ClockThứ Tư, 29/09/2010 19:21

Khoảng lặng của thuỷ sản

TTH - Báo cáo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI cho thấy, một trong 4 chỉ tiêu chủ yếu chỉ đạt 80-90% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra là giá trị xuất khẩu ước đạt 250 triệu USD (chỉ tiêu 300 triệu USD). Có nhiều yếu tố và nguyên nhân ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chậm trong hoạt động xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân đáng kể là lĩnh vực chế biến thuỷ sản xuất khẩu của tỉnh chưa thật sự hồi phục. Đây là một khoảng lặng trong hoạt động thuỷ sản.

Cách đây khoảng 10 năm, chế biến thuỷ sản xuất khẩu là một thế mạnh của Thừa Thiên Huế. Hồi đó, trên địa bàn tỉnh có 2 DN mạnh với 2 lợi thế riêng biệt trong 2 mũi nhọn chế biến xuất khẩu với các nhóm thị trường chủ lực. Đó là Công ty Đông lạnh Sông Hương chuyên chế biến hàng đông lạnh với sản lượng hàng ngàn tấn cho thị trường phương Tây và Công ty Thuỷ sản tỉnh với ưu thế chế biến hàng khô cho thị trường châu Á. Với thế mạnh này, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản nhiều năm chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Sau khi cả 2 DN nói trên rơi vào tình trạng khó khăn, bế tắc... Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã sút giảm mạnh. Sản phẩm thuỷ sản của ngư dân làm ra cũng khó khăn hơn trong tiêu thụ...

Mấy năm qua, Thừa Thiên Huế luôn quan tâm đến việc vực dậy lĩnh vực chế biến thuỷ sản xuất khẩu và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nói chung. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng lên hàng năm. Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt trên 145 triệu USD, vượt mức kế hoạch đề ra gần 4% và tăng trên 31% so năm 2008. Một số ngành hàng, lĩnh vực phát triển khá ổn định và có mức tăng trưởng khá; đặt biệt là ngành dệt may. Thị trường xuất khẩu từng bước được mở rộng trên cả 5 châu lục; trong đó, châu Á (trên 45%), châu Mỹ (34,5%), châu Âu (18,7%)... Tuy nhiên hoạt dộng chế biến và xuất khẩu thuỷ sản vẫn còn ì ạch. Công ty CP Thuỷ sản tỉnh dù đã được khôi phục, nhưng hoạt động chưa ổn định; sản lượng và kim ngạch xuất khẩu không đáng kể. Ra đời muộn, nhưng Công ty CP Phát triển Thuỷ sản Huế (FIDECO) sớm khẳng định vị thế của mình và có những đóng góp tích cực. Dẫu vậy, chỉ riêng với FIDECO cũng khó tạo ra bước đột phá. Năm qua, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng thuỷ sản chỉ trên 6,3 triệu USD, chiếm trên 5% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. So với tỷ lệ 50%, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trước đây, hoạt động chế biến và xuất khẩu thuỷ sản vẫn chưa tìm lại được vị thế vốn có của mình.
 
Với chiều dài bờ biển hơn 120km và trên 22.000 ha mặt nước đầm phá... Thừa Thiên Huế có lợi thế lớn trong phát triển kinh tế thuỷ sản. Sau khi Đề án kinh tế tổng hợp Vùng kinh tế Tam Giang - Cầu Hai được Chính phủ phê duyệt, việc xác định Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là 1 trong 8 chương trình trọng điểm giai đoạn 2010-2015 của Đảng bộ tỉnh, là nền tảng quan trọng cho bước đột phá mới trong chiến lược phát triển về kinh tế biển và đầm phá. Cùng với việc đầu tư phát triển mạnh về khai thác và nuôi trồng, nên chăng tỉnh và ngành thuỷ cần tập trung hỗ trợ mạnh hơn cho hoạt động chế biến thuỷ sản xuất khẩu. Sự phát triển của lĩnh vực này không chỉ làm tăng nhanh giá trị xuất khẩu, mà còn góp phần giải quyết đầu ra một cách thuận lợi cho hoạt động khai thác và nuôi trồng thuỷ sản; đồng thời tạo thế phát triển ổn định, bền vững và lâu dài cho kinh tế thuỷ sản trên địa bàn.
 
Hoàng Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top