ClockThứ Bảy, 22/10/2022 06:30

Khó xoay xở khi giáo viên đơn môn dạy tích hợp

TTH - “Thực lòng, làm thầy cô giáo, tôi vẫn muốn có 10 mới dạy 1, chứ có 2 mà dạy 1 khiến tôi thiếu tự tin và đã có lúc phải “khất nợ” các em để tiếp tục nghiên cứu tài liệu”. Lời bộc bạch của một cô giáo có thâm niên 15 năm trong nghề, vừa thương, vừa thấy áp lực và cả những bất cập khi năm đầu tiên nhiều giáo viên trung học cơ sở (THCS) phải dạy tích hợp liên môn.

Linh hoạt bố trí giáo viên dạy tích hợp liên mônDạy và học tích hợp ở Trường THCS Chu Văn AnLúng túng khi dạy tích hợp liên môn

Tiết học tổ hợp tự nhiên ở Trường THCS Huỳnh Đình Túc

Giáo viên chưa được đào tạo liên môn

Đối với môn tích hợp sử - địa vẫn có hướng mở là tách riêng, nên các trường tự xây dựng kế hoạch dạy học và hiện tồn tại hai cách làm. Những trường tách được thì giáo viên sử dạy sử, địa dạy địa. Những trường không tách được thì dạy chương trình chung. Riêng chương trình lý - hóa - sinh, nhiều trường không tách được, vì tỷ lệ môn sinh học đến 60% trong chương trình tích hợp. Thế nên, giáo viên đành chấp nhận phương án giáo viên lý tự học thêm hóa và sinh, còn giáo viên hóa tự học thêm sinh, lý…

Gặp gỡ cô giáo Hồ Thị Thanh Vân, giáo viên dạy hóa Trường THCS Huỳnh Đình Túc (TP. Huế) mới thấy rõ những khó khăn của giáo viên dạy liên môn. Cô Vân cho biết, năm nay cô đảm nhận dạy lớp 6 bộ môn khoa học tự nhiên. Cô là giáo viên dạy hóa, nhưng hiện tại phải dạy luôn môn lý và sinh. Thuận tiện với học sinh là sẽ sử dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn. Tuy nhiên, cô chưa được qua một lớp tập huấn nào về dạy liên môn nên rơi vào thế bắt buộc tự nâng cao trình độ để dạy. Cô gặp khó khăn khi chỉ giảng bài trong khuôn khổ sách giáo khoa.Thế nên, giáo viên phải mất khá nhiều thời gian để nghiên cứu về các môn mà mình không chuyên sâu.

Không chỉ riêng giáo viên Trường THCS Huỳnh Đình Túc, mà hiện chưa có giáo viên nào được đào tạo để dạy tích hợp. Nhưng giáo viên bộ môn xã hội còn “dễ thở” hơn khi tài liệu nhiều, giáo viên dễ tham khảo. Còn bộ môn tổ hợp tự nhiên thì tài liệu tham khảo vẫn thiếu trước, hụt sau. Bên cạnh đó, thiết bị dạy học của bộ môn này vẫn còn thiếu, buộc giáo viên phải tận dụng thiết bị của chương trình cũ để giảng dạy. Tuy nhiên, cũng không thể làm khác được, ở nhiều trường nếu không dạy tổ hợp, giáo viên sẽ bị vượt tiết, lại thêm vất vả hơn.

Khó xếp thời khóa biểu tổ hợp tự nhiên

Thực tế, nhiều trường THCS ở Thừa Thiên Huế vẫn phải dạy song song các phân môn trong môn tích hợp, giống như dạy riêng lẻ đơn môn trước đây. Theo bà Lê Nguyên Lộc, Phó phòng GD&ĐT huyện Phú Vang, do số lớp đông, không bố trí được giáo viên nên nhiều trường khó có thể bố trí dạy liền mạch đối với môn tích hợp, mà phải dạy song song các phân môn. Tất nhiên, khi 3 giáo viên dạy một môn tích hợp, học sinh phải chuẩn bị vở ghi, các yêu cầu riêng theo đơn môn.Vì thế, hầu hết học sinh vẫn chưa có ý thức đó là môn học tích hợp, mà xem đó là 3 môn học.

