ClockChủ Nhật, 23/08/2015 09:04

Khó quản xe khách Lào - Việt

TTH - Tình trạng không kiểm soát của các xe khách hoạt động tuyến liên vận quốc tế Lào - Việt trên địa bàn Thừa Thiên Huế kéo dài từ lâu, tuy nhiên đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra giải pháp khắc phục triệt để.

Mất an toàn giao thông

7h sáng, chúng tôi có mặt xã Lộc Bổn (Phú Lộc) chứng kiến nhiều xe chạy tuyến Việt - Lào vô tư đậu đỗ dọc đường bắt khách, hàng hóa chất đầy trần xe. Thực trạng trên gây mất an toàn giao thông đối với người dân tham gia giao thông trên Quốc lộ 1A.

"Bến cóc" xe Lào-Việt trên địa bàn xã Lộc Bổn

Xã Lộc Bổn từ lâu nổi tiếng với những “làng xuất ngoại” sang ở các tỉnh của nước bạn Lào như: Viêng Chăn, Savanakhet, Salavan, Thakhet, Paske… để mưu sinh. Hầu hết các xe ở đây mang biển kiếm soát (BKS) Lào, một số ít mang BKS Thừa Thiên Huế. “Giờ đi Lào rất dễ, chỉ cần điện thoại trước cho nhà xe đặt vé, đến giờ xe đến đón tận nhà”- anh Hải người dân xã Lộc An cho biết.

Sau khi bắt khách và bốc xếp hàng hóa ở bến cóc trên địa bàn xã Lộc Bổn. Khoảng 8h sáng, xe khách Đá Cơ, Út Nọm… (chạy tuyến Huế - Viêng Chăn) bắt đầu lăn bánh. Chạy được vài km tiếp tục tấp vào bên đường đón khách và xếp hàng hóa lên xe. Sau đó, tấp vào ngã ba phía Nam đường tránh Huế, bác phụ xe nhanh chóng dùng dây thừng đưa từng bao tải hàng hóa chất đầy trần xe. Những thùng xốp được “nhét” vào khoảng trống ít ỏi còn lại của thùng xe.

Hỏi chuyện một đầu mối gửi hàng “xuất ngoại”, người đàn ông trạc 40 tuổi, bảo: “Gửi hàng gì cũng được, đủ loại hải sản, trái cây, nông sản”. Cứ thế, đoạn đường chừng hai chục km, nhưng nhà xe chạy vài tiếng đồng hồ, trước khi đáp vào Bến xe phía Nam TP Huế làm thủ tục.

Ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý Vận tải và phương tiện (Sở GTVT Thừa Thiên Huế) cho biết: “Trước tình trạng xe chạy tuyến Lào-Việt bắt khách không đúng nơi quy định, chở hàng hóa quá tải, không lắp thiết bị giám sát hành trình... Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với Cảnh sát giao thông tuần tra, phát hiện lập biên bản xử lý, nhưng chưa nhiều. Sở Giao thông Vận tải đang lập đề án thành lập bãi đỗ xe ở xã Lộc Bổn với diện tích 1.000m2 để trình UBND tỉnh trong thời gian tới.

Dù đăng ký tuyến từ bến xe này nhưng thực chất, các xe chỉ vào bến cho có lệ. Mọi hoạt động bốc xếp, bắt khách chủ yếu diễn ra tại bến cóc. Ngoài những chiếc xe chuyên tuyến Huế - Lào nhiều xe khách tuyến Đà Nẵng - Lào cũng tấp vào bến cóc này, khiến tình trạng mất trật tự, an toàn giao thông kéo dài đến tận trưa…

Một người dân xã Lộc Sơn (Phú Lộc) thường xuyên qua Lào làm ăn buôn bán cho hay: Phong trào “xuất ngoại” sang Lào làm ăn ở Lộc Bổn có từ lâu và phát triển mạnh trong những năm gần đây. Theo đó, số lượng xe chạy các tuyến liên vận từ Huế qua Lào và ngược lại cũng ngày càng nhiều. Nhiều xe giường nằm chất lượng tốt, nhưng các xe này chở quá nhiều hàng hóa trên xe, rất nguy hiểm. Người dân ở gần bến cóc này hàng ngày chứng kiến tình trạng xe ngang nhiên đậu đỗ, đón trả khách, hàng hóa gây mất an ninh trật tư, an toàn giao thông nhưng không thấy lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý (?)

