ClockThứ Tư, 22/05/2013 05:29

Khó như... quản lý thuê bao di động trả trước - Kỳ I: Thực trạng

TTH - Thời gian qua, các kênh thông tin đại chúng thường xuyên tuyên truyền về việc cấm bán sim kích hoạt trước và tăng cường quản lý thuê bao di động trả trước. Tuy nhiên, cấm mặc cấm mà bán cứ bán.

Những điều mắt thấy tai nghe

Sim kích hoạt trước vẫn được bày bán tràn lan trên thị trường (ảnh mang tính minh họa)

Chúng tôi có chuyến thị sát ở các quầy hàng bán sim, card, điện thoại di động ở các đường Nguyễn Huệ, Lý Thường Kiệt, Điện Biên Phủ, Hùng Vương... đã chứng kiến các sim kích hoạt trước được bày bán với số lượng lớn. Các cửa hàng này chủ yếu tập trung bán sim khuyến mãi của MobiFone, Vinaphone và Viettel. Chẳng hạn, sim Viettel bán với giá 55.000 đồng có tài khoản 115.000đ; bên cạnh đó, nhà mạng còn khuyến mãi 30.000đ mỗi tháng và kéo dài trong vòng 12 tháng. Các cửa hàng bán sim, card ở trên đường Hùng Vương, Mai Thúc Loan, Phan Bội Châu… đều cung cấp sim kích hoạt trước và khuyến mãi theo dạng bán sĩ và lẻ. Các sim này đều đã được kích hoạt sẵn và không cần đăng ký, chủ cửa hàng cũng cho biết cứ mua về dùng, hay mua sỉ về bán lại cũng không lo bị nhà mạng khóa. Phóng viên cũng thử mua một chiếc sim Vinaphone bán với giá 60.000đ tại cửa hàng TA, đường Phan Bội Châu (TP Huế), có số 0918584xxx, khi bỏ vào máy kiểm tra cho thấy sim này kích hoạt từ ngày 1-1-2013, tài khoản chính có 50.000đ, tặng 50.000đ khuyến mãi 1 và tài khoản 2 khuyến mãi 30.000đ x 12 tháng. Hoặc ở quầy bán sim, card T.V ở đường H.V, TP Huế. Khi thấy tôi đến chị chủ thỏa sức giới thiệu, muốn mua sim gì cũng có, nào là Vinaphone, Mobifone, Viettel…, giá rẻ khuyến mãi nhiều; dùng hết tiền rồi vứt, khỏi phải mất công đăng ký.   

Hầu hết các quầy bán sim, card trên địa bàn TP Huế đều có bán sim kích hoạt trước. Chủ quầy bán điện thoại, card TA, đường Phan Bội Châu, cho biết: “Tui bán sim và card điện thoại hơn 6 năm nay rồi. Gần đây, nghe nói Nhà nước cấm bán sim kích hoạt trước nhưng phía nhà cung cấp họ vẫn chào hàng nên tui vẫn lấy bán kiếm thêm ít hoa hồng. Bán sim này khỏe re, khách mua rồi bỏ vào máy là dùng thôi không phải mất thời gian đăng ký, với lại khuyến mại cao gấp nhiều lần nên họ rất thích”. 
 
Trong lúc thực hiện bài viết này, có số máy lạ nhắn tin vào máy của tôi với lời rao: “Bán sim vina 0917937xxx gần giống sim của bạn. Giá bán 460.000 đồng. Giao sim đến tận nhà rồi mới nhận tiền”. Sau khi nhận được tin nhắn, tôi liền điện thoại đến các doanh nghiệp viễn thông để truy tìm người gửi tin nhắn cho mình là ai, nhưng được doanh nghiệp trả lời số máy này không đăng ký (!?).
 
Thuê bao trả trước đang được các nhà mạng “nuông chiều”, trong khi đó thiếu những chính sách hợp lý để phát triển thuê bao trả sau một cách bền vững. Đây chính là lỗ hổng tạo ra lượng sim rác ngày càng lớn.
 
Siết mãi vẫn không chặt
 
Không phải sau khi Thông tư 04 ra đời, mà trước đó Bộ Thông tin&Truyền thông ban hành nhiều thông tư quy định về quản lý thuê bao di động trả trước. Tuy nhiên, nhà quản lý và doanh nghiệp viễn thông siết mãi vẫn không chặt. 
 
