ClockThứ Hai, 08/05/2017 05:51

Khó kiểm soát kinh doanh và sản xuất rượu thủ công

TTH - Đa số các cơ sở sản xuất rượu thủ công truyền thống đều không được cấp phép trong khi việc kiểm soát nguồn gốc rượu trôi nổi tại các điểm kinh doanh nhỏ lẻ rất khó khăn.

 Men được ủ trước khi nấu thành rượu tại một cơ sở sản xuất

Tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, các cơ sở chế biến rượu truyền thống rất nhiều. Hầu hết các cơ sở chế biến thủ công này đều sản xuất theo quy mô nhỏ, hộ gia đình, vừa nấu rượu kết hợp với chăn nuôi và không đăng ký kinh doanh.

Bà H.T.L (xã Điền Lộc, huyện Phong Điền) có thâm niên nấu rượu thủ công hơn 20 năm. Ngoài nấu rượu để tăng thu nhập, công việc này còn phục vụ cho việc chăn nuôi. Cũng như đa số các cơ sở sản xuất rượu thủ công khác, quy trình nấu rượu của bà L. rất đơn giản: Cơm được nấu chín để nguội, trộn với men nghiền nát và ủ vào lu hoặc hũ lớn, sau đó nấu, chưng cất thành rượu.

“Cứ 10 lon gạo thì có thể nấu khoảng 5 lít rượu. Ngày trước, khi người dân còn uống rượu nhiều tui nấu gần 40 lít. Nhưng nay, đời sống nâng cao, ít ai uống rượu nên nấu mỗi ngày khoảng 20 lít. Tui nấu rượu nhỏ lẻ thì đăng ký kinh doanh làm chi”, bà L. cho biết.

Khi được hỏi về nguồn gốc của loại men sử dụng nấu rượu, bà L chỉ giải thích ngắn gọn: “Loại men ni bán nhiều ở chợ, có tên Con Cò chứ không hiểu rõ lắm”. “Rượu tui nấu đảm bảo chất lượng, bán với giá 15 nghìn đồng/lít, mấy cửa hàng tạp hóa họ lấy lại bán với giá 20 nghìn đồng/lít. Rượu ở chỗ tui không bao giờ pha cồn”, bà L. quả quyết.

Cơm nguội được trộn với men, nghiền nát trước khi đem ủ

Hiện trên thị trường có nhiều loại rượu từ các cơ sở sản xuất thủ công có nguồn gốc lẫn uy tín, như làng Chuồn, Okay, Thủy Dương. Song, ở các điểm kinh doanh rượu nhỏ lẻ, xuất xứ nguồn gốc rất mập mờ. Tại một quầy bán tạp hóa ở TP. Huế, trước khi mua một lít rượu trắng với giá 10 nghìn đồng, chúng tôi hỏi về nguồn gốc rượu thì chủ cửa hàng chỉ trả lời ngắn gọn: “Rượu được lấy từ các lò nấu ở ngoại ô thành phố”.

Ông Hoàng Ngọc Sơn, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp- Sở Công thương, cho biết: “Đối với các cơ sở sản xuất rượu truyền thống ở nông thôn, không thể có con số thống kê. Các cơ sở này sản xuất nhỏ lẻ, vừa nấu rượu tăng thêm thu nhập vừa phục vụ chăn nuôi nên không đăng ký kinh doanh”.

Chi cục VSATTP vừa phối hợp với Sở Công thương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra 64 cơ sở (54 cơ sở sản xuất rượu, 10 cơ sở kinh doanh rượu); gửi xét nghiệm 42 mẫu, trong đó 1 mẫu có hàm lượng methanol vượt quá tiêu chuẩn; tiến hành tiêu hủy tại chỗ 25 lít rượu không đạt tiêu chuẩn của cơ sở sản xuất rượu tại xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền.

Ông Sơn cho rằng, thông thường, rượu được nấu tại nông thôn trong tỉnh đều có nguồn gốc. Vấn đề nằm ở chỗ các điểm kinh doanh rượu, lấy rượu ở đâu thì khó kiểm soát được. Vì lợi ích kinh doanh, rượu có thể bị pha tạp những hóa chất độc hại, điều này không dễ kiểm soát và nhận biết.

Theo các cơ quan chức năng, trên thị trường, các loại cồn công nghiệp, thực phẩm được bày bán khá nhiều. Ông Dương Xuân Hồng, Trưởng phòng Thanh tra Chi cục VSATTP – Sở Y tế nói: "Khó có thể kiểm soát được người dân mua loại cồn gì để sản xuất rượu. Nếu pha rượu bằng cồn công nghiệp hoặc cồn thô thì hàm lượng methanol sẽ cao so với cồn thực phẩm. Điều này phụ thuộc vào ý thức của chủ cơ sở sản xuất rượu.

Ông Hoàng Ngọc Sơn cho biết thêm: “Trên địa bàn tỉnh, đối với việc sản xuất rượu truyền thông chúng tôi chỉ cấp phép cho 3 đơn vị. Việc kiểm soát được phân cấp cho các địa phương. Nhằm giám sát việc sản xuất, chúng tôi đã có văn bản đôn đốc các địa phương kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu thủ công”.

Hiện nay, việc sản xuất rượu theo kiểu truyền thống dừng ở mức kinh tế hộ gia đình. Thực tế, chính quyền các địa phương chưa quản lý được các đối tượng này. Chi cục trưởng Chi cục VSATTP – Sở Y tế Nguyễn Ngọc Diễn cho hay, các hộ kinh sản xuất rượu thủ công thuộc dạng kinh tế cá thể nhỏ lẻ, dựa vào kinh nghiệm, không được tập huấn, kiểm soát . Hoạt động kinh doanh của họ chủ yếu từ chính quyền địa phương. “Chúng tôi vừa mở đợt kiểm tra trên địa bàn tỉnh; sắp đến, sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh sượu”, ông Diễn chia sẻ.

Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Được & Mất

Nghe giới thiệu tưởng ngon lành, chuyên nghiệp lắm. Một lần này thôi nhé, lần sau dù có nhét vàng cũng cạch! …

Được  Mất
Đưa một ý “thiện” vào văn hóa kinh doanh tại Huế

Đưa một chữ thiện vào triết lý kinh doanh, Tập đoàn TH đã phát triển TH True Milk trở thành thương hiệu sữa có giá trị dinh dưỡng cao, đáng tin cậy, được người Việt yêu mến. Huế có nền văn hóa Phật giáo tồn tại lâu đời, khi văn hóa đó thấm sâu vào sản phẩm đặc trưng của Huế thì hòa trong đó không chỉ đẹp, ngon, tinh tế mà còn mang có sự lợi lạc về cuộc sống cho khách hàng, khách du lịch.

Đưa một ý “thiện” vào văn hóa kinh doanh tại Huế
Số hóa trong nông nghiệp

Chuyển đổi số (CĐS) hướng đến phát triển kinh tế số đang được ngành nông nghiệp tỉnh bước đầu triển khai mang lại hiệu quả nhất định, thiết thực.

Số hóa trong nông nghiệp

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top