Ngoài tầm kiểm soát

Ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý Vận tải và phương tiện (Sở GTVT Thừa Thiên Huế) cho hay, xe biển số Lào đang “ngoài tầm kiểm soát”. Ngay cả xe mang BKS Việt Nam (BKS Thừa Thiên Huế) cũng khó quản lý khi qua biên giới. Bởi, quy định về vận tải giữa hai nước Việt - Lào đến nay chưa có điểm chung. Đơn cử, phía Việt Nam quy định rõ luồng tuyến, bến bãi, nhưng bên nước bạn Lào chỉ cấp giấy đi từ tỉnh này đến tỉnh khác, không ghi rõ tuyến đường, bến đi, bến đến... Các phương tiện mang biển Việt Nam đều phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, còn các phương tiện mang biển Lào thì không…

Tình trạng chở hàng hóa, hành lý trên xe khách, đặc biệt là trần xe, quá tải trọng vẫn diễn ra khá phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Nhưng đặc thù xe biển Lào hầu hết có nguồn gốc giấy tờ do nước bạn Lào cấp. Anh T từng là tài xế thâm niên chạy xe BKS Lào tuyến Lào - Việt cho hay, theo quy định tài xế xe BKS Lào phải là người Lào hoặc nếu là người Việt phải có hợp đồng lao động với công ty vận tải bên Lào, đồng thời phải có kinh nghiệm. Nhưng thực tế, hầu hết các xe BKS Lào đều đang do tài xế Việt lái.

Ông Lê Thưởng, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Xe khách Thừa Thiên Huế cho biết: “Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 5 đơn vị khai thác tuyến liên vận quốc tế Việt - Lào với hơn 10 đầu xe, nhưng tính cả xe tư nhân thì phải trên 50 chiếc. Quy định ngày xe Lào chạy, ngày xe Việt chạy xen kẽ nhau nhưng xe BKS Việt thực hiện nghiêm, còn xe BKS Lào không thực hiện. Ngày của mình, họ cũng chạy, còn ngày của doanh nghiệp Lào, xe Việt có chạy qua bến Lào, họ không cho về.

Ông Phạm Xuân Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý Bến xe Thừa Thiên Huế cũng nói: “Trong hợp đồng hàng năm, bến xe yêu cầu các doanh nghiệp, xe BKS Lào phải chấp hành đúng theo quy định của Việt Nam và phải đáp ứng theo các quy định bến xe mới làm thủ tục xuất bến theo quy định. Nhưng thực tế ra đường, họ vẫn vi phạm, trong khi cơ quan chức năng xử lý khá “chừng mực”.

Bài, ảnh: Thanh Thuận
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013, trong đó người dân đặc biệt quan tâm đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai; làm lành mạnh hóa thị trường; hạn chế đầu cơ, tham nhũng về đất đai.

Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai
Tháo gỡ vướng mắc mặt bằng Khu Chung cư Đống Đa

Chiều 25/3, UBND tỉnh tổ chức buổi đối thoại với các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng tại Dự án (DA) Cải tạo, xây dựng lại các dãy nhà A,B,C Khu Chung cư Đống Đa (KCCĐĐ) tại Phường Phú Nhuận, TP. Huế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì buổi đối thoại.

Tháo gỡ vướng mắc mặt bằng Khu Chung cư Đống Đa

TIN MỚI

Return to top