. Trong vòng 5 năm (2011 -2015), có trên 17.000 lao động nông thôn với tổng kinh phí đào tạo 22.400 triệu đồng, trong đó, đào tạo nghề cho nông nghiệp chiếm tỷ lệ trên 20% và phi nông nghiệp gần 80%. Số lao động học xong các khóa đào tạo đa số đều có việc làm, tuy nhiên, càng ngày các trường, trung tâm nghề đều khó tuyển sinh. Trường nghề phải đi gom học viên ở nhiều xã, may ra mới tổ chức được lớp học. Người trẻ không học nghề, người lớn tuổi, thậm chí quá tuổi lại đến đăng ký tham gia. Lao động thường suy nghĩ thiển cận, đi phụ thợ nề, ít ra cũng có 200.000/ ngày, cuộc sống đang phải ăn bữa hôm, lo bữa mai, hà cớ gì phải đi học. Giáo viên ăn lương theo học viên nên vừa dạy, vừa dỗ. Thế nên, học trò nghỉ là cô giáo lo, trường lo vì vật liệu mua rồi, giáo viên hợp đồng rồi. Ông Dương Công Anh Tuyến, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh chia sẻ: Ban đầu, người dân đến đăng ký rất đông, chốt lại danh sách cũng còn lại 30 người nhưng chỉ sau 2 tuần chúng tôi phải xin hủy vì không có ai đến lớp. Họ cho rằng, học nghề sẽ được hỗ trợ kinh phí nên khi biết chỉ có người nghèo mới được hỗ trợ 30.000 đồng/ ngày nên đồng loạt bỏ lớp.

Hỏi nông dân Lê Viết Diễn ở Quảng Điền, vì sao bà con không muốn học nghề lao động nông thôn dẫu được đào tạo miễn phí, anh trải lòng: Học để biết kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt cũng thích lắm chứ nhưng chúng tôi làm kinh tế nhỏ lẻ, học từ 1 đến 3 tháng thì chỉ “cưỡi ngựa, xem hoa” chưa áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên năng suất không cao”. Nông dân khó tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất, sản phẩm làm ra hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường, không được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm thì không thể tự tạo việc làm. Điều này khiến không ít hộ sau khi học nghề đành phải bỏ ngang hoặc làm không tới nơi tới chốn vì khó khăn về vốn và kỹ thuật. Số lao động học nghề phi nông nghiệp lại không muốn vào nhà máy. Họ cho rằng, chế độ ưu đãi của các công ty ở Huế không hấp dẫn, không giữ chân người lao động.

Không có nghề vẫn quyết tâm ra phố

Cơ cấu đào tạo nghề còn bất cập, chủ yếu đào tạo các nghề nông nghiệp. Các nghề phi nông nghiệp vẫn còn khó khăn do lao động không có nhu cầu học. Một bộ phận lao động nông thôn chưa nhận thức được vai trò của đào tạo nghề, thiếu nghiêm túc trong học tập, có tâm lý tham gia cho có phong trào, học chiếu lệ, được chăng hay chớ. Nhiều người chưa có việc làm ổn định nhưng không đăng ký học nghề... khiến chất lượng đào tạo thấp cũng là dễ hiểu. Các nghề như lễ tân, buồng, bàn, nấu ăn… được xem là dễ tìm việc nhưng hầu hết thanh niên không muốn theo đuổi, vì cho rằng đó là những nghề không... “sang trọng”.

Vấn đề đặt ra, các khu công nghiệp trong tỉnh vẫn thiếu lao động, vẫn tuyển lao động các tỉnh khác về, trong khi đó, lao động Thừa Thiên Huế lại “Nam tiến”. Họ nôn nóng kiếm tiền ngay, kiếm tiền nhiều. Phần đông thanh niên nông thôn là lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Họ ra thành phố làm việc và chỉ tìm được những công việc đơn giản làm theo mùa vụ nên có mức thu nhập thấp. Thế nhưng, khi doanh nghiệp trong tỉnh mời gọi, họ cho rằng, mức lương 3-5 triệu đồng/tháng không mấy hấp dẫn khi có doanh nghiệp ở trong tình trạng hết việc, không hỗ trợ tiền thuê phòng, tiền ăn như đã cam kết nên không giữ chân người lao động.

