ClockThứ Năm, 02/02/2012 05:07

Khoa học công nghệ khó “tiêu tiền” Nhà nước

TTH - Các nhà khoa học ở Thừa Thiên Huế đang đùa, nhưng lại rất đúng, khi câu chuyện đầu tư phát triển KHCN hiện nay quả khó "tiêu tiền" Nhà nước.

Tại hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 5 vào đầu tháng 11/2011, nhiều đại biểu thừa nhận, gần đây hoạt động KHCN trên địa bàn đã phát triển mang tính toàn diện và tạo nền tảng vững chắc đưa Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm KHCN vào năm 2020. PGS.TS Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Đại học Huế dịp đó cũng cho rằng, Thừa Thiên Huế đang từng bước phát triển các thiết chế KHCN, tạo điều kiện cho đội ngũ các nhà khoa học có chất lượng và chuyên sâu nghiên cứu, tiếp nhận, làm chủ phát triển KHCN trên nhiều lĩnh vực...

Nhìn ở khối Đại học Huế hay ở Bệnh viện Trung ương Huế hiện nay, đã thấy nhiều giáo sư, tiến sĩ... tập trung đẩy mạnh các hướng NCKH với những dự án đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, tỉnh. Những công trình, đề tài khoa học đó được vinh danh và được chuyển giao, ứng dụng thành công trong các lĩnh vực y dược, công - nông nghiệp, thông tin... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.
 
 Thừa Thiên Huế gần đây khuyến khích, thu hút nhiều tổ chức, nhà khoa học thể hiện tài năng của mình trong lĩnh vực KHCN. Đó là việc tổ chức thành công các hội thi Sáng tạo về khoa học kỹ thuật tỉnh; “Giải thưởng Cố đô về KHCN”... Nổi bật là giải thưởng Cố đô về KHCN được tổ chức 4 năm một lần và năm 2011 là lần thứ 2, Thừa Thiên Huế tổ chức xét chọn và trao tặng 12/25 công trình có giá trị xuất sắc về KHCN, mang tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Điển hình như công trình và cụm công trình “Nghiên cứu dự báo nguy cơ tim mạch toàn dân và triển khai kỹ thuật chẩn đoán điều trị tim mạch tại Thừa Thiên Huế” (Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế); “Nghiên cứu khả năng tích lũy một số hoạt chất sinh học có giá trị từ nuôi cấy tế bào thực vật” (Trường đại học Khoa học Huế); “Nghiên cứu lai tạo và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất các tổ hợp lợn lai ¾ máu ngoại có năng suất và tỷ lệ nạc cao ở Thừa Thiên Huế” (Trường đại học Nông lâm Huế)...
 
Ảnh minh họa từ trang web của Sở Y tế Thừa Thiên Huế
 
Tuy nhiên bên những điểm sáng, hoạt động KHCN ở địa phương vẫn gặp khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư phát triển KHCN. Nhiều công trình, đề tài ra đời chưa tạo đột phá mới và tương xứng tiềm năng phát triển kinh tế xã hội địa phương. Thống kê từ phòng quản lý KHCN-Sở KHCN cho thấy, gần đây mỗi năm có khoảng trên dưới 15 dự án, đề tài khoa học được Hội đồng khoa học tỉnh xét chọn phê duyệt đưa vào danh mục triển khai theo nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương (năm 2011 có 14 đề tài, năm 2012 đã xét chọn được 17 đề tài). Theo chúng tôi tìm hiểu, với tiềm năng thế mạnh của đội ngũ khoa học ở Thừa Thiên Huế vốn được xếp đứng thứ ba trong cả nước (sau hai trung tâm KHCN lớn là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội) thì số dự án, đề tài đưa vào danh mục triển khai hàng năm là không nhiều. Câu chuyện này đã làm nhiều nhà khoa học trên địa bàn chùn bước, giảm ham thích về việc nghiên cứu khoa học. Hơn nữa, hiện nay vấn đề các nhà khoa học đang băn khoăn lo lắng là sự bất cập về cơ chế quản lý tài chính trong ngành KHCN; đặc biệt nguồn kinh phí sự nghiệp cấp để thực hiện nghiên cứu dự án, đề tài khoa học rất khó giải ngân. Mà khó giải ngân, dẫn đến thừa đọng kinh phí, trong lúc đó chủ đề tài khoa học cần tiền trang trải trong nghiên cứu hàng năm. Cụ thể, năm 2010 kinh phí Nhà nước chỉ giải ngân khoảng 4/9 tỷ đồng cho các dự án, đề tài khoa học thực hiện. Năm 2011, kinh phí cấp để triển khai thực hiện các dự án, đề tài trên địa bàn có nhỉnh hơn nhưng không vượt nhiều so với năm 2010. Chính vì thế, gần đây tại các hội nghị, giao ban ngành KHCN tỉnh có nhiều ý kiến đùa, nhưng rất thật - làm khoa học bây giờ khó “tiêu hết tiền” Nhà nước lắm!
 

