ClockThứ Tư, 12/08/2015 07:45

Khó nguồn vốn

TTH - Gần 40/63 nhà xuất bản (NXB) trong cả nước không đủ điều kiện hoạt động, với hạn cuối (31/8) về cấp đổi giấy phép thành lập (theo quy định mới tại Nghị định 195 của Chính phủ).

Biên tập viên đang biên tập, thẩm định tác phẩm

 

Lạc quan hay chủ quan?

 Theo Điều 25, Nghị định 195 của Chính phủ, từ ngày 1/9 tới, nếu cơ quan chủ quản nào có NXB không có đủ 7 tiêu chí về điều kiện hoạt động (gồm: tôn chỉ mục đích; đúng loại hình hoạt động do Nhà nước là chủ sở hữu; cơ quan chủ quản đúng đối tượng được thành lập NXB; có trụ sở đủ diện tích (từ 200m2 trở lên); có đủ vốn thực hiện nhiệm vụ xuất bản (5 tỷ đồng); có đủ chức danh lãnh đạo và có đủ BTV cơ hữu (5 BTV trở lên) hoặc không nộp hồ sơ đề nghị cấp đổi giấy phép thì tùy theo tính chất, mức độ Cục Xuất bản - In - Phát hành sẽ báo cáo, tham mưu lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định đình chỉ hoạt động hoặc không cấp đổi giấy phép và yêu cầu cơ quan chủ quản chấm dứt hoạt động NXB. 
Được thành lập từ năm 2005 trực thuộc Đại học (ĐH) Huế, NXB ĐH Huế có nhiệm vụ cấp phép xuất bản (XB) những giáo trình, tài liệu, sách tham khảo phục vụ việc giảng dạy, học tập cho cán bộ, giảng viên, sinh viên các trường ĐH. Với 8 thành viên, trong đó có 3 biên tập viên (BTV), bình quân mỗi năm, NXB cấp phép cho khoảng 100 đầu sách.
Ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc NXB ĐH Huế cho hay: “Là đơn vị hạch toán cấp 3 nên chúng tôi chỉ được hỗ trợ 60% lương cơ bản, với 300 triệu đồng/năm. Còn tất cả các hoạt động, chi phí khác, NXB phải tự đảm bảo. Dù muốn dù không, luật đã ban hành thì phải thực thi. Nếu đơn vị chủ quản không “rót” vốn và điều thêm nhân lực thì NXB đành đóng cửa”.
“Tuy nhiên, đó là chuyện lo âu của 1/8 trở về trước, chứ đến thời điểm này, sau 3 phiên họp bàn của NXB và phía ĐH Huế về các phương án làm thế nào để đảm bảo các tiêu chí cho NXB hoạt động, chúng tôi đã có thể thở phào vì đủ điều kiện để tồn tại”, ông Hà cho biết thêm.
Để “cứu” NXB, đơn vị chủ quản là ĐH Huế đã quyết định “lấp đầy” 2 tiêu chí còn thiếu là cấp vốn (5 tỷ đồng) và đảm bảo số biên tập viên cơ hữu. Trước mắt, ĐH Huế sẽ chuyển về cho NXB 2 BTV nữa để đủ 5 người theo quy định và cuối tháng 8 này, sẽ cho các đối tượng trên đi học lớp cấp chứng chỉ hành nghề của Cục XB tại Đà Nẵng. 
Khác với NXB ĐH Huế, NXB Thuận Hóa- đơn vị có bề dày hoạt động gần 35 năm, là 1 trong 11 NXB địa phương có “tiếng tăm” của cả nước, những ngày này vẫn không có gì biến chuyển, dù nguồn vốn 5 tỷ đồng vẫn chưa có nguồn.
Giám đốc NXB Thuận Hóa Nguyễn Duy Tờ cho rằng, trong điều kiện khó khăn chung của toàn ngành và nguồn ngân sách tỉnh cấp hạn chế (900 triệu đồng/năm) nhưng với những điều kiện hiện có, như: đội ngũ nhân sự (14 người), trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cơ sở vật chất tối thiểu... NXB vẫn sống đàng hoàng, tử tế. Hàng năm, NXB làm vài trăm đầu sách. Có thể biên tập thẩm định bằng nhiều hình thức, ví như tác giả có nhu cầu chuyển bản thảo, NXB thẩm định, cấp phép để in ấn, hay đơn vị tổ chức những bản thảo lớn và phối hợp với cơ sở phát hành; hoặc có những lĩnh vực NXB đứng ra tổ chức thực hiện và phát hành...
