ClockThứ Tư, 10/08/2016 14:13
NHÀ Ở PHÒNG TRÁNH LỤT BÃO:

Khó về đích đúng hạn

TTH - Theo kế hoạch, Chương trình nhà ở phòng tránh lụt, bão theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ sẽ kết thúc vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, đến nay, nguồn vốn bố trí mới chỉ đạt khoảng 60%.

Gia đình ông Vương Văn Cát, thôn 4, xã Hương Hữu, Nam Đông nhận hỗ trợ từ chương trình đang tiến hành xây dựng

Nhiều hộ xin rút

Bà Võ Thị Khuya, thôn Trung Làng, xã Quảng Thái dù đã già yếu nhưng vẫn ở trong ngôi nhà lụp xụp. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, lại phải nuôi đứa cháu tật nguyền, được xét đưa vào danh sách hộ nhận hỗ trợ từ chương trình nhà ở phòng tránh lụt, bão. Nhưng khi chương trình triển khai, nhìn số vốn hỗ trợ bà lại lo lắng, vì theo tính toán, kinh phí xây dựng lên đến gần 100 triệu đồng, trong khi số tiền hỗ trợ chỉ có 29 triệu đồng (bao gồm cả vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội).

Theo tìm hiểu, trong số 35 hộ nhận hỗ trợ từ chương trình ở xã Quảng Thái có đến 20 hộ xin rút khỏi chương trình. Ngoài lý do số tiền hỗ trợ quá ít so với dự toán kinh phí xây dựng thì nhiều hộ trong đề án lại gặp khó khăn do không có đất để xây dựng. Rào cản giải ngân vốn cũng khiến nhiều hộ không mấy mặn mà. Quy định tại Quyết định 48 về giải ngân vốn chương trình yêu cầu “giải ngân lần đầu 70% vốn hỗ trợ theo quy định đối với những hộ gia đình thực hiện xây dựng mới sau khi hoàn thành phần móng và đối với những hộ gia đình thực hiện cải tạo, nâng tầng nhà ở đã có sau khi hoàn thành 30% khối lượng công việc xây dựng sàn vượt mức ngập lụt; giải ngân tiếp 30% còn lại sau khi các hộ gia đình hoàn thành công trình”. Còn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ “giải ngân 100% vốn vay theo quy định đối với những hộ gia đình thực hiện xây dựng mới sau khi hoàn thành phần móng...”. Với yêu cầu như trên, hộ nghèo cần có vốn đối ứng mua vật liệu, nhân công, vốn hỗ trợ sẽ được giải ngân sau, khiến nhiều hộ nghèo khó khăn về kinh phí không dám tham gia chương trình.

Đến nay, tổng số hộ đã triển khai thực hiện chương trình nhà ở phòng tránh lụt, bão là 1.648 hộ, tương đương 43% so với số lượng nhà ở đã được phê duyệt tại đề án của tỉnh (đạt 74% so với kinh phí Bộ Tài chính đã giải ngân). Trong đó, số lượng nhà ở xây dựng mới là 968 nhà; nhà ở cải tạo, sửa chữa: 680 nhà. Tổng số vốn huy động thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt là 64,815 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương (100%): 31,290 tỷ đồng; vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội: 33,525 tỷ đồng. Ngoài các nguồn vốn trên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ.

Ngoài việc các hộ xin rút khỏi chương trình, một số địa phương lại tự điều chỉnh số hộ tham gia chương trình khi chưa có quyết định phê duyệt điều chỉnh bổ sung của UBND tỉnh. Điển hình như tại Nam Đông. Trong số 222 hộ nằm trong đề án phê duyệt, có 183 hộ đã triển khai; 39 hộ không tham gia chương trình. Khi 39 hộ này có đơn xin rút khỏi chương trình, xã, thôn đã linh động tiến hành bình xét danh sách bổ sung 33 hộ nhận hỗ trợ và tiến hành phân bổ kinh phí cho các hộ này. Tuy nhiên, do làm trái quy trình, các hộ trên mới chỉ nhận được vốn hỗ trợ, còn vốn vay ở Ngân hàng Chính sách xã hội chưa được giải ngân, khiến công trình thi công dang dở.

Rào cản giải ngân vốn

Ông Lê Quang Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng lý giải, mặc dù nằm trong danh sách hộ nhận hỗ trợ theo đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt, nhưng đến thời điểm cấp kinh phí, một số hộ lại xin rút khỏi chương trình hoặc địa phương phê duyệt đối tượng không đúng quy định, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chương trình.

Cũng theo ông Dũng, khó khăn lớn nhất của chương trình bây giờ là vốn. Theo kế hoạch, chương trình sẽ kết thúc vào cuối năm 2016, nhưng đến thời điểm này, Bộ Tài chính mới chỉ tạm cấp vốn cho năm 2014 và 2015 với số tiền 31,29 tỷ đồng, đạt khoảng 60% tổng số vốn chương trình. Vốn chưa cấp, trong khi thời gian từ đây đến mùa mưa bão không còn dài, đồng nghĩa với chương trình này sẽ khó hoàn thành trong năm như kế hoạch. Vì thế, thời điểm này, Sở Xây dựng tiến hành đốc thúc các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở theo kế hoạch vốn đã cấp hoàn thành trước mùa mưa bão. Sở cũng đã kiến nghị Bộ Xây dựng có phương án đề xuất Bộ Tài chính, Chính phủ sớm giải ngân số vốn còn lại của chương trình, để kịp thời hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra.

HOÀNG LOAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhà ở phòng tránh lụt bão: Cơ bản hoàn thành

So với kế hoạch năm 2019, chương trình nhà ở phòng tránh lụt bão (theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Chính phủ) lồng ghép với dự án GCF (Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” hợp phần 1) đã cơ bản hoàn thành.

Nhà ở phòng tránh lụt bão Cơ bản hoàn thành
Return to top