Vinh danh các nhà khoa học có những đề tài khoa học xuất sắc tại giải thưởng Cố đô về KHCN năm 2011

 
Gạt bỏ cơ chế quản lý cũ
 
Theo một cán bộ trong ngành khoa học tỉnh, làm khoa học bây giờ buồn và nhiêu khê lắm. Anh cho rằng, xây dựng một đề tài theo nhiệm vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội tỉnh đề ra phải qua nhiều thủ tục hành chính, tài chính giữa các ngành liên quan kéo dài gần 1 năm, rồi lại trình tỉnh phê duyệt, sau đó mới triển khai thực hiện. “Khoảng lặng” từ khi chuẩn bị đến lúc áp dụng vào thực tế làm mất đi tính thời sự của vấn đề cần triển khai. Cũng chính vì điều này, chính anh và các đồng nghiệp khác cảm thấy ngán, “tránh né” bởi phải tiếu tốn quá nhiều thời gian. Một cán bộ quản lý KHCN ở một trường đại học ở Huế lại cho rằng, các nhà khoa học làm đề tài cấp tỉnh phải bản lĩnh mới làm được, phải biết đối ngoại, thanh quyết toán, biết quản lý. Báo cáo đề tài dài hàng trăm trang, nhưng vì một lý do nào đó thời điểm thanh quyết toán chỉ được giải quyết 50-70%. Nhiều thầy bối rối vì bị “hành” như vậy, nhiều thầy không làm được vì thủ tục quyết toán phiền toái, mất nhiều thời gian... Chính vậy mà hiện nay, nhiều nhà khoa học chỉ tìm đến việc nghiên cứu vì một lý do riêng nào đó cho cá nhân hoặc bạn bè mà thôi...
 
PGS. TS Trần Ngọc Nam-Giám đốc Sở KHCN tỉnh cho rằng, câu nói các dự án, đề tài KHCN “không tiêu hết” tiền Nhà nước là cách nói đùa, nhưng thực tế đang là bất cập lớn nhất đối với công tác quản lý tài chính, kế hoạch trong khoa học hiện nay. Những bất cập đó đã tồn tại qua nhiều năm nay không riêng ở Thừa Thiên Huế mà hầu như ở các tỉnh khác, thậm chí ở Bộ KHCN. Các nhiệm vụ KHCN khi tổng hợp vào kế hoạch hàng năm phải là đã được phê duyệt. Để được phê duyệt phải qua rất nhiều khâu thủ tục... “Như vậy, từ khi đề xuất nhiệm vụ cho đến khi nhiệm vụ được giao kinh phí thực hiện thường mất từ 15-18 tháng, tính chất thời sự của đề tài KHCN đã bị mất đi và các nhà khoa học phải làm việc mà mình đã đề xuất cách đó 1-2 năm, thậm chí còn nhiều hơn”- PGS.TS Trần Ngọc Nam nói.
 
Thực tế này dẫn đến các đề tài, dự án nghiên cứu của năm 2011 thực chất đã được lập kế hoạch từ cuối năm 2009. Đến đầu năm 2011, các nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ lẽ ra đã phải nhận được kinh phí, song thực tế có nhiều dự án, đề tài đến hết năm 2011 vẫn chưa được giao, dẫn đến kinh phí ngân sách định biên cho các đề tài, dự án KHCN năm đó đọng lại là điều dễ hiểu. Đó là chưa kể khi đã giao nhiệm vụ xây dựng triển khai dự án, đề tài, đặc biệt là các đề tài nghiên cứu nông nghiệp, nông thôn liên quan đến đồng áng, sông ngòi, kênh mương mà ảnh hưởng mưa bão thiên tai, phải kéo dài thêm thời gian so với kế hoạch thực hiện dự án, đề tài. Việc phân cấp kinh phí cho đề tài, dự án khoa học đó phải chậm, kéo dài hơn...
 
Theo PGS.TS Trần Ngọc Nam, vào giữa tháng 12 năm 2011, Bộ KHCN tổ chức hội thảo “Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện cơ chế quản lý, hoạt động và tổ chức KHCN”; trong đó đã bàn đến vấn đề bất cập trong việc chính sách tài chính cho hoạt động KHCN. Tại đây, đã có nhiều ý kiến từ các tỉnh, thành; các ban ngành chức năng kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi bổ sung các văn bản hướng dẫn về quản lý tài chính và định mức cho hoạt động KHCN phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội nước ta hiện nay và theo hướng tinh giảm, giao khoán trọn gói cho các chương trình đề tài, dự án... Những kiến nghị, đề xuất tại hội thảo đó đang được Bộ KHCN gởi trình Thường trực Chính phủ xem xét, tháo gỡ trong năm 2012.
 
