ClockThứ Năm, 12/05/2022 13:45

Khoản thu ngoài học phí, cần một nghị quyết từ HĐND tỉnh

TTH - Ngoài các khoản thu mang tính bắt buộc như học phí hay bảo hiểm y tế, ở các trường học hiện có nhiều khoản thu được gọi với cái tên chung là thu ngoài học phí và đó là danh sách khá dài, nhiều hạng mục với nhiều tên gọi khác nhau.

Xử lý nghiêm đối với trường học lạm thu trái quy địnhBộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị không thu các khoản ngoài học phíKhông thu các khoản thu ngoài học phí trái quy định trong trường học

Cần quy định cụ thể các khoản thu ngoài học phí (ảnh minh họa)

Nhận diện các khoản thu

Bảng thống kê của Trường tiểu học Phú Dương, vừa được sáp nhập vào TP. Huế cho thấy, có các khoản thu được gọi là “khoản thu trong học sinh”, gồm thu mua ghế ngồi chào cờ cho học sinh lớp 1, nước uống, quỹ Đội - Sao, học kỹ năng sống, photocopy đề kiểm tra, quỹ hội phụ huynh. Nhà trường có tổ chức bán trú nên có các khoản thu liên quan, như thu xây dựng cơ sở vật chất bán trú đầu năm học, thu phục vụ cá nhân (theo năm học), thu tiền ăn, thu tiền cấp dưỡng, bảo mẫu, phụ phí hàng tháng và thu hỗ trợ điện nước, nước sinh hoạt phục vụ bán trú. Số tiền phải nộp của một học sinh trong một năm học do thế là không nhỏ, lên tới bạc triệu.

Theo Báo cáo của Phòng GD&ĐT TP. Huế tại buổi làm việc với Ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh, những năm qua các trường mầm non ở Huế được phép thu các khoản thu phục vụ bán trú, gồm tiền ăn, chất đốt, phục vụ bán trú, cơ sở vật chất và đồ dùng vệ sinh bán trú; cùng với đó là các khoản thu khác theo nhu cầu phụ huynh, như học hè, hoạt động năng khiếu. Các khoản phục vụ bán trú ở các trường tiểu học có tiền ăn, chất đốt, phục vụ bán trú, cơ sở vật chất bán trú, quỹ vệ sinh và 2 khoản thu khác theo nhu cầu của phụ huynh là tiếng Anh tăng cường và giáo dục kỹ năng sống. Riêng các trường trung học cơ sở chỉ có 2 khoản thu hỗ trợ làm vệ sinh trường, khu vệ sinh; giấy kiểm tra, photo đề kiểm tra.

Đối chiếu với danh mục về các khoản thu ngoài học phí này, ở Trường tiểu học Phú Dương thấy phát sinh như khoản thu mua ghế chào cờ cho học sinh lớp 1. Hay như Trường tiểu học Lê Lợi, phải lắp đặt hệ thống điều hòa cả trăm chiếc nên phát sinh khoản thu tiền điện - sửa chữa. Các trường THPT Vinh Xuân (Phú Vang), THPT Thừa Lưu (Phú Lộc) hay Trường THCS Nguyễn Tri Phương có khoản thu dịch vụ đưa đón học sinh từ nhà đến trường và ngược lại.

Do tình hình và nhu cầu khác nhau, nhiều trường học ở Thừa Thiên Huế chưa “thu đủ”, song nhìn chung các khoản thu ngoài học phí vẫn là khá nhiều, là gánh nặng cho không ít các bậc phụ huynh có kinh tế khó khăn. Đáng nói là đa số các khoản thu này là không thể thiếu để đáp ứng nhu cầu giáo dục và phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.

Chỗ dựa… Hội Cha mẹ học sinh

Tuy nhiên, thực tế đã có những khoản thu ngoài học phí gây xôn xao dư luận. Mới đây nhất là trường hợp tổ chức thu phí phục vụ công tác thi thử ở Trường THPT Hai Bà Trưng. Trong số các khoản chi, nhà trường dành một số tiền khá lớn để chi bồi dưỡng nước uống cho giáo viên và để thưởng cho các học sinh đạt kết quả tốt. Trước phản ứng của dư luận, Hiệu trưởng Ngô Đức Thức cho biết, các khoản thu đã được Hội Cha mẹ học sinh nhất trí và sau khi cân nhắc, nhà trường đã quyết định không chi khoản bồi dưỡng cho giáo viên nữa; còn lãnh đạo Sở GD&ĐT thì khẳng định, sẽ tổ chức kiểm tra tình hình trong tháng 5 này.

