ClockThứ Năm, 25/02/2016 05:46

Không buộc được gió

Không hay ho gì khi nhắc lại một vụ việc trước đó, về một vụ đánh nhau khác, ở một trường học khác cũng ngay trên địa bàn TP Huế đã làm nóng mạng xã hội, làm đau nhói không chỉ đối với những người làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị... Cũng sẽ rất là dở và vô cảm nếu đặt ra sự so sánh chuyện mới với chuyện cũ, vì dù mức độ như thế nào, nguyên nhân từ đâu, bản chất vấn đề là gì thì chỉ cần nhìn/đọc/nghe về điều đã xảy ra, đã cảm thấy đau lòng lắm rồi.

Chuyện ở đây lại đến từ một khía cạnh khác, góc nhìn khác. Đó là sự giận dữ và phẫn nộ đương nhiên của nhiều người khi đọc một bài báo với cái tít giật mình “Nữ sinh không đánh nhau sẽ không năng động (!?)” từ việc trích dẫn lời của hiệu trưởng trường này trong trao đổi với phóng viên. Thú thật là tôi đã lặng người đi khi đọc dòng chữ này. Khi tìm hiểu vấn đề vì không tin điều đó là thật, tôi đã nhận được thông tin rằng, có điều như thế, phát ngôn như thế hoặc gần như thế từ phía hiệu trưởng, nhưng nó lại ở trong một ngữ cảnh khác, trong một cuộc trao đổi bên lề giữa hiệu trưởng với phóng viên và có thể, cô đã chưa tìm đúng từ để diễn đạt điều mà mình muốn bày tỏ, chia sẻ về tâm lý độ tuổi. Không may cho cô, câu từ ấy đã được chọn để thành tít của bài báo và không lâu sau đó, nó được chia sẻ, được bình luận với tốc độ khá chóng mặt. Trong một bài báo khác, ở một tờ báo khác, hiệu trưởng đã nói rằng, cô đã có cả một đêm không ngủ. Với lãnh đạo ngành và các đồng nghiệp của mình, cô cũng thừa nhận là đã sơ suất trong diễn đạt. Rằng có lẽ là vì lần đầu tiên cô làm việc và trả lời báo chí, nhất là trong tình huống như vậy nên có phần lúng túng và sơ suất.

Tôi cũng tin, cô hiệu trưởng – một người được đồng nghiệp và lãnh đạo ngành đánh giá là thực sự tâm huyết với học trò, với nghề - sẽ có nhiều đêm mất ngủ khác. Cả nước mắt nữa. Cho dù một nhà báo khác, khi dẫn lại link bài báo của mình đã kèm theo một câu bình luận đại ý rằng, anh cảm thấy đắng lòng khi sau buổi làm việc, một phụ nữ cạnh trường đã nói học trò đánh nhau nhưng coi chừng cô giáo “chết oan” vì một bài báo.

Vấn đề là ở chỗ, điều đúng nhất đã không được lựa chọn. Và niềm tin đã bị lấy mất, không chỉ ở một bài báo, một tác giả, một tờ báo. Cho dù niềm tin bị lấy mất ấy chỉ mới chỉ đến với những người trong cuộc, những người biết chuyện và hiểu chuyện. Với tư cách là một độc giả, tôi nghĩ, điều đầu tiên của thông tin là phải chính xác, nhưng độc giả cũng cần ở người đưa tin cách nhìn nhân văn hơn, thấu tình đạt lý hơn, những góp ý chân tình hơn. Ngay cả khi thông tin nào đó chính xác là phải như thế này, nhưng vẫn có những cách tiếp cận tốt hơn để ngay người trong cuộc cũng phải thấy rằng, bản thân mình cũng phải tiếp thu và thay đổi.

Dân gian có câu, không thể buộc được gió. Tương tự là lời nói đã bay đi thì không thể nào rút lại được. Nếu hiểu điều này và những hệ lụy của nó, chắc chắc cô giáo sẽ cẩn trọng hơn nữa, cũng như nhà báo sẽ không chọn một góc nhìn như vậy cho bài báo của mình.

Lam Cúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top