ClockChủ Nhật, 03/09/2017 05:32

Khởi nghiệp không chỉ là phong trào

TTH - “Chúng tôi quan tâm đến chất lượng, hiệu quả của các mô hình dự án khởi nghiệp chứ không chỉ là theo phong trào, thấy người ta khởi nghiệp mình cũng khởi nghiệp”, bà Trần Thị Thùy Yên, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), đơn vị được giao tham mưu thực hiện Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giai đoạn 2017-2020 trao đổi với Báo Thừa Thiên Huế.

Bà Trần Thị Thùy Yên

Phong trào khởi nghiệp của Huế dạo này có vẻ im ắng, phải chăng do ảnh hưởng của sự chuyển giao giữa hai cơ quan chủ trì là Sở Kế hoạch&Đầu tư (KH&ĐT) với Sở KH&CN?

Cũng có một chút ảnh hưởng trong quá trình chuyển giao, song từ khi chưa có văn bản chính thức, chúng tôi đã có những bàn giao và tiếp nhận giữa hai cơ quan để không làm gián đoạn quá trình triển khai và tổ chức thực hiện kế hoạch hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tuy thế, do quá trình chuẩn bị cho cuộc thi khởi nghiệp sắp tới có nhiều nội dung phải thực hiện nên tạm thời chưa có các hoạt động bề nổi, song các nhóm, cá nhân khởi nghiệp vẫn đang triển khai các dự án và chuẩn bị ý tưởng cho cuộc thi sắp tới.

Nhưng so với một số tỉnh, thành khác, nhất là các thành phố lớn, chúng ta khó mà sánh kịp?

So với các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, chúng ta không bằng về một số mặt. Tuy nhiên, so với các tỉnh, thành khác, Huế đứng trong top các tỉnh, TP sôi động và đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Hiện, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025. Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lần thứ 2 đang được gấp rút triển khai. Thuận lợi nữa là Huế đang có vườn ươm tư nhân do Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Cộng hưởng (Coplus) đang duy trì hoạt động khá tốt và họ đủ năng lực, chuyên môn để hỗ trợ giúp tỉnh triển khai một số nội dung liên quan đến khởi nghiệp.

Bà vừa nhắc đến cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lần thứ 2, đến nay công tác chuẩn bị như thế nào và bao giờ sẽ tổ chức?

Chúng tôi đã dự thảo kế hoạch và thể lệ cuộc thi để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. Theo dự thảo, cuộc thi năm nay do UBND tỉnh tổ chức và Sở KH&CN là cơ quan thường trực. Nếu được thông qua, dự kiến cuộc thi sẽ tiếp nhận hồ sơ từ tháng 9 và kết thúc trao giải vào cuối năm nay.

Điểm khác biệt giữa hai cuộc thi (năm ngoái và năm nay) là gì, thưa bà?

Năm nay, kế hoạch và thể lệ cuộc thi do UBND tỉnh ban hành. Theo đó, ban tổ chức và các vấn đề liên quan khác đều do UBND tỉnh quyết định. Sở KH&CN là cơ quan thường trực với sự phối hợp của Trường cao đẳng Công nghiệp Huế và CoPlus.

Điều đó có đồng nghĩa với giải thưởng năm nay sẽ lớn và nhiều hơn?

Theo dự thảo, thể lệ cuộc thi đã trình UBND tỉnh, cơ cấu giải thưởng năm nay gồm có 3 giải thưởng gồm: 1 giải nhất, 1 giải nhì và 1 giải ba. Ngoài tiền thưởng, Coplus đã cam kết với chúng tôi sẽ hỗ trợ gói ươm tạo, với giá trị tương đương 12.000.000 đồng/giải. Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đồng hành với chúng tôi và dành kinh phí để trao 3 giải thưởng, ngoài ra họ sẽ xem xét để hỗ trợ cho vay vốn đối với một số ý tưởng đạt giải.

Quỹ hỗ trợ phát triển KH&CN kỹ thuật cũng có thể xem xét hỗ trợ hoặc cho vay với lãi suất ưu đãi nếu các ý tưởng, dự án đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện cần thiết. Đồng thời, chúng tôi sẽ ưu tiên giới thiệu các ý tưởng, dự án đạt giải khi có nhà đầu tư đến Huế tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Còn nội dung thế nào, có điểm gì mới, khác biệt?

Năm nay, cuộc thi chú trọng đến các nhóm cá nhân hoặc cá nhân có dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới (ưu tiên các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có sản phẩm cụ thể). Tất nhiên, doanh nghiệp khởi nghiệp phải có thời gian hoạt động không quá 5 năm, nghĩa là chú trọng vào những doanh nghiệp mới khởi nghiệp, quy mô nhỏ để có những hỗ trợ thúc đẩy phát triển.

Điều đó có nghĩa là những cá nhân, doanh nghiệp có ý tưởng, dự án bình thường sẽ không được tham gia cuộc thi hoặc không nằm trong nhóm các ý tưởng được khuyến khích?

Không hẳn vậy! Chúng tôi khuyến khích tất cả các ý tưởng khởi nghiệp, tất nhiên phải là ý tưởng có tính thực tiễn cao, có thể nhân rộng và phát triển. Nếu là ý tưởng, dự án liên quan đến các lĩnh vực công nghệ mới càng được khuyến khích.