Không chỉ Trường THPT Hai Bà Trưng mà ở rất nhiều trường học, Hội Cha mẹ học sinh được coi là chỗ dựa để các trường triển khai các khoản thu ngoài học phí (!). Theo ông Nguyễn Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT TP. Huế, do chưa quy định được các khoản thu dịch vụ phục vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục nên công tác chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn thu - chi trong các trường trường gặp khó khăn. Nhiều trường tự định ra khoản thu, thống nhất với phụ huynh, rồi triển khai với mức thu khác nhau. Một số khoản thu dịch vụ thỏa thuận không quy định mức thu, như lắp đặp và bảo trì điều hòa, công tơ điện và tiền sử dụng điện, sau khi được Hội Cha mẹ học sinh và nhà trường “bật đèn xanh”, phụ huynh các lớp còn tự tổ chức mua sắm và trang bị cho lớp học.

Cũng theo ông Nguyễn Thuận, ngay từ đầu năm học, Phòng GD&ĐT đã thành lập các tổ theo cấp học để nắm và kiểm tra các khoản thu - chi đầu năm học. Phòng cũng đã kiểm tra chuyên đề, định kỳ hay đột xuất đi cơ sở để kiểm tra công tác tài chính của các trường; kết hợp với Phòng Tài chính – Kế hoạch thực hiện công tác quyết toán các nguồn thu tại trường để ngăn ngừa sai sót. Thực tế, vẫn còn một số khoản thu không đúng quy định, mức thu cao. Việc quản lý các khoản quy định chưa chặt chẽ và đồng bộ. Một số trường chưa làm tốt công tác công khai nên xảy ra lạm thu, gây bức xúc. Cùng với kịp thời chấn chỉnh tình hình, phòng đã chỉ đạo buộc phải hoàn trả những khoản thu không hợp lý cho phụ huynh.

Bớt áp lực cho nhà trường

Vẫn còn lúng túng, chưa đồng bộ về hình thức triển khai ở các cơ sở giáo dục trong tổ chức các khoản thu ngoài học phí. Mức thu có sự chênh lệch giữa các đơn vị có điều kinh tế - xã hội không tương đồng. Một số đơn vị còn có biểu hiện của tình trạng “lạm thu”. Quy trình thực hiện chưa thống nhất gây khó khăn cho công tác thanh, kiểm tra của các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT vẫn khẳng định, các cơ sở giáo dục ở Thừa Thiên Huế cơ bản đã tuân thủ các hướng dẫn về các khoản thu ngoài học phí do sở hướng dẫn hằng năm.

Điểm b, khoản 6, Điều 99 Luật Giáo dục năm 2019 quy định, HĐND tỉnh quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể, các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập theo thẩm quyền quản lý Nhà nước về giáo dục trên cơ sở đề nghị của UBND cấp tỉnh. Thực hiện quy định này, HĐND tỉnh vừa có dự thảo Nghị quyết và đang trong quá trình thu thập ý kiến đóng góp về quy định mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ giáo dục ngoài học phí, đáp ứng nhu cầu người học của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Rõ ràng, dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập là nhu cầu không thể thiếu, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Bà Huỳnh Thị Bích Thuận, Hiệu trưởng Trường mầm non Phú Dương (TP. Huế) cho rằng, nghị quyết được ban hành sẽ bớt áp lực cho nhà trường khi tiến hành xã hội hóa, vì đây là cơ sở pháp lý để nhà trường chủ động trong thực hiện các khoản thu nhằm đáp ứng cho nhu cầu dạy và học hiện nay.

Theo ông Nguyễn Tân, Nghị quyết của HĐND tỉnh về khoản thu ngoài học phí được ban hành không chỉ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về các hoạt động giáo dục trên địa bàn tỉnh, mà còn góp phần huy động các nguồn lực đầu tư phục vụ, hỗ trợ cho các hoạt động giáo dục, tránh tình trạng lạm thu, tạo được sự đồng thuận của người dân.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết đầu tiên về AI

Ngày 21/3 (giờ New York), Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua một nghị quyết mang tính bước ngoặt về việc thúc đẩy các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) "an toàn, bảo mật và đáng tin cậy" để mang lại lợi ích là sự phát triển bền vững cho tất cả mọi người.

Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết đầu tiên về AI
Tạo sự đồng bộ, thống nhất trong việc đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội vào thực tiễn

Ngày 7/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.

Tạo sự đồng bộ, thống nhất trong việc đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội vào thực tiễn
Return to top