ClockThứ Năm, 27/09/2012 14:10

Khoảng trống chủ quyền trong sách giáo khoa

TTH - Một trong những cách để công trình nghiên cứu về chủ quyền của các nhà khoa học phát huy giá trị là hãy lựa chọn nội dung phù hợp để đưa vào sách giáo khoa. Đó là chia sẻ của T. S Trần Đức Anh Sơn với Thừa Thiên Huế Cuối tuần tháng 8/2012. Tại Hội thảo khoa học Quốc gia về “Dạy học môn lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam” mới đây tại Đà Nẵng, Giáo sư - Viện sĩ, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - Phan Huy Lê nhận định: “Để cho các em lớn lên mù tịt về Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa là cái tội của chúng ta, cái tội của người lớn và của nền giáo dục đối với lớp trẻ”!

Nhiều người lo lắng việc thế hệ tương lai sẽ “ngơ ngác” trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo nhưng thực sự, họ rất nhạy cảm. Điều đó thể hiện qua việc đoán định đề thi tuyển sinh vào đại học môn địa lý của nhiều em, kể cả việc kêu gọi cộng đồng mạng sử dụng đồng loạt avatar biển đảo thể hiện tinh thần yêu nước của lớp trẻ. Điều mà những người làm công tác giáo dục e ngại là chúng ta cung cấp kiến thức chủ quyền về biển đảo như thế nào trong học sinh – sinh viên để các em hiểu rõ và đưa ra những ứng xử thích hợp. 

Học sinh hào hứng học lịch sử Hoàng Sa và Trường Sa (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Internet

  Theo các nhà sử học, những người làm công tác nghiên cứu, thì bấy nhiêu nội dung trong sách sử và địa các cấp học còn quá ít để thế hệ trẻ trang bị vốn kiến thức cơ bản về chủ quyền. Nếu cần mở mang, các em có thể tìm kiếm trên mạng, nhưng internet là con dao hai lưỡi bởi có nhiều nguồn tin không thể kiểm chứng. Hai SV chủ nhiệm đề tài “Vấn đề giáo dục về chủ quyền biển đảo cho thế hệ trẻ hiện nay” (giải đặc biệt năm 2012 của Chương trình hỗ trợ nghiên cứu biển Đông do Học viện Ngoại giao tổ chức) thực hiện khảo sát thì 92% số người được hỏi cho biết, đưa vấn đề biển đảo vào giảng dạy ở các bậc học là việc làm hết sức cần thiết.

Nhiều trường học ở Nha Trang, Đà Nẵng, Khánh Hòa… đã đưa nội dung chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa vào giảng dạy chính khóa. Một số trường dựa vào Kỷ yếu Hoàng Sa (UBND huyện Hoàng Sa, NXB Thông tin và truyền thông, xuất bản tháng 1-2012) để bổ sung vào tài liệu, giáo trình. Trong khi đó, nhiều đơn vị giáo dục trên cả nước mới dừng ở mức độ thống nhất vấn đề chủ quyền biển đảo trong giảng dạy theo tập huấn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giảng viên sử học của một trường ĐH ở Huế cho rằng, nếu thực sự quan tâm, giáo viên có thể linh hoạt giới thiệu một số nội dung tiêu biểu, nhân vật điển hình trong lĩnh vực xây dựng, bảo vệ chủ quyền, minh họa sinh động cho các bài học lịch sử, địa lý, giáo dục công dân. Ngoài ra có thể đặt ra các câu hỏi, đố vui trong các tiết học ngoại khóa; dẫn chứng cho các em xem hình ảnh, tư liệu được Chính phủ công bố chính thức… Cách làm này vừa đánh thức sự khám phá của các em với môn học vừa mang tính giáo dục chủ quyền trong khi chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung nội dung này vào sách giáo khoa.

L.Tuệ

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top