Lao động nông thôn ở Thừa Thiên Huế vẫn thiếu tác phong công nghiệp. Họ thường đi sớm về muộn, bỏ công sở... Người lao động vẫn quen cách làm việc của nhà nông, ngày nào cũng có người xin nghỉ, lúc thì đám giỗ, đám hỏi, thậm chí thích là nghỉ. Mặc dù có hợp đồng làm việc hẳn hoi nhưng nhiều lúc đến vụ thu hoạch, công nhân lại nghỉ việc khiến cho dây chuyền sản xuất phải tạm ngưng hoạt động. Doanh nghiệp kêu ca, áp dụng các hình thức răn đe, lao động chán nãn dẫn đến bỏ việc. 

Cần sự kết nối

Tại buổi làm việc với các xã ở hai huyện Phong Điền và Quảng Điền về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn mới đây, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Có những bất cập, khó khăn trên do người lao động vẫn dựa dẫm vào chế độ hỗ trợ; trường nghề dạy các chương trình chưa sát với thực tế và thông tin của các doanh nghiệp chưa rỏ ràng khiến lao động quay lưng. Dẫu khó khăn trong tuyển sinh, song, không vì thế các trường, trung tâm mở ra cho đủ lớp mà cần tìm những giải pháp để hỗ trợ người dân học nghề. Công tác đào tạo sẽ không chú trọng vào số lượng mà siết chặt quản lý về chất lượng.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn chủ yếu tập trung vào các nghề phi nông nghiệp. Điểm mấu chốt trong đào tạo nghề phi nông nghiệp lại là việc kết nối với doanh nghiệp, người sử dụng lao động. Chương trình đào tạo nghề cần hướng cho lao động nông thôn có kiến thức, kỹ năng để sản xuất, có nhận thức để chuyển đổi cơ cấu sang dịch vụ, các nghề truyền thống và quan trọng hơn là thực hiện các mục tiêu nông thôn mới. Thời gian đào tạo phải phù hợp với nghề đào tạo. Không tổ chức dạy và học khi người lao động không định hướng được nơi làm việc và mức thu nhập có được sau khi học. Ông Nguyễn Thanh Kiếm, Giám đốc Sở Lao động TB&XH cho biết: Sở đã yêu cầu các cơ sở dạy nghề phối hợp các doanh nghiệp, thực hiện đào tạo theo địa chỉ để học viên ra trường có việc làm ngay. Các cơ sở dạy nghề tăng cường đưa học viên đi thực hành tại các cơ sở sản xuất nhằm giảm chi phí đào tạo, chi phí thực hành và nâng cao chất lượng đào tạo cho các học viên.

Chính quyền xã phải vào việc cùng với huyện quy hoạch ngành nghề đào tạo để người dân biết và đăng ký học. Muốn có kết quả tốt, cần phải quy hoạch lại vùng sản xuất, tổ chức lại thị trường, tạo lòng tin giữa người sản xuất và người nông dân với đơn vị dịch vụ. Công tác thanh tra, giám sát thực hiện đề án, trong đó tập trung kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất thiết bị dạy nghề và tổ chức các lớp dạy nghề cũng cần phải tiến hành thường xuyên.

Huế Thu

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Được đào tạo nghề, lao động nông thôn ổn định sinh kế

Lao động nông thôn đang chiếm tỷ lệ trội hơn trong cơ cấu lực lượng lao động của tỉnh. Phát huy nguồn lực này không chỉ phụ thuộc vào chính người lao động mà cần “chất xúc tác”, trong đó có đào tạo, định hướng nghề nghiệp song song với chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Được đào tạo nghề, lao động nông thôn ổn định sinh kế
Đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu giải quyết việc làm

Chiều 30/11, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đề án Phát triển dạy nghề trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

Đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu giải quyết việc làm
Giảm áp lực cho giáo viên

Việc bỏ quy định chứng chỉ trình độ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên là một nút tháo gỡ quan trọng giúp giáo viên chuyên tâm đứng lớp.

Giảm áp lực cho giáo viên
Nghỉ hè thời COVID-19

Tìm sân chơi cho trẻ trong dịp hè luôn khiến phụ huynh phải loay hoay. Mùa hè năm nay lại khó khăn hơn khi phần lớn hoạt động của trẻ chỉ có thể diễn ra ngay tại nhà do dịch COVID-19.

Nghỉ hè thời COVID-19

TIN MỚI

Return to top