Nhiều tổ trưởng bộ môn tự nhiên xã hội chia sẻ, lúc đầu nhà trường sắp thời khóa biểu dạy đơn môn như trước: mỗi tuần có 2 tiết lý, 1 tiết hóa, 1 tiết sinh. Tuy nhiên, nếu dạy theo phương án này thì dễ cho nhà trường và giáo viên, nhưng lại đẩy khó khăn về học sinh vì bị hạn chế trong tiếp thu bài.

Hiệu phó Trường THCS Đặng Văn Ngữ (TP. Huế), bà Hồ Thị Xuân Hồng cho rằng, chương trình môn khoa học tự nhiên được thiết kế theo chủ đề và mỗi chủ đề lại phù hợp với từng bộ môn. Nếu xếp thời khóa biểu tuần tự như trước thì đang dạy chủ đề vật lý, đến giờ hóa sẽ phải dạy sang một chủ đề khác, học sinh sẽ không được học liền mạch nội dung. Do vậy, nhà trường đang áp dụng theo cách phân công giáo viên dạy hết từng chủ đề, để bảo đảm việc dạy đủ 140 tiết/năm lẫn tính logic của chương trình khoa học tự nhiên.

Vẫn có cảm giác bộ môn khoa học tự nhiên đang thực hiện theo kiểu “bình mới, rượu cũ” khi đem ghép 3 môn vào chung một cuốn sách. Nội dung của từng môn được sắp xếp theo cấu trúc vài chương một phân môn. Theo cấu trúc ấy, những tuần đầu học sinh lớp 6, 7 sẽ học cuốn chiếu phân môn hóa, thời lượng 4 tiết/tuần. Các tuần tiếp theo sẽ học lý, kết thúc môn lý chuyển sang học môn sinh… Nhiều ý kiến cho rằng, cách thiết kế này dẫn đến sự quá tải với học sinh và giáo viên.

Vấn đề đặt ra, đến thời điểm này Bộ GD&ĐT vẫn chưa có bất cứ hướng dẫn nào về việc giáo viên đơn môn nếu chuyển sang dạy tích hợp thì phải đảm bảo các điều kiện cụ thể như thế nào? Trong khi, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, Bộ GD&ĐT chỉ ra rằng, kế hoạch giáo dục trong nhà trường ở một số cơ sở giáo dục phổ thông chưa phù hợp. Việc phân công giáo viên và bố trí thời khóa biểu dạy học môn khoa học tự nhiên lớp 6 còn lúng túng, chưa hiệu quả.

Nhận rõ hạn chế để có những phương án cụ thể trong việc đào tạo con người. Bộ GD&ĐT yêu cầu, Sở GD&ĐT cần ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của một số môn học hiện tại để tiến tới họ có thể đảm nhiệm dạy học toàn bộ môn học khoa học tự nhiên, khoa học xã hội theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Còn về phía giáo viên ở Thừa Thiên Huế, nhiều ý kiến cho rằng, chỉ bồi dưỡng chứng chỉ thôi cũng chưa thể đáp ứng yêu cầu dạy học và đảm bảo việc thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới. Điều các trường cần là phải có đội ngũ giáo viên chính quy được đào tạo dạy tích hợp, liên môn chứ không nên đào tạo giáo viên đơn môn để sau đó phải đào tạo lại. Trước mắt, giáo viên ở các trường phải tự mình nâng cao trình độ, học từ đồng nghiệp, linh hoạt trong ứng dụng công nghệ thông tin để truyền tải kiến thức sát với chương trình giáo dục phổ thông mới, phát huy năng lực sáng tạo của học sinh.

Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy
Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau

Chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên (1 trong 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu - người sáng lập Diễn đàn Giáo dục sáng tạo Việt Nam) mới đây đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế xung quanh những vấn đề về giáo dục hiện nay. Bà chia sẻ về áp lực của giáo viên, học sinh cùng trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong bối cảnh chương trình giáo dục liên tục thay đổi.

Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau
“Học sử để sống với người đã chết”

“Học sử làm gì? Học địa làm gì? Học địa để sống với non sông đất nước. Học sử để sống với người đã chết”. Đó là câu hỏi và trả lời của cụ Huỳnh Thúc Kháng, đăng trên báo Tiếng Dân do chính cụ làm chủ bút, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

“Học sử để sống với người đã chết”

TIN MỚI

Return to top