Tỉnh và ban tổ chức đã làm gì để thu hút các dự án, ý tưởng tham gia?

Chúng tôi đã làm việc với các trường ĐH, CĐ trên địa bàn để tuyên truyền vận động các em sinh viên tham gia cuộc thi hoặc tìm kiếm, hình thành ý tưởng khởi nghiệp. Hiện nay một số trường ĐH, CĐ đã tổ chức một số cuộc thi chuyên ngành để tìm kiếm các ý tưởng tốt có thể tham gia cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do tỉnh tổ chức.

Có khả năng năm nay số lượng ý tưởng và dự án tham gia nhiều hơn năm ngoái?

Điều này chưa thể nói trước, song với quy mô cấp tỉnh và sự chuẩn bị chu đáo cùng với sự vào cuộc của các trường ĐH, CĐ và các cơ quan liên quan, hy vọng cuộc thi sẽ là sân chơi trí tuệ cho giới trẻ và doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy vậy, mong muốn của chúng tôi không chỉ là tạo ra phong trào mà hướng khởi nghiệp đến thực chất, khởi nghiệp để phát triển và làm giàu cho chính bản thân, gia đình và xã hội.

Vậy phong trào khởi nghiệp trên địa bàn đã đạt được những kết quả như bà vừa nêu?

Phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của chúng ta đã đạt được một số kết quả nhất định, song vẫn chưa như kỳ vọng.

Tôi nhận thấy, cái chúng ta đang thiếu là tinh thần khởi nghiệp, thực nghiệp và mong muốn trở thành doanh nhân. Do đó, cần truyền tinh thần khởi nghiệp, đam mê đổi mới sáng tạo cho giới trẻ, nhất là các em sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần ban hành các cơ chế chính sách để hỗ trợ, làm bệ đỡ cho các doanh nghiệp, các tác giả, nhóm tác giả có ý tưởng bằng việc đầu tư nguồn lực, hỗ trợ vay vốn, tìm kiếm và giới thiệu sản phẩm đầu ra cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp, bạn trẻ cần chủ động hơn trong việc tiếp cận chính sách, biến chính sách thành công cụ hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp, kinh doanh của mình cũng là điều cần thiết để phong trào khởi nghiệp thực sự hiệu quả. Tiếc là chúng ta còn yếu mặt này!

Làm thế nào để khắc phục hạn chế như bà vừa nêu?

Ngày nay đa số sinh viên trên địa bàn đã năng động, mạnh dạn hơn so với trước, nhưng nếu so với một số tỉnh, TP khác, sinh viên Huế vẫn còn khá rụt rè và thiếu tự tin, ngại thể hiện bản thân. Để khuyến khích các sinh viên, nhóm sinh viên hình thành ý tưởng, dự án cần sự động viên, khơi dậy và truyền tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ phía gia đình, nhà trường, các tổ chức, doanh nghiệp…

Liệu cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm nay có tạo ra được điều đó?

Chưa dám mong đợi nhiều, nhưng ít ra chúng tôi tin tưởng sẽ lựa chọn được những dự án, ý tưởng tốt để hỗ trợ khởi nghiệp, như năm ngoái hầu hết các dự án, ý tưởng đều nhận được sự hỗ trợ kể cả về vốn, điều kiện làm việc, thị trường đầu ra.

Và sự hỗ trợ đó còn duy trì cho đến bây giờ?

Theo tôi được biết thì tất cả các ý tưởng đạt giải cuộc thi năm 2016 đều nhận được khá nhiều sự hỗ trợ. Tất nhiên là sự hỗ trợ ban đầu, sau đó các nhóm tác giả tiếp tục mở rộng, phát triển mô hình và đa số đã thành công.

Nghĩa là họ đã có sản phẩm ra thị trường?

Đúng thế! 5/5 ý tưởng đạt giải đều đã thành lập doanh nghiệp. Nhóm tác giả đạt giải nhất về mô hình kiến trúc giấy còn xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Các nhóm tác giả khác đều hình thành chuỗi sản phẩm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Một số ý tưởng lọt vào chung kết tuy không đạt giải nhưng cũng nhận được sự hỗ trợ của các nhà đầu tư nay cũng đã thành lập doanh nghiệp. Điều đó cho thấy, nếu ý tưởng tốt thì việc khởi nghiệp nằm trong tầm tay.

Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

TÂM HUỆ (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Trao mô hình sinh kế “Đàn gà cho em”

Ngày 14/4, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phối hợp chính quyền xã Hải Dương (TP. Huế) và mạnh thường quân tổ chức chương trình trao mô hình sinh kế “Đàn gà cho em” với số lượng 600 con gà giống đến 20 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có con em trong độ tuổi đến trường.

Trao mô hình sinh kế “Đàn gà cho em”
Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân (HND) các cấp đã giải ngân, tổ chức nhiều dự án (DA) sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân
Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc

Ngày 7/4, Tỉnh đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam tổ chức chương trình trao mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Phú Lộc.

Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc
Return to top