ClockThứ Ba, 05/07/2016 09:40

Khôi phục môi trường, hỗ trợ ngư dân ổn định đời sống

TTH - Thời gian qua, trên vùng ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế xảy ra tình trạng thủy hải sản chết bất thường, gây thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội, môi trường.

Hoạt động đánh bắt cá vùng ven bờ của ngư dân ngừng trệ hoàn toàn, thuyền đánh bắt phải nằm bờ, sản xuất, kinh doanh dịch vụ, du lịch của người dân các địa phương dọc ven biển gặp nhiều khó khăn, tâm lý người tiêu dùng hoang mang, không dám sử dụng, tiêu thụ sản phẩm thủy, hải sản và các dịch vụ liên quan.

Trước tình hình trên, Trung ương và địa phương các vùng bị ảnh hưởng nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng đã tích cực triển khai, tổ chức nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả để xác định nguyên nhân, khắc phục sự cố môi trường biển và hỗ trợ người dân ven biển ổn định đời sống. Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các ban, ngành liên quan, các địa phương bị ảnh hưởng phối hợp với các đoàn công tác của Trung ương, tổ chức các đoàn kiểm tra để lấy mẫu nước, mẫu cá xét nghiệm xác định nguyên nhân cá chết, qua đó đề xuất các biện pháp khắc phục. Tổ chức tuyên truyền để người dân không hoang mang trước hiện tượng cá chết bất thường; đồng thời hướng dẫn người dân phân biệt cá chết với cá khai thác trên biển xa, cá trong vùng đầm phá, huy động các lực lượng thu gom cá chết để xử lý tiêu hủy, chôn lấp theo quy định, tránh ô nhiễm môi trường. Nghiêm cấm sử dụng, kinh doanh, tiêu thụ thủy, hải sản chết bất thường ở vùng biển. Tích cực tuyên truyền, giải thích, động viên ngư dân tiếp tục ra khơi đánh bắt cá ở vùng biển xa bờ ngoài 20 hải lý và theo dõi hải trình đánh bắt của các tàu đánh cá, kiểm tra chất lượng cá, cấp giấy xác nhận thủy hải sản được đánh bắt từ vùng biển an toàn để tiêu thụ. Đến nay, đã cấp 237 giấy xác nhận khai thác xa bờ cho 1.582 tấn cá các loại, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển lưu thông buôn bán hải sản trên địa bàn tỉnh. Các siêu thị Coop Mart, Big C, các chợ của huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành tổ chức các điểm bán cá biển an toàn.

Để giúp cho người dân ven biển khắc phục những khó khăn do hiện tượng thủy hải sản chết bất thường, tỉnh có nhiều biện pháp tích cực hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống như: tiếp nhận và chuyển kịp thời đến đúng đối tượng 800 tấn gạo và 15,5 tỷ đồng từ Trung ương; 25 tấn gạo và 8,551 tỷ đồng nhận của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp Trung ương và địa phương. UBND tỉnh có quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các huyện ven biển bị ảnh hưởng và hỗ trợ khắc phục hậu quả môi trường. UBMTTQ Việt Nam tỉnh chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn có trách nhiệm tìm kiếm, vận động kêu gọi các nguồn hỗ trợ; tổ chức tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe. Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan như: Tài nguyên và Môi trường, Du lịch, Công thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thuế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Huế phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá tình hình và mức độ ảnh hưởng đối với các tổ chức, cá nhân và đã có những biện pháp hỗ trợ kịp thời như: xây dựng đề án cho các hoạt động đánh bắt cá vùng ven bờ và nghề nuôi trồng thủy sản, thực hiện cơ chế chính sách miễn, giảm thuế, cơ chế hỗ trợ lãi suất, thực hiện chính sách tín dụng, khoanh nợ, giãn nợ và tạo điều kiện cho người dân tiếp tục vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.

Ngay sau khi Chính phủ công bố nguyên nhân sự cố môi trường biển, ngày 1/7, UBND tỉnh thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại do sự cố môi trường biển để đánh giá chính xác giá trị thiệt hại trên tất cả các lĩnh vực bị ảnh hưởng trong thời gian sớm nhất; đề xuất giải pháp tổng thể để khôi phục sự cố và ổn định sản xuất phù hợp với quy định và thực tế ở các địa phương, các lĩnh vực…

Trong thời gian đến, lãnh đạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị tổ chức triển khai tuyên truyền để người dân yên tâm, không hoang mang; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng một cách kịp thời để sớm giúp người dân ổn định cuộc sống; tìm kiếm, vận động, kêu gọi các nguồn hỗ trợ và giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng để phục hồi sản xuất, ổn định đời sống; tổ chức tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe nhằm khắc phục sự cố môi trường biển, hỗ trợ người dân ven biển bị ảnh hưởng ổn định đời sống, đảm bảo sản xuất, kinh doanh.

Kiều My

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn
Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

Các nước trên toàn thế giới đã dành 2 năm qua để soạn thảo một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nhưng hiện vẫn còn khá xa để đạt được đồng thuận về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh.

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống
Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top