Ông Nguyễn Đức Quân, Giám đốc Chi nhánh Mobifone Huế cho biết: “Sau khi Thông tư 04 ra đời, Chi nhánh Mobifone Huế quản lý chặt chẽ về sim trả trước, nếu làm không chặt sẽ dẫn đến nhiều tiêu cực. Đến thời điểm này, Mobifone Huế có hơn 230.000 thuê bao di động trả trước. Đơn vị đang rà soát lại nếu thuê bao nào đăng ký sai thông tin hoặc chưa đăng ký thì yêu cầu khách hàng đến cửa hàng Mobifone để đăng ký lại. Song song, Mobifone Huế cũng không còn kinh doanh sim kích hoạt trước. Hiện, trên địa bàn tỉnh có bán sim kích hoạt trước có thể ở các tỉnh khác đưa về. Bởi vì, các đại lý bán sim có hoa hồng cao, nên các đại lý lén lút bán nếu ngành chức năng phát hiện thì cần xử lý mạnh tay”.
 
“Điều mà tôi trăn trở nhất là các tổng đại lý cấp 1 trên địa bàn tỉnh đều lấy sim ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội để bán.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, số liệu của các doanh nghiệp di động báo cáo trung bình phát triển 10 triệu thuê bao mỗi năm, song chỉ có 1-2 triệu thuê bao là thực, còn lại là sim rác, thuê bao ảo. Đây cũng là một thực tế dễ nhận thấy gần đây khi thị trường viễn thông bước vào giai đoạn bão hòa, nhà mạng tung nhiều chiêu khuyến mãi, tặng tiền để thu hút thuê bao mới trả trước. Do đó, người dùng thường mua sim rác, sử dụng hết số tiền trong tài khoản rồi bỏ, mua sim mới một cách thoải mái.

Năm ngoái, khi đi kiểm tra mặc dù mình thấy các đại lý có bán sim kích hoạt trước nhưng không có cách gì để kiểm tra được, bởi vì, thanh tra sở không có quyền hạn để soát xét họ. Tôi đồng tình với Bộ Thông tin và Truyền thông về quản lý thuê bao di động trả trước, rất mong các các doanh nghiệp viễn thông trung thực cung cấp mọi thông tin cho Sở Thông tin và Truyền thông để sở thuận tiện thanh tra trong thời gian tới. Tôi cũng rất hy vọng vào Thông tư 15 khi sim kích hoạt thời gian 60 ngày nhưng không hoạt động thì phải trở lại quỹ số ban đầu, doanh nghiệp phải sử dụng lại kho số đó”. Bà Cao Thị Vân, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông nói.
 
Do lợi nhuận từ những chiếc sim rác mang lại khá cao, nên cả khách hàng và nhà cung cấp đều khó cưỡng được. Với những chiếc sim khuyến mãi, các nhà cung cấp bán được nhiều hàng, còn người dùng thì sẽ được hưởng lợi từ việc tài khoản của mình được nhân gấp đôi, gấp ba. Quan trọng nhất, để hạn chế sim rác, tin nhắn rác phải có quy định quản lý từ chính các nhà mạng thay vì người sử dụng. Xét cho cùng, xuất phát gốc của sim rác, tin nhắn rác vẫn là từ phía các nhà mạng.  
 
Quản lý thuê bao di động là rất cần thiết. Trên thế giới đã xảy ra nhiều vụ khủng bố kích hoạt nổ bằng điện thoại di động nên ở nước ngoài đã đưa vào quản lý từ lâu. Ở nước ta tuy chưa xuất hiện tình trạng nghiêm trọng như trên nhưng tình trạng quấy rối , khủng bố tinh thần… thì rất nhiều nên việc quản lý là điều hiển nhiên. Xét về thời điểm, việc quản lý thuê bao di động trả trước theo tôi đã là quá muộn. Cùng với đó là lãng phí quá nhiều về kinh tế, tài nguyên kho số. Nên chăng, việc quản lý thuê bao di động trả trước không hiệu quả do chính sách pháp luật thiếu hợp lý; quản lý của các ngành chức năng không đồng bộ.
(Còn nữa)
Bài, ảnh: Thanh Thuận
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso

Ngày 22/3, Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học về dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh "Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso đỏ tại Phong Điền". Dự án do PGS.TS Nguyễn Văn Toản, giảng viên Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế làm chủ nhiệm.

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso
Tắt sóng 2G: Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng

Theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đến tháng 9/2024 sẽ tắt sóng 2G trên phạm vi toàn quốc, tiến tới tắt sóng 3G những năm sau đó. Để không có người dân, khách hàng nào bị bỏ lại phía sau, cơ quan chức năng cùng các nhà mạng đã chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng.

Tắt sóng 2G Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng

TIN MỚI

Return to top