Minh Văn
 
 
Cần những đề tài khoa học mang tính ứng dụng cao
 
Gần đây, hoạt động nghiên cứu KHCN đã đi vào nền nếp, mang tính chuyên nghiệp. Hàng năm số lượng đề tài khoa học ở cơ sở gởi đến tham gia lên con số hàng trăm. Con số này được Hội đồng chuyên môn thẩm định, bình xét theo tiêu chí, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương. Tiếp đến được Hội đồng khoa học tỉnh xét chọn, phê duyệt và giao nhiệm vụ. Thời gian thực hiện tối đa một dự án, đề tài là 24 tháng, tối thiểu là 6 tháng. Kinh phí thực hiện tùy theo quy mô, nội dung nghiên cứu nhưng thấp nhất khoảng 150 triệu, cao khoảng 800 triệu đồng/đề tài, có nhiều đề tài được cấp kinh phí cao hơn. Hiện tại, trung bình mỗi năm Hội đồng KH tỉnh phê duyệt, giao trên dưới 15 công trình, đề tài- một con số không nhiều. Đây cũng là một trong những lý do kinh phí hoạt động đầu tư phát triển KHCN không chi hết ngân sách cấp hàng năm. Trong lúc chờ Chính phủ, Bộ ngành tháo gỡ vướng mắc, các nhà khoa học cần năng động sáng tạo, quan tâm đầu tư đúng mức những đề tài mang tính thực tế, ứng dụng cao, bám sát các tiêu chí định hướng phát triển KT-XH ở địa phương hơn.
 
Lê Văn Tỵ (Trưởng phòng KHCN, Sở KHCN)
 
Tạo điều kiện tốt cho các Nhà khoa học say mê nghiên cứu
 
Hiện nay các nhà khoa học đang khó sống với nghề và tránh né việc nghiên cứu khoa học. Phần nhiều là thích đi dạy hơn là nghiên cứu khoa học bởi cách can thiệp quá sâu vào quá trình xây dựng và tổ chức nhiệm vụ KHCN; áp đặt những quy định phi lý; không giải ngân kinh phí đúng thời điểm... làm cho các nhà khoa học ngại dùng tiền Nhà nước khi nghiên cứu đề tài, dự án khoa học. Sắp đến, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần xây dựng chính sách tạo động lực cho các nhà khoa học tâm huyết, say mê với hoạt động nghiên cứu khoa học; có cơ chế đãi ngộ cao nếu các công trình, đề tài có hiệu quả, ứng dụng cao trong cuộc sống. Điều đó sẽ tạo điều kiện cho các nhà khoa học sống được bằng nghề nghiên cứu. Đối với các cơ sở nghiên cứu, cũng cần được giao quyền tự chủ, giúp họ linh động hơn trong hoạt động.
 
TS Trương Công Tuyển (Khoa Thủy sản-Trường Đại học Nông lâm Huế)
 
Phải đổi mới cơ chế chính sách đầu tư tài chính
 
Tôi đã nghe về chuyện nhà khoa học khi nghiên cứu đề tài dự án KHCN đã “không tiêu” hết ngân sách Nhà nước. Là người trong cuộc, tôi cũng rất rõ về vấn đề này, đó là các thủ tục tài chính quá rườm rà, định mức trong nghiên cứu khoa học còn khắt khe; giữa nhà quản lý, Hội đồng khoa học và nhà khoa học chưa có tiếng nói chung. Đã có nhiều trường hợp đề xuất công trình, đề tài khoa học phù hợp với xu thế phát triển kinh tế xã hội, mang tính ứng dụng cao trong thực tế nhưng chưa được khách quan thẩm định, dẫn đến việc không khuyến khích các nhà khoa học tham gia nghiên cứu.
 
Thừa Thiên Huế có đội ngũ khoa học khá lớn, phần lớn trong số họ được đào tạo rất tốt, đa số có năng lực nghiên cứu khoa học nhưng hàng năm số đề tài, dự án KHCN đề xuất đến Hội đồng khoa học tỉnh chưa nhiều vì lý do trên... Để tháo gỡ theo tôi, phải có sự thay đổi đồng bộ cơ chế quản lý hoạt động trong nghiên cứu phát triển khoa học; đổi mới cơ chế chính sách đầu tư tài chính cho hoạt động KHCN có sự đãi ngộ đặc biệt với nhân lực trình độ cao... Được như vậy, các nhà khoa học mới say mê, theo đuổi với công tác nghiên cứu khoa học.
 
PGS.TS Lê Văn Thăng (Viện trưởng Viện tài nguyên Môi trường và Công nghệ sinh học, Đại học Huế) 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso

Ngày 22/3, Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học về dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh "Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso đỏ tại Phong Điền". Dự án do PGS.TS Nguyễn Văn Toản, giảng viên Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế làm chủ nhiệm.

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso
Tắt sóng 2G: Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng

Theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đến tháng 9/2024 sẽ tắt sóng 2G trên phạm vi toàn quốc, tiến tới tắt sóng 3G những năm sau đó. Để không có người dân, khách hàng nào bị bỏ lại phía sau, cơ quan chức năng cùng các nhà mạng đã chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng.

Tắt sóng 2G Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top