Hiện nay, NXB đang làm hồ sơ để tham mưu cho tỉnh, báo cáo ra Bộ, trong điều kiện KT-XH khó khăn riêng của Huế và những điều kiện khách quan của NXB Thuận Hóa, nhưng dựa trên chức năng nhiệm vụ, bộ máy hoạt động, tiềm năng về văn hóa, lịch sử, truyền thống của vùng đất... thì đó là những điều kiện căn bản, cái quan trọng của vốn rồi. Dù chỉ có chưa đến 1 tỷ đồng và phần còn lại NXB tự chèo chống để tìm nguồn bổ sung thì vẫn cứ hoạt động bình thường. Chắc chắn trong các tiêu chí để thành lập nói chung cũng có điều kiện “mở” chứ không nhất thiết “đóng” hoàn toàn, ông Nguyễn Duy Tờ lập luận.
 Giám đốc NXB Thuận Hóa cho rằng, “đây là Cục XB-In-Phát hành muốn đưa vấn đề này ra trước dư luận xã hội để sắp xếp, hệ thống lại các NXB; xem lại vai trò trách nhiệm của các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương đối với việc quan tâm giúp đỡ các NXB có điều kiện phát triển chứ không phải vì vậy mà dẹp nó đi”.
Phải đầu tư để tồn tại
Lâu nay, cũng như nhiều NXB khác trong cả nước, các NXB tại Huế đều gặp khó khăn về vốn. Vì vậy, các NXB phải liên doanh, liên kết với tư nhân trong lĩnh vực xuất bản. Mặt khác, trong thời đại cạnh tranh với các loại hình thông tin mạng, sách điện tử, để tồn tại, bên cạnh mảng sách truyền thống, các NXB phải cho ra đời những ấn phẩm hay, hấp dẫn và bán được. Theo tính toán, 5 tỷ đồng là kinh phí đủ để xuất bản 30 cuốn sách trong 1 năm, với lượng in trung bình 1.000 cuốn/ấn phẩm.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Lê Viết Xuân nói: “Với 900 triệu đồng chủ yếu là trả lương, thử hỏi NXB Thuận Hóa còn bao nhiêu để đầu tư vào bản thảo. Vì vậy, bằng cách này hay cách khác, UBND tỉnh với vai trò là cơ quan chủ quản sẽ có trách nhiệm để cho NXB hoạt động. Tuy nhiên, NXB Thuận Hóa phải làm việc với tỉnh trên cơ sở quy định của Cục XB để đề xuất cấp vốn và có phương án sử dụng vốn hiệu quả. Cục XB - In - Phát hành sẽ không cấp phép cho NXB Thuận Hóa, nếu không đủ số vốn theo quy định trên.
Việc quy định phải có đủ số vốn mới được cấp phép, hay có 5 BTV cơ hữu theo ông Xuân là có lý, nhưng chưa phù hợp. Vì vậy, các NXB mới tìm cách đối phó để tồn tại. Với tiêu chí về BTV, trong khi đào tạo BTV phải có thời gian, không phải ai cũng được cấp chứng chỉ. Hay như các NXB được cấp vốn để thực hiện nhiệm vụ xuất bản, nhưng liệu có được giữ lại ?. Về vấn đề này, ông Xuân cho rằng quan điểm của Sở TT&TT là số tiền trên phải được giữ lại ít nhất 50% cho NXB hoạt động với điều kiện NXB phải nâng cao chất lượng ấn phẩm XB và đầu tư những bộ sách có giá trị. 
Khi được hỏi, liệu việc cấp vốn có phải là “ảo” để đủ điều kiện cấp phép, ông Nguyễn Thanh Hà cho hay: “Với số vốn được cấp, trong quá trình hoạt động, nếu NXB ĐH Huế sử dụng thì phải có kế hoạch, phương án cụ thể mới được phê duyệt. Hiệu quả vốn hoạt động như thế nào phải có cam kết của NXB với đơn vị chủ quản để tránh sử dụng tiền không đúng mục đích”.
Bài, ảnh: Liên Minh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhận biết và phòng ngừa dịch cúm gia cầm

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm (DCGC), ngày 23/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức hướng dẫn cách nhận biết và các biện pháp phòng trừ DCGC. Mục tiêu là hạn chế thấp nhất vi rút DCGC lây nhiễm và gây tử vong cho người, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi.

Nhận biết và phòng ngừa dịch cúm gia cầm
Return to top