ClockThứ Năm, 24/09/2015 10:21

Khó xuất khẩu tại chỗ

TTH - Kể từ khi chính thức đi vào vận hành vào những tháng cuối năm 2013 với công suất 9.500 tấn/năm, hoạt động của Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Thừa Thiên Huế (CP) xem như đã mở ra một trang mới, không chỉ cho người nuôi tôm mà cả người lao động ở vùng cát Phong Điền và các vùng phụ cận.

Đây có thể là điều hoàn toàn có thật, nhất là khi Phong Điền là một vùng có nhiều tiềm năng đối với việc nuôi tôm trên cát, khi diện tích đã được quy hoạch lên đến 900 ha và chiếm đến 90% diện tích đã được quy hoạch của tỉnh. Thực tế cũng cho thấy, việc nuôi tôm ở Phong Điền trong thời gian qua đã làm thay đổi vùng cát và đời sống của người dân ở khu vực này. Ngoài sự hiện diện của CP, ở đây còn có sự tham gia của 5 công ty và khoảng 140 nhóm hộ dân ở các xã Ngũ Điền với diện tích vào khoảng trên 530 ha. Ước mong chuyển đổi vai trò nhà nông sang công nhân nuôi tôm với cách làm chuyên nghiệp, thu nhập ổn định và cao hơn nhiều lần so với trước có vẻ như đã nằm trong tầm tay.

Tuy nhiên, không phải điều gì cũng như ta mong đợi. Sau những thành công ban đầu trong phát triển tôm nuôi như một sản phẩm hàng hóa có mức tăng trưởng tốt, hiện việc nuôi tôm trên địa bàn gặp phải những khó khăn đến từ nhiều phía. Gần như việc nhập tôm thương phẩm cho CP chỉ dừng lại ở mức độ quá khiêm tốn so với diện tích đã được đưa vào nuôi thả. Con số cụ thể là chỉ 3-4 hộ trong năm qua theo như báo cáo của Chi cục Nuôi trồng thủy sản tại buổi giám sát mới đây của đại biểu HĐND tỉnh. Thời tiết bất thường, nguồn tôm giống chưa chủ động và chưa thể kiểm soát được là những lý do mà nhiều hộ, nhóm hộ đành chấp nhận “phơi hồ” vì dịch bệnh. Đây có phải là những căn nguyên chính mang tới thất bát và khiến cho tôm nuôi trên địa bàn chưa thể xuất khẩu tại chỗ? Điểm rơi của vấn đề này là gì?
Rõ ràng so với quy trình chặt chẽ của CP, bao gồm các công đoạn từ con giống, thức ăn đến chương trình quản lý ao nuôi và hệ thống bảo vệ chống sự lây lan từ bên ngoài…việc nuôi và phát triển tôm nuôi của chúng ta còn có nhiều vấn đề cần soát xét và thay đổi. Ngoại trừ bất cập mà chúng tôi đã nêu ở phần trên, các yếu tố làm tôm thương phẩm của chúng ta không được chấp nhận nằm ở chỗ quy trình kỹ thuật chưa đảm bảo; ngay cả việc tưởng như đơn giản nhất là nhật ký nuôi tôm hàng ngày cũng không thực hiện đầy đủ, hoặc nếu có cũng quá sơ sài trong khi đây là một nguyên tắc cần phải được tuân thủ trong việc kiểm định đầu ra. Cũng theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản, không phải ở hồ tôm nào cán bộ của Chi cục cũng có thể dễ dàng vào lấy mẫu để kiểm tra. Một cảnh báo khác, khi bị dịch, có hiện tượng dùng kháng sinh của người cho tôm bệnh. Tất cả những điều này đều ảnh hưởng đến tôm thương phẩm và việc CP từ chối là điều đã xảy ra. Bên cạnh đó còn là những hệ quả từ việc tôm không đủ chuẩn về size, ảnh hưởng của việc xử thải của hồ nuôi lên tôm nuôi, tác động của môi trường nuôi và thức ăn chưa đảm bảo…
Có thể là chưa hết nhưng chắc chắn đây là những yếu tố dẫn đến việc tôm nuôi khó xuất khẩu tại chỗ. Hơn nữa, trước những yêu cầu nghiêm ngặt trong việc kiểm định, người nuôi trồng cũng đã “từ chối” bán tôm cho CP mà tìm các thị trường dễ dàng hơn, chủ yếu là thị trường phía bắc. Sự dễ dàng này cũng kéo theo một hệ quả khác là phía trước của vùng nuôi vẫn là những mùa tôm phập phù.
Bình Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top