ClockThứ Bảy, 25/08/2018 12:44

“Khoe” Huế qua trang phục cung đình

TTH - Có ưu thế nghề thêu may áo dài truyền thống và luôn khát khao được làm việc có ích cho Huế, chị Nguyễn Thị Đoan Trang, chủ doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Thêu May Đoan Trang (TP. Huế) đã cần mẫn tạo nên bộ sưu tập cung đình triều Nguyễn để giới thiệu với bạn bè gần xa về một Cố đô Huế đậm sắc màu văn hóa.

Bảo tàng nghệ thuật thêu XQ chính thức hoạt độngTôn vinh hình ảnh đẹp của người phụ nữ Việt Nam

Trong các ngày từ 4 đến 16/9, chị Nguyễn Thị Đoan Trang sẽ là một trong ba đại diện của Việt Nam được mời tham gia triển lãm, giới thiệu những giá trị văn hóa dân tộc tại đất nước Hàn Quốc. Nếu hai đại diện khác tiêu biểu về pháp lam và gỗ, Đoan Trang tự hào giới thiệu về bộ sự tập trang phục cung đình Huế do chính chị thực hiện.

Giới thiệu bộ sưu tập trang phục cung đình Huế tại Hà Nội

Thời Nguyễn, triều đình ban hành những quy định rất chi tiết và chặt chẽ về trang phục cho từng hạng người trong xã hội, dựa theo các tiêu chí về chất liệu, màu sắc, cách may hay họa tiết trang trí. Theo nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn, khi biên soạn bộ điển lệ nổi tiếng của triều Nguyễn, Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ, các sử quan của triều đình đã dành quyển 78 và quyển 242 để bàn về việc ăn mặc của các bậc đế, hậu, hoàng tử, công chúa, quan lại…, từ trang phục dùng trong các dịp triều lễ, khánh tiết, tết nhất, cho đến thường phục. Đề tài trang trí, sự phân chia thứ bậc theo chủ đề được tuân thủ nghiêm ngặt.

Một số bộ trang phục cung đình Huế nguyên bản quý hiếm đang được lưu giữ, bảo quản tại các bảo tàng lịch sử, bảo tàng cung đình và các nhà sưu tập tư nhân may mắn. Tuy số lượng không nhiều, nhưng những di sản thời trang này là nguồn cảm hứng để nhiều nghệ nhân tâm huyết lấy làm cơ sở tái tạo phục hồi trang phục cung đình Huế xưa. Chị Nguyễn Thị Đoan Trang là một trong những con người tâm huyết ấy và đã tạo nên bộ sưu tập trang phục cung đình Huế gồm 15 bộ với nhiều thứ bậc khác nhau.

Chăm chút từng đường thêu

Xuất phát điểm là một giáo viên Anh ngữ, nhưng vì niềm đam mê với việc trang trí áo dài truyền thống nên cơ duyên nghề nghiệp đã chuyển Nguyễn Thị Đoan Trang thành nữ chủ nhân của DNTN thêu may Đoan Trang. Hiện, doanh nghiệp của chị đã là một trong những đơn vị trang trí, tư vấn thiết kế áo dài lớn nhất tại Thừa Thiên Huế. Hỏi về cội nguồn ý tưởng cho ra đời bộ sưu tập trang phục cung đình ấy, chị đơn giản: “Mình tự hào về TP. Huế đẹp và mộng mơ. Tiếc rằng, sau mỗi kỳ Festival, Huế lại trầm lắng. Điều đó cứ thôi thúc mình phải làm gì đó để Huế luôn đẹp và phong phú giá trị các văn hóa trong mắt du khách. Chọn thực hiện bộ trang phục cung đình Huế vì phù hợp với nghề nghiệp và muốn góp sức để giới thiệu với người trẻ, du khách về thời trang đặc sắc của một triều đại”.

Trang phục cung đình Huế do chị Nguyễn Thị Đoan Trang thực hiện có 15 bộ, với các thứ bậc: vua, hoàng hậu, hoàng thái hậu, hoàng tử, công chúa, quan văn, quan võ, quan đại thần, thái giám, cung nữ và lính. Trong các năm 2015 và 2016, bộ sưu tập này đã được chị Đoan Trang đem triển lãm và giới thiệu tại Malaysia và thủ đô Hà Nội. Tại các triển lãm, bộ sưu tập thu hút được sự quan tâm chú ý của rất đông du khách.

 Áo vua

Để thực hiện xong bộ sưu tập, Đoan Trang kiên trì trong nhiều năm liền. Chị tìm tòi tư liệu về trang phục cung đình Huế qua sách vở, internet và những người có kinh nghiệm đi trước. So sánh với những mẫu trang phục cung đình nguyên bản, chị Trang tự đánh giá sản phẩm thực hiện không thể giống hoàn toàn, nhưng “cơ bản là giống”. Những chi tiết mà chị không thể “theo” được đó chính là tông màu chính xác, chất liệu vải và chất liệu chỉ thêu. Còn lại mọi chi tiết hoa văn đều được nữ chủ nhân nghiêm túc tuân thủ theo tinh thần càng giống nguyên bản càng tốt. Đó cũng là cách mà chị muốn “kể” về những quy định nghiêm ngặt về họa tiết trang trí theo thứ bậc trên trang phục cung đình xưa”.

Để “khoe” được Huế nhiều hơn, chị Đoan Trang ấp ủ nhiều ý tưởng và rất háo hức thực hiện. Mọi thứ còn cần thêm thời gian, nhưng điều chị trăn trở nhất hiện nay là tiếng nói của mình về trang phục cung đình Huế đang trôi nổi ngoài thị trường chưa được chú ý. Chị ngậm ngùi: “Rất nhiều nơi ở Huế làm “cơm vua” và cung cấp dịch vụ mặc trang phục cung đình cho du khách. Nhưng tìm hiểu rồi mới biết, những bộ trang phục đang được sử dụng theo những dịch vụ ấy chỉ giống một phần rất nhỏ so với nguyên bản”.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp
Thắt lưng Lacoste: Món phụ kiện tạo điểm nhấn cho trang phục

Khởi sinh từ nhiều thập kỷ với công năng giúp cố định vị trí quần, định hình phom dáng. Sau đó, thắt lưng dần được ưu ái với những chất liệu đa dạng, thiết kế độc đáo, trở thành món phụ kiện thời trang “top đầu” trong lòng nam giới. Và thắt lưng Lacoste cũng không ngoại lệ, trở thành mặt hàng được săn đón không kém cạnh gì “người anh em” áo polo. Vậy hãy cùng xem nhờ đâu mà chúng lại được lòng phái mạnh như thế nhé.

Thắt lưng Lacoste Món phụ kiện tạo điểm nhấn cho trang phục
Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế

Nhà máy xử lý nước thải tại TP. Huế được ví như là “lá phổi xanh” giữa lòng Cố đô, bởi không chỉ đang giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt của người dân mà còn là “điểm xanh”, bởi phủ đầy cây xanh, không khí trong lành.

“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế

TIN MỚI

Return to top