ClockThứ Sáu, 26/06/2015 18:31

Khởi công Dự án hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc

TTH.VN - Sáng 26/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát lệnh khởi công Dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm và lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương tham dự Lễ khởi công.

Phát biểu tại Lễ khởi công, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao Bộ Khoa học và Công nghệ; các bộ, ngành hữu quan; thành phố Hà Nội; chủ đầu tư; các đơn vị liên quan đã nỗ lực hết mình, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để Dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc được khởi công ngày hôm nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, đây là dự án có vốn đầu tư khá lớn từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 450 triệu USD, trong đó nguồn vốn ODA của Nhật Bản khoảng 400 triệu USD. Đồng thời đây là một dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng, là điều kiện để Khu công nghệ cao Hòa Lạc phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn.

“Năm 2018, dự án được hoàn thành và đi vào hoạt động, Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ có diện mạo mới, điều kiện mới để phát triển vượt bậc so với trước đây, phát triển theo đúng nghĩa là một khu đô thị thông minh chuyên về nghiên cứu, ứng dụng, sáng tạo, chuyển giao khoa học-công nghệ”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Nhân đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cảm ơn Chính phủ Nhật Bản- nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam với số vốn ODA mà Nhật Bản dành cho Việt Nam trong 20 năm qua lên tới khoảng 27 tỷ USD, chủ yếu được dành cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Thủ tướng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam; khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình để tiếp tục cùng với Nhật Bản đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, chúng ta phải cạnh tranh gay gắt trong điều kiện kinh tế thị trường và toàn cầu hóa để phát triển nhanh và bền vững; một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định là phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, có khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại.

“Không có nguồn nhân lực chất lượng cao, không có khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại thì hội nhập, cạnh tranh sẽ rất khó thành công, khó mà đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của đất nước”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.

Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã xác định khoa học và công nghệ cùng với giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là quốc sách hàng đầu, là một trong những đột phá chiến lược để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Với nhận thức như vậy, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã được ra đời từ rất sớm, đến nay đã được 17 năm. Bằng sự nỗ lực chung, tuy còn chậm, còn chưa được như mong muốn, song đến nay Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã đạt được những kết quả nhất định, hiện đã có gần 70 dự án được cấp phép đầu tư vốn tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 60 nghìn tỷ đồng, khoảng 10.000 người đang làm việc và học tập tại đây, riêng về xuất khẩu năm 2014, Khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng đã đạt được trên 130 triệu USD… 

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc phải hết sức quyết liệt, nỗ lực trong tập trung chỉ đạo thực hiện thành công Dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đảm bảo cho dự án được hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng; đặc biệt không để xảy ra bất cứ một sai sót, tiêu cực nào trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Cùng với đó, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc tiếp tục triển khai nghiên cứu, có đề xuất cụ thể về các chính sách hiện hành với Đảng và Nhà nước để thu hút mạnh mẽ hơn nữa hoạt động đầu tư khoa học công nghệ cao vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững của Khu này theo đúng như mục tiêu đã đề ra là nơi tập trung thu hút đầu tư phát triển khoa học công nghệ cao, chuyển giao khoa học công nghệ, ươm tạo khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ… "Thu hút đầu tư vào đây phải thực sự là những dự án khoa học công nghệ cao, không đưa vào đây những dự án không đúng với mục tiêu, yêu cầu, tiêu chí đã được đề ra"- Thủ tướng nói.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các nhà thầu tư vấn, thiết kế, thi công thực hiện tốt pháp luật Việt Nam cũng như các hợp đồng đã cam kết.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng đối với 300 ha còn lại của dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Được biết, dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã được Nhật Bản hỗ trợ triển khai điều chỉnh Quy hoạch chung Khu công nghệ cao Hòa Lạc, nghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu khả thi dự án. Trên cơ sở Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án do Đoàn nghiên cứu Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) lập, năm 2010, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc sử dụng vốn ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước.

Tháng 3/2012 Bộ Tài chính và JICA đã ký Hiệp định vay vốn lần 1 trị giá trên 15,2 tỷ yên cho giai đoạn xây dựng dự án. Theo kế hoạch, Hiệp định vay lần 2 sẽ được ký kết trong năm tài chính 2016 với tổng số vốn vay dự kiến khoảng 30 tỷ yên.

Dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ được hoàn thành vào năm 2018.

Quy mô dự án gồm 5 gói thầu chính là CP-1A- Phát triển hạ tầng chính (gồm các hạng mục hệ thống đường, cầu cống, viễn thông, cấp nước, thoát nước, nước thải, cấp điện); CP-1B- Cải tạo hồ Tân Xã và bảo vệ suối Dứa Gai; CP-2- Nhà máy xử lý nước thải; CP-3- Trạm điện và gói thầu ES-II- Tư vấn giám sát. Tất cả các gói thầu sẽ được triển khai thực hiện trong năm 2015.

Trước đó, ngày 17/6/2015, BQL Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Liên danh nhà thầu (Công ty Taisei- Nhật Bản, Tổng Công ty Vinaconex và Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn) đã ký kết hợp đồng thực hiện gói thầu CP-1A.

Theo VPCP
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chương trình Phát triển các đô thị loại II: Nhiều gói thầu “gặp khó” mặt bằng

Nhiều hạng mục công trình thuộc các gói thầu của Dự án Chương trình Phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - DA thành phần Thừa Thiên Huế (gọi tắt DA đô thị xanh) bị “đứng hình” do bế tắc hoặc gặp khó trong công tác giải phòng mặt bằng (GPMB), dẫn đến công trình chậm tiến độ kéo dài.

Chương trình Phát triển các đô thị loại II Nhiều gói thầu “gặp khó” mặt bằng

TIN MỚI

Return to top