ClockThứ Bảy, 25/08/2018 12:43

Khó khăn trong dạy và học tiếng Anh

TTH - Dạy nghe và nói tiếng Anh cho học sinh trong nhà trường còn hạn chế, dẫn đến nhiều em không đáp ứng được các kỹ năng cần thiết.

Tiếng Anh giao tiếp được lựa chọnLúng túng khi chọn sách tiếng Anh cho conNở rộ các hoạt động giáo dục kỹ năng, trẻ cần học gì?Phổ cập tiếng Anh giao tiếp cơ bản cho học sinh trung học cơ sở

Môn học tiếng Anh trong trường học chỉ gói gọn 3 tiết/tuần và 8 tiết cho một bài học với cả 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết. Các em học theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa". Nhiều giáo viên dạy tiếng Anh ở các trường THPT than thở, sĩ số mỗi lớp học quá đông, thường từ 35 đến 45 em nên giáo viên không có đủ thời gian để sửa phát âm cho từng em một. Thầy cô chỉ chú trọng dạy ngữ pháp, từ vựng và các bài kiểm tra đọc hiểu, viết. Học sinh gần như không được thực hành nghe, nói, thảo luận... Các hoạt động tương tác chưa đủ mạnh, chưa đủ nhiều để đem lại cho học sinh kỹ năng giao tiếp, thuyết trình bằng tiếng Anh.

Ông Nguyễn Hối, Hiệu trưởng Trường THPT Đặng Huy Trứ, chia sẻ: “Hiện trong khung chương trình đào tạo môn ngoại ngữ có 4 phần, gồm: nghe, nói, đọc và viết. Nhưng trong các kỳ thi, học sinh gần như không làm bài thi theo hình thức đào tạo này”. Theo tâm lý của học sinh thì học gì thi đó nên trong các bài thi không kiểm tra các kỹ năng nghe - nói nên nhiều em chưa chú trọng đầu tư cho các kỹ năng này.

Các điều kiện dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học ngoại ngữ trong xu thế hội nhập và đổi mới, thiếu các trang thiết bị, quy mô lớp học với sĩ số gần 50 sinh viên/lớp. Môi trường học tập chưa đạt chuẩn quốc tế, không tạo được động lực cho giảng viên, sinh viên tích cực học tập ngoại ngữ. Một số học sinh cho biết bản thân phải đi học thêm ở các trung tâm ngoại ngữ để được nghe, nói nhiều hơn, tham gia các trò chơi nhằm cải thiện các kỹ năng cần thiết. Ở đó, mỗi lớp học chỉ khoảng 10 – 15 em nên thầy cô dành nhiều thời gian luyện nói, giao tiếp, hát, đóng kịch… kiến thức được truyền tải một cách nhẹ nhàng, dễ tiếp thu. Em H.N, học sinh Trường THCS Chu Văn An, cho biết: “Em học ngữ pháp và từ vựng trên lớp khá ổn. Tuy nhiên, phần nghe - nói còn yếu, nên mẹ đăng ký cho em theo học khóa tiếng Anh giao tiếp ở trung tâm bên ngoài để nâng cao trình độ”.

Thầy giáo Nguyễn Phú Thọ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc Học, Giáo viên môn tiếng Anh, cho hay: “Để học tốt môn tiếng Anh với thời lượng trên lớp còn hạn chế thì học sinh nên tự tìm hiểu, tự học thêm. Hiện nay, sử dụng các ứng dụng hay lợi thế mạng internet để tìm học các chương trình theo chuẩn quốc tế là điều cần thiết, giúp học sinh nâng cao trình độ tiếng Anh”.

Một số giáo viên chuyên ngành cho rằng, môi trường học ngoại ngữ trong nhà trường cần hướng tới việc khuyến khích các em thực hành nhiều hơn. Học sinh cần được luyện tập nghe - nói trong những phòng riêng biệt, đầy đủ máy móc chứ không phải như tình trạng hiện nay, giáo viên chỉ đem đến lớp chiếc máy cassette (tạm dịch là cát-sét) âm thanh chưa chuẩn, khiến học sinh khó nghe. Một khi cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, giáo viên sẽ có điều kiện đánh giá toàn diện trình độ của các em và có phương pháp dạy thích hợp.

Đề án ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020 chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đặt ra nhiều thách thức. Thừa Thiên Huế vẫn còn 177 giáo viên (15%) chưa đạt chuẩn. Tuy nhiên, không ít giáo viên ngại khó, không cập nhật phương pháp dạy học mới nên phương pháp dạy không hấp dẫn, rời rạc. Môi trường học ngoại ngữ trong nhà trường cần khuyến khích các em giao tiếp bằng ngoại ngữ nhiều hơn. Học sinh phải được luyện tập nghe - nói trong những phòng riêng biệt, đầy đủ máy móc. Giáo viên cần giúp học sinh vượt qua nỗi sợ khi học ngoại ngữ. Bởi lẽ, tâm lý sợ sai, xấu hổ khiến nhiều em không mạnh dạn luyện nói mà chỉ thích làm bài tập ngữ pháp trong sách giáo khoa.

Chất lượng giáo viên là vấn đề then chốt nên cần đảm bảo số lượng và chất lượng đội ngũ theo khung chuẩn năng lực châu Âu. Cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ dạy ngoại ngữ cần được đầu tư thông qua nguồn ngân sách, cũng như xã hội hóa giáo dục trong dạy ngoại ngữ ở những lĩnh vực, khu vực có điều kiện. Chương trình xã hội hóa, phát huy vai trò của các trung tâm ngoại ngữ trong dạy và học ngoại ngữ ngoài nhà trường cũng là điều kiện cần trong tình hình hiện nay.

Phước Ly

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai

Chiều 28/3, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành phẫu thuật cho nhóm bệnh nhi Gia Lai. Đây là các trường hợp được Quỹ Friedens Kinder (Đức) tài trợ chi phí mổ.

Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai
Tăng cường công tác dân vận ở những nơi còn vướng mắc, khó khăn

Đây là thời điểm mà cả hệ thống chính trị trong tỉnh tăng tốc thực hiện công tác dân vận (DV), nhất là “DV khéo” để củng cố, tạo sự đồng thuận cao hơn nữa của người dân, hướng đến mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết (NQ) 54 của Bộ Chính trị.

Tăng cường công tác dân vận ở những nơi còn vướng mắc, khó khăn
Nhà trường sẽ hỗ trợ tối đa sinh viên gặp khó khăn

Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế vừa có thông báo về việc tăng học phí mới. Sau khi mức học phí được công bố, nhiều sinh viên tỏ ra bất ngờ vì cho rằng mức tăng quá cao và quá đột ngột.

Nhà trường sẽ hỗ trợ tối đa sinh viên gặp khó khăn

TIN MỚI

Return to top